Cần thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng
Đời sống 15/09/2022 11:16
Trong khoảng chục năm trở lại đây, tại các quận trong trung tâm của các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... nhà vệ sinh công cộng đã được xây dựng, lắp đặt khá nhiều, nhất là tại các tụ điểm công cộng là: Vườn hoa, công viên, khu vui chơi giải trí... Tuy nhiên, nếu rời khỏi các quận nội đô để đi ra các quận ven đô, hay các khu vực ngoại thành thì việc tìm thấy các điểm đặt nhà vệ sinh công cộng là... “mỏi mắt”. Vì nó quá ít, thậm chí nhiều khu vực dân cư đông đúc, nhưng không có nhà vệ sinh công cộng.
Đơn cử, khu vực Quận 1, TP Hồ Chí Minh có nhiều nhà vệ sinh công cộng, thậm chí ngay khu vực chợ Bến Thành, sang khu vực Công viên 23 tháng 9, Công viên Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ... có tới cả chục khu nhà vệ sinh công cộng, khiến việc “giải sầu” của người dân, du khách rất thuận tiện. Nhưng, khu vực quận Bình Thạnh, Gò Vấp, số lượng nhà vệ sinh công cộng đã ít dần, và khi ra tới xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Chí Công... thuộc địa bàn TP Thủ Đức... thì tuyệt nhiên chưa thấy có nhà vệ sinh cộng cộng nào. Và nếu như, đang đi trên những tuyến đường như vừa kể, không may ai đó bỗng dưng có nhu cầu, nhưng buộc phải “đúng nơi quy định” thì chắc chắn sẽ vô cùng khó...
Không riêng gì tuyến xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các tuyến đường cửa ngõ ra vào TP Hồ Chí Minh, như quốc lộ 22, đường Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 13... đều chưa có nhà vệ sinh công cộng.
Tương tự, tại TP Hà Nội ở các quận trung tâm của thành phố, nhất là Hoàn Kiếm, Ba Đình... không thiếu nhà vệ sinh công cộng, nhưng khu vực quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hà Đông... thì nhà vệ sinh công cộng cũng là vấn đề nan giải. Hay như dọc đại lộ Võ Nguyên Giáp; tuyến đường Võ Văn Kiệt từ Cầu Thăng Long đi sân bay Nội Bài; đường Trường Sa - Hoàng Sa hoàn thành chưa lâu... vậy nhưng các nhà kiến trúc quy hoạch đô thị ở Thủ đô cũng bỏ “quên” luôn việc xây những nhà vệ sinh công cộng ở hai bên đường để phục vụ người dân và du khách.
Nêu ra vài dẫn chứng về sự bất cập của nhà vệ sinh công cộng ở 2 đô thị lớn nhất cả nước mới thấy rằng chúng ta phát triển độ thị, nhất là mở rộng thành phố một cách rầm rộ, nhưng khu vệ sinh công cộng vẫn bị “bỏ quên” thì chưa hợp lí, chưa đồng bộ.
Người viết đã vài lần đi một số nước châu Âu, hay gần hơn là Nhật Bản, Thái Lan... thấy ở dọc các con đường, xa lộ đều xây dựng nhà vệ sinh ở lề, với khoảng cách nhất định lại có một điểm, khiến việc “giải quyết nỗi buồn” vô cùng thuận tiện. Trong các khu vực nội thành của họ thì điểm nhà vệ sinh còn được in đánh dấu lên bản đồ du lịch, Google Maps, cùng biển chỉ dẫn rõ ràng, rành mạch để khách có thể dễ dàng tìm được nhà vệ sinh.
Từ thực trạng trên, trước khi chúng ta làm nghiêm theo Nghị định 45, thì các địa phương, nhất là các thành phố lớn, cần chú trọng đầu tư xây dựng, lắp đặt nhiều hơn nữa các điểm vệ sinh công cộng. Đồng thời, nhân rộng ra các vùng ven, phụ cận, cũng như đặt tại các trục giao thông để tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, cũng như nâng tầm ý thức của mọi người trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, mĩ quan đô thị.
Rất mong chính quyền các đô thị ở nước ta trong quy hoạch phát triển đô thị, đừng “quên” xây dựng, lắp đặt các điểm vệ sinh công cộng. Bởi, khi có nhiều nhà vệ sinh công cộng, tạo thuận lợi cho người dân, thì tình trạng phóng uế, tiểu tiện bừa bãi mới không diễn ra. Và chắc chắn dần dần ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống, mĩ quan đô thị được nâng lên.