Công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi 13/10/2024 09:42
Nhân sự kiện lịch sử thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 18/2/1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột.
Trải qua các cao trào cách mạng như: Cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh; Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939); Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), thực hiện công tác dân vận, Đảng ta ngày càng trưởng thành và phát triển, ngày càng gắn bó máu thịt với Nhân dân. Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” (1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân tham gia Mặt trận Việt để khôi phục độc lập dân tộc: Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.
Đến giữa năm 1945, Mặt trận Việt Minh đã có 5 triệu hội viên. Sự phát triển của Mặt trận Việt Minh đã tạo điều kiện cho Đảng ta xây dựng các căn cứ địa cách mạng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, tạo điều kiện cho khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa khắp cả nước khi thời cơ đến.
Ngày 18/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Người nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính quyền cách mạng của ta lúc đó phải đối phó với muôn vàn khó khăn. Để giải quyết tình thế trên, Đảng và Nhà nước ta đã dựa vào dân và khơi dậy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí Sắc lệnh số 04 thành lập “Quỹ Độc lập”. Sắc lệnh nêu rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà Nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia”. Trong khuôn khổ “Quỹ Độc lập”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ cách mạng lâm thời đã đề ra chương trình tổ chức “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945, kêu gọi sự ủng hộ của Nhân dân, nhất là tầng lớp thương nhân trong xã hội. Lượng tiền, vàng mà Nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” tại “Tuần lễ vàng” là nguồn tài chính quan trọng giúp Đảng và Chính quyền tháo gỡ tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Người cho rằng vấn đề cấp bách đầu tiên trong sáu “vấn đề cấp bách hơn cả” là “Nhân dân đang đói”. Người đề nghị Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Người cũng đề nghị: “Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. Hưởng ứng kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên khắp cả nước, Nhân dân cả nước đã lập “Hũ gạo cứu đói”, tổ chức “Ngày đồng tâm”. Chính quyền và Nhân dân tất cả các địa phương cũng ra sức cải tạo đất công cộng còn trống như sân bãi, vỉa hè, bờ đê để trồng trọt, nhất là hoa màu ngắn ngày. Cùng nhiều biện pháp khác, nạn đói cơ bản đã được giải quyết. Trong lễ kỉ niệm một năm độc lập diễn ra vào ngày 2/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kì công của chế độ dân chủ”.
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ hơn 90% đồng bào chúng ta mù chữ và do đó Người đã đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Với phong trào Bình dân học vụ, trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Đây là cơ sở để Đảng và Chính phủ ta thực hiện tiếp theo những lớp bổ túc văn hóa đã xóa mù chữ.
Ngày 23/9/1945, được quân Anh giúp đỡ và sự yểm trợ của quân Nhật, 6.000 quân Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn. Ngay trong sáng 23/9/1945, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ đã cấp tốc họp, chủ trương kiên quyết kháng chiến. Ngày 26/9/1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước ta. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hi sinh của toàn thể một dân tộc”.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác dân vận. Người đã căn dặn cán bộ, đảng viên trong lần về thăm Thanh Hóa năm 1947, rằng: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân”.
Trong thời kì chống Mỹ, cứu nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975), các phong trào dân vận phát triển trên các lĩnh vực, các ngành, các giới một cách toàn diện.
Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc chứng minh tầm quan trọng của công tác dân vận của Đảng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Theo Người, để xây dựng được chủ nghĩa xã hội thì phải dựa vào Nhân dân. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người”. Do đó, nếu chế độ xã hội chủ nghĩa là một cái cây xanh tốt thì Nhân dân chính là gốc rễ vững bền. Người khẳng định: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.
Nhân kỉ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), trong bài “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta sẽ “phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.