Chuyện lạ ở tỉnh Nghệ An: Đi xuất khẩu lao động vẫn hưởng chế độ khuyết tật(!?)
Pháp luật - Bạn đọc 28/03/2018 15:36
Theo quy định: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn”. Dạng tật và mức độ khuyết tật bao gồm: Dạng tật có; Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, Tâm thần; Khuyết tật trí tuệ; Khuyết tật khác. Khuyết tật được chia theo 3 mức độ: Khuyết tật nhẹ; Khuyết tật nặng; Khuyết tật đặc biệt nặng. Theo quy định, những người mức độ nặng được hưởng chế độ trợ cấp 270.000 đồng/tháng. Người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng 540.000 đồng/tháng, được trợ cấp thêm cho người người phục vụ 270.000 đồng/tháng. Tại Điều 3 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/2/2012 quy định: “Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày, mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc”. Quy định rõ ràng như vậy, nhưng ở xã Ngọc Sơn có rất nhiều người lành lặn, khỏe mạnh, bình thường vẫn được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng và chế độ bảo hiểm y tế, cùng một số chế độ ưu tiên khác như đối với người khuyết tật.
Theo địa chỉ được người dân cung cấp, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Văn C, ở xóm 10. Khi đến, ông C mồ hôi mồ kê nhễ nhại đang xúc phân chuồng vào xe bò chuẩn bị chở ra đồng. Theo người dân trong xóm phản ánh, ông C là lao động chính trong gia đình, là người cần cù chất phác, làm ruộng nhà xong, ông còn nhận thêm ruộng của nhà khác về làm. Siêng năng lao động là quý, song người như ông mà được xếp vào diện khuyết tật nặng, là điều không thể tin nổi. Cũng như ông C, ở xóm 5 có ông Lê Đình T (vợ là bà H), năm 2016 bị tai nạn phần mềm ở chân, nay vết thương đã khỏi, đi lại bình thường, hiện là thợ đánh cá tài ba trên sông Lam. Ngoài ra, ông còn làm thợ xây, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh… Và, hiện ông vẫn đang hưởng chế độ trợ cấp người khuyết tật. Khi chúng tôi gặp ông đi xe máy đến cơ quan, ông dừng xe bước xuống, đi lại bình thường. Vậy mà vẫn được Hội đồng xã Ngọc Sơn chấm cho khuyết tật nặng, dạng tật.
Danh sách người được hưởng chế độ khuyết tật năm 2018 của xã Ngọc Sơn.
Ngoài 2 người nói trên, ở xã Ngọc Sơn, đội ngũ thợ xây dựng được hưởng chế độ khuyết tật cũng rất nhiều, như các ông: Phan Văn T ở xóm 9, Nguyễn Văn H ở xóm 10, Nguyễn Trọng K ở xóm 5, Nguyễn Phùng S ở xóm 8… người đang đi làm bảo vệ ở miền Nam, người đang làm thợ điện, hằng ngày rong ruổi xe máy khắp nơi, vẫn được hưởng chế độ khuyết tật. Thậm chí, chị Nguyễn Thị Kỳ, ở xóm 2B, đủ sức khỏe đi lao động ở Malaysia, cũng được hưởng chế độ trợ cấp người khuyết tật. Hiện xã Ngọc Sơn có hơn 200 người hưởng chế độ khuyết tật với các mức độ khác nhau. Đây là một trong những xã có người khuyết tật đông nhất huyện, trong đó hơn một nửa không phải khuyết tật, chỉ khuyết tật nhẹ, bệnh tật nhưng được UBND xã chuyển thành khuyết tật nặng để hưởng chế độ. Mặc dù đội ngũ người khuyết tật đông như vậy, nhưng mới bước sang đầu năm 2018 chưa được 3 tháng, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Ngọc Sơn đã duyệt thêm 19 người, bổ sung vào đội ngũ người khuyết tật để hưởng chế độ. Trong số đó có người đang đi làm thợ điện, mắt bình thường, hay như chị Trịnh Thị B, mắt bị lé (lác) vẫn được xếp dạng tật nhìn, mức độ nặng để hưởng chế độ.
Theo Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT, quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện, tại Điều 2 quy định: Chủ tịch UBND xã là Chủ tịch hội đồng, công chức phụ trách lao động thương binh và xã hội làm thư kí hội đồng. Thế nhưng, ở xã Ngọc Sơn có một điều rất lạ, công chức xã học bài bản, thi đậu công chức được huyện điều về, thì xã quyết không nhận, hoặc nhận xong gây sức ép để họ chuyển đi, còn cán bộ chính sách, xã chỉ dùng cán bộ hợp đồng, mỗi người được kí hợp đồng khoảng 3 đến 6 tháng rồi lại thay người khác. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập, lỏng lẻo trong việc xác định người khuyết tật ở xã Ngọc Sơn.
Để bảo đảm sự công bằng cho người khuyết tật, không để một số đối tượng lơi dụng chủ trương ưu tiên của Nhà nước để trục lợi, đề nghị Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An vào cuộc kiểm tra, xác minh, xử lí, không để ngân sách Nhà nước thất thoát một cách vô tội vạ.
Trung Hiếu