Ban hành quyết định hành chính trái luật, dân rơi vào tình cảnh hoang mang
Pháp luật - Bạn đọc 06/11/2020 07:47
Năm 1989, vợ chồng ông Nguyễn Đức Quý, bà Nguyễn Thị Rỡ vào khu đất trống ở Chẽ Doãn, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng khai hoang, phục hóa, san lấp, cải tạo, sử dụng vào mục đích trồng cây, nuôi cá và làm nhà ở ổn định cho đến nay. Vợ chồng ông có lên UBND xã An Sơn xin phép được vào khai hoang, phục hóa nhưng lãnh đạo UBND xã lúc đó trả lời không thuộc thẩm quyền. Vì cuộc sống khó khăn, nên gia đình ông vẫn làm, không bị ai ngăn chặn, cũng không tranh chấp với ai. Trong quá trình sử dụng, gia đình thường bị mất trộm, nên có đầu tư xây dựng tường bao xung quanh để bảo vệ tài sản. Quá trình xây dựng, chính quyền địa phương không có ý kiến gì.
Ngày 29/9/2020, ông Nguyễn Văn Viển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên đã ban hành Quyết định số 7061/QĐ-KPHQ, về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai, buộc gia đình ông Quý phải khôi phục hiện trạng của đất trước khi vi phạm. Cho rằng Quyết định số 7061/QĐ-KPHQ ngày 29/9/2020 ban hành trái pháp luật, không bảo đảm quyền lợi cho gia đình, ông Quý làm đơn khiếu nại.
Ông Quý đang chỉ cho phóng viên khu đất của gia đình ông |
Nhưng thay vì giải quyết khiếu nại, ngày 16/10/2020, ông Nguyễn Văn Viển lại kí Quyết định số 7386/QĐ-CCXP, về cưỡng chế thực hiện buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc gia đình ông Quý phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, do có hành vi vi phạm hành chính. Trong vòng 15 ngày, gia đình ông Quý phải thực hiện, nếu quá thời hạn mà ông Quý không tự nguyện chấp hành, sẽ bị cưỡng chế. Căn cứ các tài liệu thu thập được và kết quả xác minh thực tế cho thấy, việc ông Nguyễn Văn Viển kí ban hành 2 quyết định: số 7061/QĐ-KPHQ và số 7386/QĐ-CCXP là trái pháp luật.
Về việc sử dụng đất, gia đình ông Nguyễn Đức Quý khai hoang, sử dụng ổn định, liên tục từ năm 1989 đến nay, không có tranh chấp. Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, nhưng đất được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004, không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch, thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Khu đất của gia đình ông Quý, được cho là nằm trong vành đai an toàn nổ mìn của Công ty xi măng Phúc Sơn |
Đối chiếu quy đinh nêu trên, việc sử dụng đất của gia đình ông Quý hoàn toàn hợp pháp, được pháp luật bảo hộ. Biên bản kiểm tra hiện trường, do công chức địa chính xã Lại Xuân lập, đất của gia đình ông Quý nằm vào vùng vành đai bán kính 200m núi trại Sơn C, là vành đai an toàn nổ mìn khai thác đá của Công ty xi măng Phúc Sơn. Như vậy, nếu Công ty xi măng Phúc Sơn mở rộng phạm vi sản xuất, mở rộng vành đai an toàn nổ mìn núi Trại Sơn C, ảnh hưởng đến diện tích đất của gia đình ông Quý, thì Nhà nước phải ra quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông theo quy định của pháp luật. Điều 92 Luật Đất đai năm 2013 quy định 11 trường hợp Nhà nước thu hồi đất, nhưng không được bồi thường tài sản gắn liền với đất, thì gia đình ông Quý không thuộc bất kì trường hợp nào. Nhưng nay, UBND huyện buộc gia đình ông tháo dỡ, di dời vật kiến trúc và các tài sản khác trên đất, để giao đất cho Công ty xi măng Phúc Sơn sử dụng, mà không hề thông báo cho gia đình ông được biết, không hề kiểm đếm tài sản, không hề có một chính sách ưu đãi nào đối với cây cối, công trình trên đất, công tôn tạo, vượt lập đất của gia đình ông, là không theo quy định pháp luật. Mặt khác, Quyết định số 7061/QĐ-KPHQ ngày 29/9/2020 rất chung chung không cụ thể, không xác định rõ diện tích đất gia đình ông Quý vi phạm bao nhiêu mét vuông, ở vị trí nào?
Cổng và tường bao ông Quý xây dựng nhằm bảo vệ tài sản của gia đình |
Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Luật Xử lí vi phạm hành chính quy định: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lí nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, nếu cho rằng gia đình ông Quý có sai phạm, thì phải được lập biên bản và xử lí kịp thời. Việc công chức địa chính xã tiến hành lập biên bản vào thời điểm tháng 6/2020, hơn một năm sau khi gia đình ông Quý xây tường bao, để đến cuối tháng 9, giữa tháng 10/2020 Phó Chủ tịch UBND huyện kí ban hành 2 quyết định hành chính, trong đó một quyết định cưỡng chế… là trái pháp luật.
Sau khi nhận được Quyết định số 7061/QĐ-KPHQ ngày 29/9/2020, ông Quý đã thực hiện quyền khiếu nại, nhưng đến nay chưa được giải quyết, mà lại ban hành Quyết định số 7386/QĐ-CCXP, về việc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, xâm hại đến quyền lợi của gia đình ông Quý.
Thiết nghĩ, Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên nên ra quyết định huỷ 2 quyết định nói trên, tiến hành quy trình thu hồi đất của gia đình ông Quý theo quy định của pháp luật.
Quan điểm sai lệch pháp luật của đại diện Viện KSND TP Hải Phòng Tạp chí Người cao tuổi số 132 (2766) và Tạp chí Ngày mới online ngày 1/10/2020 đăng bài: “Huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng: Cưỡng ... |
Cưỡng chế phá nhà dân rồi... bỏ hoang (!?) Nếu vì mục đích gì đó mà quá đà, xâm hại đến quyền lợi của dân thì còn có thể biện minh, nhưng không có ... |