Chuyện về sắp xếp lại đơn vị hành chính
Đời sống 17/04/2024 09:07
Trước sự kiện này, tôi nhớ lại chuyện cách đây 77 năm; năm 1947, quê tôi thực hiện chủ trương của Nhà nước, các xã quy mô nhỏ sáp nhập vào thành xã lớn, cùng nhau chung sức đồng lòng, chống giặc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.
Đình Phú Lễ, xã Tự Tân. |
Trong diễn văn kỉ niệm 70 năm thành lập xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, ông Phạm Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã (nay là Bí thư Đảng bộ xã Tự Tân) có nêu: “Sau tháng 8/1945, Tự Tân vẫn duy trì ba xã cũ là Tân Dân, Phú Lễ và La Điền. Tháng 8/1947, theo chủ trương bỏ khu, lập xã có quy mô lớn, được Ủy ban Hành chính huyện Thư Trì lãnh đạo, đại biểu của 3 xã Tân Dân, Phú Lễ, La Điền họp tại đình làng Phú Lễ, nhất trí thành lập xã mới, đặt tên là xã Tự Tân. Tự Tân có nghĩa là tự mình đổi mới. Xã Tự Tân khi đó có 4 thôn là La Điền, Phú Lễ, Phù Sa và Đại An; có 1.650 hộ, với 6.150 nhân khẩu”.
Lịch sử Đảng bộ Tự Tân có đoạn: “Ngay sau khi thành lập xã, các đoàn thể trong các thôn đã xúc tiến bầu ra ban chấp hành mới. Ủy ban Hành chính xã cũng bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch, xã đội trưởng và trưởng ban đốc chiến. Tháng 11/1947, ban đốc chiến xã và Ủy ban Hành chính xã sáp nhập làm một và đổi tên là Ủy ban Kháng chiến xã Tự Tân. Cùng thời gian này, Mặt trận Việt Minh xã được thành lập và đến năm 1949, sáp nhập Mặt trận Việt Minh với Hội Liên Việt của xã thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt. Từ việc sáp nhập Việt Minh, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và nâng lên một bước mới, nhằm phục vụ cho cuộc kháng chiến kiến quốc, chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn”.
Cũng theo cuốn lịch sử của Đảng bộ Tự Tân: Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Tự Tân là một trong những xã kiên cường, bất khuất. La Điền là đầu mối giao thông liên lạc Nam - Bắc đường 10. Người dân Tự Tân đều phải hứng chịu những trận càn quét của binh lính từ các bốt Cầu Ba, Cầu Nhì, Tăng Bổng, La Uyên, Tân Đệ. Du kích Tự Tân phối hợp với du kích xã Minh Đức (Minh Khai và Minh Quang), cùng bộ đội chủ lực của Sư đoàn 320, đã anh dũng, kiên cường, bám đất, bám dân để chống càn, để chia lửa với Điện Biên, quyết tâm cùng quân dân cả nước giành thắng lợi. Đình Đại An, đình Cây Trôi được sử dụng làm nơi hội họp, gian Bái đường đình Cây Trôi trở thành kho thóc Nghĩa Sương, kho lương thực nuôi quân đánh giặc.Từ khi thành lập xã Tự Tân đến năm 1954, địch càn quét vào Tự Tân trên 300 cuộc, đốt trụi 3 làng, giết hại 200 người, có 47 cán bộ, chiến sĩ du kích hi sinh. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kì chống Pháp” cho Nhân dân và Đảng bộ xã Tự Tân. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tự Tân là xã luôn dẫn đầu phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân lên đường vượt mức”. Trên một ngàn người tham gia quân đội, thanh niên xung phong,... Việc sáp nhập xã với quy mô lớn đã tạo động lực làm cho Tự Tân phát huy thế mạnh về tiềm năng sức người, sức của, tận dụng mọi khả năng sẵn có, làm giàu ngay trên đất quê mình. Trong quá trình xây dựng quê hương, Tự Tân đã được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới đợt 1 năm 1915. Tự Tân đang tiếp tục phấn đấu để đạt danh hiệu “nông thôn mới kiểu mẫu”.
Thiết nghĩ, việc sáp nhập các đơn vị hành chính nhằm khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, là chính sách rất đúng của Nhà nước. Tuy nhiên cần tránh việc làm hình thức, chiếu lệ. Cơ sở vật chất của các xã cũ cần được sử dụng vào việc có lợi cho dân. Cần tránh tình trạng có xã mới phải có trụ sở mới, phải có cơ sở vật chất mới cho đội ngũ cán bộ mới. Những điều đó sẽ không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước”.