Dân không "tâm phục khẩu phục" Bản án sơ thẩm của TAND TP Hải Phòng
Pháp luật - Bạn đọc 11/11/2020 16:26
Như đã phản ánh, năm 2011 gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh nhận chuyển nhượng đất của các gia đình: ông Vũ Đức Sơn, ông Nguyễn Thanh Bình, bà Nguyễn Thị Ve, diện tích 245,2m2 tại thôn Bến Bính B, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Việc nhận chuyển nhượng chỉ lập giấy viết tay, có xác nhận của Trưởng thôn là bà Nguyễn Thị Bích Loan. Nguồn gốc do các gia đình sử dụng làm nhà ở từ trước năm 1990. Năm 2012, gia đình bà Ngọc Anh xây dựng lại thành biệt thự 3 tầng, sử dụng ổn định không tranh chấp với ai, không bị chính quyền xử lí. Theo quy định của pháp luật về đất đai, diện tích đất này của gia đình bà Ngọc Anh phải được coi là hợp pháp, do đáp ứng đủ quy định tại Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013.
Ngày 23/8/2017, UBND huyện Thủy Nguyên ban hành Quyết định số 4858/QĐ-UBND, về thu hồi đất của hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, có nội dung: “Thu hồi diện tích 129,8m2 đất của UBND xã Tân Dương quản lí, do hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Anh… đang sử dụng, tại thửa số 64 thuộc tờ bản đồ số 1…”. Nội dung này là trái pháp luật và sai sự thật, vì theo quy định của pháp luật về đất đai, Nhà nước chỉ là đại diện quyền sở hữu đất đai, UBND cấp xã chỉ có quyền sử dụng đối với diện tích đất công ích, là đất nông nghiệp và không được vượt quá 5% tổng diện tích đất nông nghiệp tại địa phương. Vậy sao đất dân đang ở ốn định, mà chính quyền lại bảo là “của UBND xã Tân Dương…”!?
Ngôi nhà biệt thự 3 tầng của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh trước khi bị cưỡng chế |
Bà Ngọc Anh khởi kiện, yêu cầu Tòa tuyên hủy Quyết định số 4858 nói trên của UBND huyện Thủy Nguyên, vì cho rằng nói “của UBND xã Tân Dương quản lí” là trái pháp luật, tước đoạt quyền và lợi ích của gia đình bà đối với thửa đất. Tại phần “Nhận định của tòa án” của Bản án số 37/2020/HC-ST ngày 27/10/2020 của TAND TP Hải Phòng, HĐXX đã tự ý sửa từ “của” thành “… do UBND xã Tân Dương quản lí…”. Sau khi có quyết định thu hồi đất, UBND huyện Thủy Nguyên ban hành Quyết định số 4872/QĐ-UBND, về phê duyệt phương án bồi thường… và Quyết định số 2899/QĐ-UBND, về điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ. Tại Phương án số 56/PA-CTC, kèm theo Quyết định số 4872, đơn giá đất ở được tính 4 triệu đồng/m2, chỉ hỗ trợ giá đất 50%, hỗ trợ nhà ở và tài sản trên đất 10%. Phương án số 47/PA-TCT, kèm theo Quyết định số 2899, đơn giá đất được điều chỉnh lên 8 triệu đồng/m2, vẫn giữ mức hỗ trợ 50% giá đất, 10% giá nhà và tài sản trên đất.
Ngày 2/10/2018, UBND huyện Thủy Nguyên ban hành Quyết định cưỡng chế số 5290/QĐ-CT. Dân khiếu nại, thì ngày 29/3/2019, huyện có Thông báo cưỡng chế số 01/TB-BCCTHĐ. Thông báo gửi đi ngày 1/4/2019, thì ngay hôm sau, 2/4/2019, chính quyền đã tổ chức cưỡng chế, đập phá nhà khiến dân không kịp trở tay, không kịp lấy tài sản trong nhà nên bị mất mát, thiệt hại rất lớn. Trong khi cưỡng chế nhà, đất của giai đoạn 1, lực lượng cưỡng chế “tiện tay” phá dỡ luôn xưởng may của ông Phạm Quang Hưng, diện tích 115,3m2, mà không hề có quyết định thu hồi, bồi thường, hỗ trợ.
Hiện trường ngôi nhà sau khi bị cưỡng chế |
Cho rằng các quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính quyền và Chủ tịch UBND huyện trái pháp luật, bà Ngọc Anh khởi kiện, yêu cầu Tòa hủy các quyết định: số 4858, số 5290; hủy một phần các quyết định: số 4872, số 2899; tuyên hành vi tổ chức cưỡng chế của Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên là trái pháp luật; tuyên buộc Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên bồi thường thiệt hại, do ban hành quyết định và tổ chức cưỡng chế trái pháp luật… Ngày 27/10/2020, TAND TP Hải Phòng ban hành Bản án hành chính sơ thẩm số 37/2020/HC-ST, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Ngọc Anh. Tại Bản án này, HĐXX cho rằng, thửa đất của bà Ngọc Anh sử dụng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, nên không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng nghĩa việc không đủ điều kiện để được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
HĐXX viện dẫn các tài liệu: Bản đồ địa chính năm 1984; Sơ đồ thiết kế tu bổ đường lên phà Bính năm 1990, được Sở Thủy lợi cho ý kiến ngày 10/4/1990; Quyết định duyệt thiết kế kĩ thuật thi công và dự toán công trình số 1849/KTCL ngày 19/12/1997, của Cục Đường bộ Việt Nam; Công văn số 1313 ngày 21/6/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công văn số 1221 ngày 13/6/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Danh sách tổng hợp vi phạm đối với 165 trường hợp… do Đội quản lí đê Thủy Nguyên, phối hợp với UBND xã Tân Dương thống kê năm 1995, được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp, để khẳng định: Thửa đất số 64, tờ bản đồ số 1 của gia đình bà Ngọc Anh có con đê chạy bao quanh, sau đó một phần đê được lấy đi để mở rộng Quốc lộ 10 (nay là Tỉnh lộ 359B), bức tường đá là công trình ngăn cách giữa đê Tả Cấm và Quốc lộ 10 cũ.
Khu vực này hiện không có dấu hiệu nào cho thấy có một con đê |
HĐXX cho rằng: “Thửa đất sau đó đã bị các hộ dân lấn chiếm, nên các cơ quan quản lí đã không tu bổ, nâng cấp và không thể thực hiện được việc cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê. Bức tường đá hiện tại chính là công trình đê còn lại để xác định mốc giới, chỉ giới của đê Tả Cấm, đoạn song song với Quốc lộ 10 cũ…”. Cho rằng gia đình bà Ngọc Anh nhận chuyển nhượng đất không có công chứng, chứng thực; mặt khác, đất nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Thanh Bình và bà Nguyễn Thị Ve, là đất lấn chiếm hành lang đê, nên giao dịch đó trái pháp luật, vi phạm điều cấm, nên không phát sinh quyền sử dụng đất hợp pháp, vi phạm điều cấm của Luật Đất đai.
Thật nực cười, như chúng tôi đã phân tích, không thể có thửa đất ở của dân nào lại có con đê vây quanh!? Nói dân lấn chiếm đê và hành lang đê là không đúng thực tế. Sự thật khu vực dân cư này đã hình thành trước năm 1990, trong khi Sơ đồ thiết kế tu bổ đường lên phà Bính đến năm 1990 mới lập, thì nơi đây đã có nhà dân ở. HĐXX không xem xét các tài liệu chứng minh nguồn gốc hình thành khu dân cư thôn Bến Bính B, mà chỉ dựa vào các tài liệu do bên bị kiện cung cấp. Đê điều là công trình trị thủy, nhằm ngăn nước sông lên cao tràn vào các khu đất có người ở, hoặc đang canh tác, vậy thì nó phải nằm dọc ven sông, không thể có con đê nào nằm dọc Quốc lộ như nhận thức của các cơ quan tố tụng TP Hải Phòng. Cho rằng trong các tài liệu HĐXX viện dẫn thể hiện có con đê nằm dọc Quốc lộ 10 (nay là Tỉnh lộ 359B), thì phải hiểu đây có thể có sự nhầm lẫn của người đo vẽ, bởi từ năm 1990, khu vực này đã trở thành thôn xóm.
Các nội dung yêu cầu khởi kiện khác, HĐXX cũng khơi khơi cho là đúng pháp luật, để bác yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc Anh. Riêng việc ngày 1/4/2019 chính quyền công bố Thông báo cưỡng chế thu hồi đất (thông báo chung cho cả chục hộ), mà ngay hôm sau, ngày 2/4/2019, đã tổ chức lực lượng rầm rộ kéo đến cưỡng chế, thử hỏi như vậy dân có kịp trở tay. Rõ ràng hành vi này vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Thế mà HĐXX lại chứng minh rằng: “15 giờ cùng ngày 1/4/2019 Ban cưỡng chế do ông Đinh Chính Quyền chủ trì họp với 10 hộ dân, để vận động, thuyết phục… hộ bà Ngọc Anh không chấp hành quyết định này, mà khóa cửa không có nhà…”.
Ô hay, dù có vận động, thuyết phục thì không pháp luật nào cho phép ngay ngày hôm sau “đánh úp” các hộ dân như vậy. Cũng phải để dân có thời gian chuẩn bị chỗ ở tạm, vận chuyển đồ đạc ra khỏi nhà chứ. HĐXX cho rằng, Ban cưỡng chế có lập biên bản kiểm đếm tài sản, sau đó bàn giao tài sản cho UBND xã Tân Dương quản lí, thông báo cho hộ bà Ngọc Anh đến UBND xã nhận tài sản, nhưng hộ bà Ngọc Anh chưa nhận… Đây chỉ là lời khai của bên bị kiện, chứ thực tế khi gia đình bà Ngọc Anh không có nhà, pháp luật nào cho phép cắt khóa xông vào bê đồ của họ ra ngoài? Và, nếu lập biên bản kiểm đếm thì lập như thế nào? Ai chứng kiến? Có giao biên bản kiểm đếm cho gia đình kiểm soát không?...
Bà Ngọc Anh đã thực hiện kháng cáo bản án lên cấp phúc thẩm. Hi vọng HĐXX cấp phúc thẩm có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn, nhằm đưa ra bản án tôn trọng sự thật, đúng pháp luật.
Ban hành quyết định hành chính trái luật, dân rơi vào tình cảnh hoang mang Đang ăn ở ổn định, bỗng dưng bị Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Viển kí ban hành 2 quyết định hành ...
|