Cấp phó và giảm cấp phó trong hệ thống chính trị
Nghiên cứu - Trao đổi 15/08/2024 09:53
Trong mấy chục năm qua do chưa quy định tổng thể, đồng bộ về chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương trong hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy các cấp cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Từ đó, cần tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có vấn đề giảm cấp phó…
Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2016 của Trung ương về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, nêu rõ: “Đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó”.
Trong bài viết này, chỉ đi sâu phân tích, đề cập vấn đề theo Nghị quyết Trung ương số 18-NQ/TW có nội dung “giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó” và Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 24/11/2017 có vấn đề “Quốc hội yêu cầu giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó…” .
Nhìn lại gần 10 năm qua, đặc biệt sau Đại hội Đảng lần thứ XII, vấn đề tinh gọn biên chế, bố trí và giảm cấp phó trong bộ máy hành chính các cấp được Chính phủ đặc biệt quan tâm, ban hành khá nhiều nghị định hướng dẫn quy định về số lượng cấp phó trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị để từ đó cần phải giảm theo lộ trình. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ đảng xây dựng tổ chức lãnh đạo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Nước ta hiện có đội ngũ cấp phó đông đảo về số lượng ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp địa phương. Chỉ nói riêng cấp phó là cán bộ cao cấp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương quản lí (Thứ trưởng và tương đương) có hàng nghìn người, trong đó khoảng 700 người: Gồm 170 người là Thứ trưởng và tương đương tại các cơ quan trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội; hơn 300 người là Phó Chủ tịch UBND và tương đương ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hơn 620 sĩ quan cấp tướng trong Quân đội, Công an đang tại chức… Nếu tính cả các sở chuyên môn địa phương, các Tổng cục, cấp cục, cấp vụ cơ quan trung ương, các doanh doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập… thì số lượng cấp phó còn rất lớn. Mặc dù pháp luật quy định cụ thể số cấp phó thuộc tổ chức, cơ quan, đơn vị nhưng có thời gian, thời điểm một vài Bộ có tới 8 hoặc 9 Thứ trưởng...
Nhà nước ta giai đoạn sau kháng chiến chống Mỹ (1954-1980) trong hệ thống chính trị ít cấp phó. Song cũng có thời kì nhiều cấp phó kỉ lục như nhiệm kì Nhà nước khoá VIII (1982-1987) Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) do ông Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch có tới 11 Phó Chủ tịch HĐBT - tức Phó Thủ tướng. Nhiệm kì IX (1987-1992) do ông Phạm Hùng làm Chủ tịch HĐBT cũng có tớí 9 Phó Chủ tịch HĐBT.
Tuy nhiên, đến Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) chủ trương giảm biên chế, giảm cấp phó thì nhiệm kì (2001-2007), Quốc hội do ông Nguyễn Văn An làm Chủ tịch chỉ có 3 Phó Chủ tịch. Chính phủ giai đoạn 2002-2006 do ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng cũng chỉ có 3 Phó Thủ tướng. Tháng 6/2006 ông Nguyễn Tấn Dũng được bầu Thủ tướng thay ông Phan Văn Khải có thêm 2 Phó Thủ tướng là Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Sinh Hùng. Thể rồi sau đó, Quốc hội các khoá XII, XIII, XIV và XV duy trì 4 Phó Chủ tịch và Chính phủ cũng duy trì 4 Phó Thủ tướng như hiện nay…
Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV vào tháng 1 năm 2026. Thiết nghĩ bàn thảo vấn đề này cũng là cần thiết góp phần đột phá về thể chế, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực cán bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó có việc “giảm tối đa cấp phó” trong hệ thống chính trị là vấn đề hệ trọng.
Trên thế giới, nhiều nước phát triển, đang phát triển có bộ máy gọn nhẹ, ít cấp phó, điển hình 3 quốc gia sau đây là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Một là, Hoa Kỳ nước có diện tích 3,79 triệu km2 (thứ 3 thế giới) , có 51 bang, dân số hơn 318 triệu người, GDP năm 2023 là 26,9 nghìn tỉ USD (bình quân đầu người 85 nghìn USD). Chính phủ Hoa Kỳ có Tổng thống, 1 Phó Tổng thống, có 14 Bộ, mỗi bộ chỉ có Bộ trưởng và 1 Thứ trưởng. Trong bộ máy hành chính, Hoa Kỳ không có Tổng cục mà chỉ có các cục chức năng,
Hai là, Nhật Bản là nước Đông Bắc Á, 47 tỉnh, dân số 112,574 triệu người; GDP năm 2023 là 4.200 tỉ USD, đứng thứ 4 thế giới, bình quân đầu người 35.000 USD. Bộ máy hành chính Nhật Bản có Thủ tướng, Quốc vụ khanh và 11 Bộ với 15 Bộ trưởng (4 Bộ trưởng phụ trách khu vực). Trong nhiều khoá Chính phủ hầu như không có Phó Thủ tướng. Mỗi Bộ chỉ có một Thứ trưởng và Nhật Bản cũng không có Tổng cục mà chỉ có các cục trực thuộc Chính phủ.
Ba là, Hàn Quốc (một trong nhóm G20), dân số 51,4 triệu người; GDP năm 2023 là 22.300 tỉ USD (bình quân đầu người 32.142 USD) là nước có nền kinh tế thứ 4 châu Á. Hàn Quốc có 16 đơn vị cấp tỉnh, thành phố. Bộ máy Chính phủ có Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, có Quốc vụ khanh và 17 Bộ đa ngành. Có 2 Bộ do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục) còn mỗi bộ chỉ có 1 Thứ trưởng. Hàn Quốc cũng không Bộ nào có Tổng cục…
Còn ở Việt Nam so với mặt bằng khu vực và thế giới, tổ chức bộ máy cồng kềnh, một số nhiệm vụ còn chồng chéo, cấp phó trong hệ thống chính trị có tỉ lệ rất cao. Về số cán bộ cao cấp, không kể người đứng đầu mà chỉ tính cấp phó có hàm Thứ trưởng, tương đương và tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, thì mỗi một cấp phó, Nhà nước phải đầu tư không nhỏ, bao gồm phòng làm việc riêng có đầy đủ tiện nghi, trang bị xe ô-tô con, nhân viên phục vụ (lái xe, thư kí, công vụ). Mặt khác, bộ máy hành chính ở nước ta còn nhiều tầng nấc như Tổng cục, rồi cấp cục, cấp vụ, cấp phòng, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập biên chế đông, nhiều cấp phó…
Ngày nay, công nghệ thông tin và điều kiện hoạt động, trong đó hạ tầng kĩ thuật, giao thông, phương tiện đi lại thuận lợi hơn bao giờ hết. Cán bộ hầu hết là trí thức, được đào tạo cơ bản, có kĩ năng làm việc và họp hành chủ yếu bằng phương pháp trực tuyến… Thế nên có nhất thiết cơ cấu, bố trí cấp phó đông đảo như nhiều năm qua. Trong khi đội ngũ người đứng đầu là cán bộ cấp chiến lược, giỏi giang trong chỉ đạo, điều hành tổng thể, biết đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh trong hoạch định đường lối, chính sách và thực thi pháp luật, đảm đương nhiệm vụ suôn sẻ, bảo đảm cho bộ máy vận hành hiệu lực, hiệu quả.
Tất nhiên, giảm cấp phó phải đi đôi với nâng cao năng lực, trình độ cán bộ về quản lí, điều hành, phân công, phân nhiệm rõ ràng, minh bạch và thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực tiễn…