Quan điểm sai lệch pháp luật của đại diện Viện KSND TP Hải Phòng
Pháp luật - Bạn đọc 26/10/2020 15:09
Như đã phản ánh, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh nhận chuyển nhượng 245,2m2 đất tại thôn Bến Bính B, xã Tân Dương, nguồn gốc do các gia đình khai hoang, sử dụng làm nhà ở từ năm 1990, sinh sống ổn định, không có tranh chấp. Trên cơ sở đó, năm 2012, gia đình bà Ngọc Anh xây dựng lại thành biệt thự. Theo quy định của pháp luật, đất gia đình bà Ngọc Anh nhận chuyển nhượng, sử dụng là hợp pháp, quy định tại Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013. Thế nhưng, cuối năm 2017 UBND huyện Thủy Nguyên ra các quyết định thu hồi đất hai bên Quốc lộ 10 (nay là Tỉnh lộ 359B), nói là để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, nhưng chỉ hỗ trợ về đất là 50%, về vật kiến trúc và các tài sản khác là 10%.
Đến ngày 2/10/2018, UBND huyện Thủy Nguyên ban hành các quyết định cưỡng chế số 5290/QĐ-CT và số 5291/QĐ-CT. Dân tiếp tục khiếu nại, thì ngày 29/3/2019, huyện có Thông báo cưỡng chế số 01/TB-BCCTHĐ. Thông báo nhận ngày 1/4/2019, thì ngay hôm sau, 2/4/2019, chính quyền đã tổ chức cưỡng chế, đập phá nhà khiến dân không kịp trở tay, không kịp lấy tài sản trong nhà nên bị mất mát, thiệt hại rất lớn. Đáng nói là, trong khi cưỡng chế 2 nhà, đất của giai đoạn 1, lực lượng cưỡng chế “tiện tay” phá dỡ luôn xưởng may của anh Phạm Quang Hưng, nằm trên diện tích đất 115,3m2, mà không hề có quyết định thu hồi, bồi thường, hỗ trợ.
Hình ảnh thực địa cho thấy, ở đây chẳng còn con đê nào cả |
Bà Ngọc Anh khởi kiện hành chính ra TAND TP Hải Phòng, yêu cầu Tòa tuyên hủy các quyết định hành chính trái pháp luật, tuyên hành vi hành chính của lãnh đạo huyện Thủy Nguyên là trái luật và bồi thường thiệt hại cho gia đình bà. Trong 2 ngày 22 – 23/10/2020, TAND TP Hải Phòng đưa vụ án ra xét xử. Phải thừa nhận, thẩm phán Cao Văn Tuấn, chủ tọa điều hành phiên tòa diễn ra công khai, dân chủ. Tại phiên tòa này, qua phần hỏi – đáp, tranh tụng, các luật sư của bên khởi kiện đã làm rõ, đất gia đình bà Ngọc Anh đáp ứng quy định tại Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013, nên phải được chấp nhận là hợp pháp, phải được bồi thường 100%, theo đó vật kiến trúc và các tài sản khác cũng phải được bồi thường 100%. Từ đó khẳng định, các quyết định: thu hồi đất, cưỡng chế GPMB là trái pháp luật. Hành vi tổ chức cưỡng chế chỉ một ngày sau khi giao thông báo, cũng là trái luật. Vì vậy, đề nghị HĐXX tuyên hủy các quyết định, tuyên hành vi hành chính của Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên là trái luật, yêu cầu chính quyền huyện Thủy Nguyên bồi thường thiệt hại cho gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh.
Bên bị kiện, chính quyền huyện Thủy Nguyên luôn cho rằng, đất của gia đình bà Ngọc Anh nằm trên mái, thân, hành lang đê Tả Cấm, vi phạm hành lang giao thông và nơi đây là nền đất chợ; rằng khu đất của gia đình bà Ngọc Anh tọa lạc, không phải là khu dân cư, vì chưa có quy hoạch là khu dân cư. Thật khó hiểu, một khi đã nằm trọn trên đê, thì sao lại vi phạm hành lang giao thông, sao nơi đây lại là nền đất chợ!? Về xác định có phải hay không phải khu dân cư, chỉ cần xem xét khu vực này đã trở thành đơn vị thôn, dân cư sinh sống ổn định nhiều năm, đã được cấp sổ hộ khẩu… chắc chắn là khu dân cư, chứ sao phải chờ có quy hoạch mới là khu dân cư!? Qua phần hỏi – đáp và phần tranh tụng, bên bị kiện dường như đuối lí, nên rút lại 2 nội dung vi phạm: “hành lang giao thông và nền đất chợ”, chỉ còn cho rằng đất của gia đình bà Ngọc Anh vi phạm hành lang đê phía sau nhà. Do đó, họ khăng khăng khẳng định, các quyết định ban hành và hành vi hành chính là đúng luật, đề nghị Tòa bác các nội dung khởi kiện của nguyên đơn.
Hiện trường ngôi nhà của gia đình bà Ngọc Anh bị phá dỡ |
Đáng nói, kiểm sát viên Đỗ Văn Tú, đại diện Viện KSND TP Hải Phòng, trong phần phát biểu quan điểm giải quyết vụ án lại cho rằng, đất của gia đình bà Ngọc Anh 3 mặt là đê (!?). Ông giải thích, tuy con đê đã được Nhà nước phá đi làm thành đường giao thông hai làn, có giải cây xanh ở giữa, quy hoạch từ tim ra mỗi bên là 9m, nhưng bức tường đá trước mặt đất của gia đình bà Ngọc Anh chính là tim đê. Điều này, ông Đỗ Văn Tú căn cứ vào một bản đồ vẽ bằng tay, do phía bị kiện cung cấp, không trình lên HĐXX, bên khởi kiện và các luật sư bên khởi kiện cũng không được biết. Từ đó, ông cho rằng đất của gia đình bà Ngọc Anh nằm hoàn toàn trên mái, thân, hành lang bảo vệ đê. Từ đó ông kiến nghị HĐXX bác đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Ngọc Anh.
Thật hài hước và không tin nổi, một vị kiểm sát viên của Viện KSND thành phố trực thuộc Trung ương, mà lại có nhận thức ngô nghê như vậy. Thử hỏi, có nơi nào trên thực tế lại tồn tại thửa đất 3 mặt tiếp giáp đê!? Mà nếu đã nằm hoàn toàn trên đê, thì sao lại bảo có 3 mặt tiếp giáp đê!? Mặt khác, nếu có con đê ở vị trí này thật, thì đã được Nhà nước phá đi để mở rộng Quốc lộ 10, dẫn thẳng xuống bến phà Bính và đã hình thành khu dân cư sinh sống ổn định từ năm 1990 đến nay. Do đó, phía trước đất gia đình bà Ngọc Anh nay là Tỉnh lộ 359B, chứ không còn con đê nào cả, thì không thể nói đất của gia đình bà Ngọc Anh vi phạm hành lang đê. Những người dự khán phiên tòa này tỏ ra rất ngỡ ngàng về nhận thức của vị kiểm sát viên này.
Đơn tố cáo kiểm sát viên Đỗ Anh Tú của gia đình bà Ngọc Anh |
Về Dự án Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, phía bị kiện công bố trước Tòa, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, nên chính quyền huyện Thủy Nguyên mới ra các quyết định thu hồi đất để thực hiện. Điều này là hoàn toàn trái pháp luật, vì cho rằng Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận, thì phải hiểu đây là chấp thuận về chủ trương, không có ý nghĩa là phê duyệt dự án. Ở đây, chính quyền huyện Thủy Nguyên muốn thực hiện dự án, phải làm đúng trình tự, thủ tục, quy trình theo quy định của pháp luật. Cụ thể, phải lập dự án, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt, ra quyết định thu hồi đất tổng thể, giao cho nhà đầu tư thực hiện… Trước khi lập dự án, cơ quan chức năng phải lấy ý kiến của Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định tại Điều 43 Luật Đất đai năm 2003. Khi thực hiện dự án, phải công khai dự án cho Nhân dân được biết, theo quy định của pháp luật. Thực tế ở đây, chưa có dự án nào được phê duyệt, chưa lấy ý kiến Nhân dân, chưa công khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa công khai dự án, mà chính quyền huyện Thủy Nguyên đã ra các quyết định thu hồi đất, là trái pháp luật nghiêm trọng.
Vụ kiện này, HĐXX, TAND TP Hải Phòng quyết định nghị án kéo dài, sẽ tuyên án trong vài ngày tới. Hi vọng HĐXX xem xét kĩ lưỡng, ban hành bản án công tâm, đúng pháp luật, trả lại quyền và lợi ích cho gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh. Ở một diễn biến liên quan, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh đã có Đơn tố cáo kiểm sát viên Đỗ Văn Tú, ngay sau khi kết thúc 2 ngày xét xử.
Cưỡng chế phá nhà dân rồi... bỏ hoang (!?) Nếu vì mục đích gì đó mà quá đà, xâm hại đến quyền lợi của dân thì còn có thể biện minh, nhưng không có ... |