Câu chuyện buồn của người thương binh già
Pháp luật - Bạn đọc 29/06/2024 10:16
Dù đã nhiều năm trôi qua kể từ khi ông cống hiến tuổi trẻ và một phần xương máu cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ông vẫn chưa được hưởng trọn vẹn những thành quả từ công sức của mình. Nhiều năm qua, ông Khiêm đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng để được xem xét, giải quyết…
Hành trình trồng rừng đầy gian nan
Trao đổi với nhóm phóng viên, ông Khiêm buồn bã cho biết: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân thuần túy, ông đã trải qua thời tuổi trẻ đầy sóng gió. Khi đất nước cần, như bao thanh niên khác, ông lên đường ra chiến trường, chiến đấu anh dũng ở mặt trận Tây Ninh. Một phần thân thể ông đã để lại nơi chiến trường khốc liệt, là thương binh hạng 2/4, trên mình còn nhiều di chứng nặng nề. Nhưng mất mát đó không làm ông khuất phục.
Ông Nguyễn Quý Khiêm. |
Trở về với đời thường, năm 1997, nghe theo chủ trương của Nhà nước khuyến khích người dân nhận đất trống, đồi núi trọc để trồng rừng, ông và gia đình đã mạnh dạn xin nhận đất để tham gia sản xuất. Chủ nhiệm Hợp tác xã làng bản Mường thời đó đã kí giấy cho ông đất đồi trọc để trồng cây keo. Với ý chí kiên cường và lòng yêu đất nước, ông bắt tay vào công việc trồng rừng với hi vọng cải thiện đời sống kinh tế cho gia đình, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Năm 1998, gia đình ông kí hợp đồng trồng rừng với Xí nghiệp Lâm nghiệp Kỳ Sơn. Hợp đồng này là một phần trong kế hoạch của Xí nghiệp nhằm phát triển rừng nguyên liệu cùng với người dân địa phương. Sau chu kì trồng rừng lần đầu kết thúc vào năm 2008, ông tiếp tục kí hợp đồng vay vốn trồng rừng lần thứ hai vào năm 2009, với số tiền 221.058.937 đồng. Tuy nhiên, do bên Xí nghiệp không kí và đóng dấu, hợp đồng này không phát sinh hiệu lực pháp lí.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Năm 2016, khi chu kì trồng rừng lần thứ hai kết thúc, ông Khiêm nhận thấy cây trồng bắt đầu chết và bị đổ do gió bão. Lo sợ tổn thất ngày càng lớn, ông nhiều lần đề nghị được khai thác rừng nhưng không nhận được sự hợp tác từ Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình. Đơn thư của ông gửi đến Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam cũng chỉ nhận được những phản hồi không đúng trọng tâm và không giải quyết được thực chất vấn đề. Giá trị khu rừng của gia đình ông từ 4 tỉ đồng đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1,8 tỉ đồng do cây chết và đổ nhiều. “Thiệt hại này ai phải chịu trách nhiệm? Ai phải đền bù cho gia đình tôi?”, ông Khiêm bức xúc.
Điều đáng nói là Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình thừa nhận có hợp đồng với gia đình ông Khiêm, chỉ vì sơ suất về mặt hình thức (chưa đóng dấu) mà hợp đồng không có hiệu lực pháp lí. Tuy nhiên, phía Công ty lại không đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Đối với ông Khiêm, điều này thật khó hiểu và bất công (!?).
Ông Khiêm kiến nghị: “Nếu xác định hợp đồng vô hiệu, tôi sẵn sàng trả lại số tiền công ty đã cung cấp và chỉ nhận lại đúng số cây trồng do một tay mình làm ra”. Đây là một đề xuất hợp lí, nhằm giải quyết vấn đề một cách công bằng và minh bạch. Tuy nhiên, Công ty vẫn không chấp nhận.
Nguyện vọng của thương binh già
Trong lá đơn gửi đến các cơ quan chức năng, thương binh Nguyễn Quý Khiêm khẩn thiết đề nghị Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của ông. Ông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam xem xét và có hướng giải quyết sự việc theo quy định, tránh gây thiệt thòi quá lớn đến kinh tế của người dân, đặc biệt là người đã cống hiến cho Tổ quốc như ông.
Trách nhiệm của các cơ quan chức năng và các cơ quan thanh tra là không thể thiếu trong việc giải quyết vụ việc này. Nếu hợp đồng không tồn tại, thì số tiền hơn 200 triệu đồng mà Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình đã đưa cho ông Khiêm cần được làm rõ. Công ty đang “hợp thức hóa” số tiền này như thế nào? Đây là câu hỏi mà các cơ quan chức năng cần xem xét, làm rõ. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của một người thương binh mà còn là vấn đề về tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan quản lí Nhà nước. “Rừng mà gia đình tôi bỏ công sức trồng đã giảm giá trị trên 50%. Thiệt hại này ai sẽ chịu trách nhiệm? Ai sẽ đền bù cho gia đình tôi?”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Luật sư Bùi Thị Kim Liên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Việc Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình biết rõ và đã thừa nhận việc có kí kết hợp đồng khai thác rừng với ông Khiêm nhưng không giải quyết mà cố tình kéo dài liệu có phải là thiếu trách nhiệm, vô cảm, thờ ơ trước thiệt hại của người dân? Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày gia đình ông Khiêm bị thiệt hại về kinh tế. Chẳng lẽ đợi đến khi mảnh rừng không còn giá trị mới đưa vụ việc ra giải quyết?”
Nhìn vào đôi mắt của ông Khiêm, người ta thấy rõ sự mệt mỏi nhưng cũng đầy quyết tâm. Ông Khiêm không chỉ đòi quyền lợi của bản thân mà còn vì một tương lai công bằng hơn cho những người nông dân và thương binh khác. Hi vọng rằng, các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc một cách quyết liệt để quyền lợi hợp pháp của ông sẽ được bảo vệ, tránh thiệt hại về kinh tế cho gia đình ông.