Công viên chẳng của riêng ai!
Xã hội 23/03/2023 10:17
Tôi nhớ, trên ngã ba Cai Lang một chút, hai bên đường là nghĩa địa. Phía Công viên bây giờ thì trước kia là Hầm Bứa, nơi chứa rác Mỹ... Năm 1976, chính quyền vận động thanh niên, học sinh lao động cải tạo nơi này, đặt tên la Công viên 29 tháng 3 (thuộc địa bàn phường Thạc Gián, quận Thanh Khê). Lúc bấy giờ cả tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) chỉ có một công viên to rộng. Dịp lễ, Tết, bà con các nơi trong tỉnh kéo về Đà Nẵng, đến Công viên nườm nượp để vui chơi, chụp ảnh. Thợ chụp ảnh dạo đó nhiều người… hốt bộn bạc luôn!
Gần Tết Nguyên đán là có hội chợ bán nhiều mặt hàng tiêu dùng, có các trò chơi dân gian, biểu diễn mô tô bay, hát lô tô, ca nhạc… Có lúc muốn vào phải mua vé chợ đen. Trước đó muốn vào Công viên cắm trại, dựng lều phải có giấy giới thiệu, đăng kí thời gian, số lượng người! Công viên có nhiều cây xanh, hoa, tiểu cảnh, tượng, vườn thú nhiều loại và một số dịch vụ như đạp vịt trên lòng hồ, đu quay, cầu trượt… Công viên xây dựng một Nhà cười (có bán vé). Rồi Nhà cười chuyển sang Nhà gương và sau một thời gian hoạt động thì… bỏ hoang, trông rất nhếch nhác!
Công trình ngừng hoạt động đã lâu. |
Trước kia nói tới công viên, người ta dễ liên tưởng đến điều không nghiêm túc và còn kèm thêm sự xỉa xói, châm biếm… Nói là công viên nhưng chung quanh thì tường ngăn, cổng khóa. Cây cối sum suê, dày đặc, ánh sáng lờ mờ nên dễ tạo điều kiện cho tệ nạn xã hội phát sinh. Nhiều người e dè không dám đến công viên cũng vì vậy. Chính quyền, công an tổ chức vây bắt, truy đuổi tội phạm, mua bán dâm trong Công viên thường xuyên. Lúc bấy giờ, những năm đầu thập niên 80 thế kỉ trước, làm gì có nhà nghỉ, khách sạn nhan nhản như sau này…
Một dạo, hồ nước Công viên luôn đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc, xác cá chết nổi trắng mặt hồ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Người đi tập thể dục mỗi sáng, mỗi chiều không thể nào chịu nổi nên… vơi dần, nói chi du khách! Mấy chục cái ghế đá gãy chân, bong cả cốt sắt. Vài người lang thang cơ nhỡ vào nằm ngủ trên ghế đá hoặc giặt áo quần phơi trên ghế, hàng rào… Trang thiết bị ở một số khu vực trò chơi cho trẻ em bị hỏng hóc, xuống cấp do không được bảo trì định kì. Cha mẹ không dám cho các con sử dụng sợ nguy hiểm…
Ghế đá công viên đã biến dạng. |
Chưa hết, Công viên còn cho thuê mặt bằng mở các nhà hàng ca nhạc, ăn uống thâu đêm (Nhà hàng ca nhạc Trùng Dương, Nhà hàng ăn uống Thùy Dương…); cắt đất cho thuê mở gian hàng bán xe máy, xây dựng trụ sở… Dư luận từng một thời lên tiếng than phiền về công tác quản lí, hoạt động ở Công viên… Vậy là một dạo Công viên bị du khách bỏ quên và người dân thành phố ngao ngán!
Từng bước phục hồi...
Chính quyền thành phố đã chỉ đạo đơn vị quản lí Công viên… lập lại trật tự! Trả lại Công viên cho người dân! Năm 2005, thành phố có chủ trương phá dỡ tường rào bao quanh nhưng cứ chần chừ đến mấy năm sau mới thực hiện. Công viên thật sự “mở”, không còn cảnh vào cổng phải xếp hàng mua vé, không còn những hoạt động ăn nhậu ồn ã, phá vỡ cảnh quan. Tệ nạn xã hội như trộm cắp, trấn lột, mại dâm, chích xì ke, ma túy bị đẩy đuổi khỏi Công viên. Tai tiếng cũng hết, không khí trong lành trở lại. Cơ sở vật chất hạ tầng trong Công viên được bổ sung, trang bị. Nhiều dịch vụ kinh doanh như các trò chơi, phần nhiều dành cho trẻ em được đầu tư. Những ngày lễ, Tết, không khí thật sự nhộn nhịp, sôi nổi hơn thường ngày bởi Hội hoa Xuân được tổ chức. Công viên được làm mới để đón khách như sơn phết các hình, tượng; cắt tỉa cây, trồng mới hoa. Có thêm nhiều bè hoa thả trên mặt hồ tạo điểm nhấn xanh…
Cuối năm 2017, thành phố bàn giao Công viên về cho chính quyền quận Thanh Khê quản lí, khai thác và bảo dưỡng phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của người dân. Công viên khởi sắc, có sân tập dưỡng sinh, có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng, có tủ bán nước giải khát tự động, nhiều khu vực vui chơi cho trẻ em…
Dụng cụ tập thẻ dục ngoài trời đã hỏng |
Còn nhiều việc phải làm
Công viên không của riêng ai và trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường phải là của cả cộng đồng! Nhà nước quản lí, bảo vệ, đầu tư cơ sở vật chất… Người thụ hưởng cũng góp phần bảo vệ, nhất là việc tuân theo nội quy sinh hoạt của Công viên. Một sáng nọ, đi bộ trong Công viên, tôi hỏi một chị công nhân đang quét rác về công việc làm hằng ngày cả về… nỗi niềm của người phục vụ. Được dịp chị than phiền chuyện người đến Công viên không giữ vệ sinh chung. Ăn uống xong là vứt bao hộp đựng thức ăn, li, chai nhựa bừa bãi dù Công viên có trang bị thùng đựng rác. Công nhân sợ nhất là người sử dụng nhà vệ sinh công cộng! Tối thì rất đông “cặp đôi” ngồi… ghế đá tâm sự. Họ không ngồi trên ghế mà “thượng” trên thanh tựa ghế mới chịu! Tôi cũng từng chứng kiến người đi xe đạp, người dắt chó không có rọ mõm dù có biển nhắc nhở, yêu cầu. Trên các sân tập dưỡng sinh có nhiều dụng cụ hư hỏng rất cần phải thay, bảo dưỡng. Một số vòng xoay tập khí công và dưỡng sinh mất các núm nhựa ở tay cầm. Máy tập luyện chèo thuyền ngoài trời bị rễ cây bật tung một bên… nhìn rất chông chênh. Phảng phất mùi phân và nước tiểu của hươu, nai chưa được xử lí triệt để. Kè bao bờ hồ nhiều chỗ bị sạt lở chưa được tu bổ có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Mới đây, tôi đi bộ trong Công viên, thấy trên lối đi bên phía Đông nước chảy lênh láng, có chỗ đọng thành vũng, hỏi một nam công nhân đang quét rác vì sao trời khô ráo mà có nước đọng ở đây. Anh giải thích do có mấy nhà dân đục bờ tường Công viên… đổ nước thải ra. Công viên đã yêu cầu phường và quận giải quyết nhưng chưa thấy kết quả!
Công viên - một công trình phúc lợi công cộng rất quan trọng trong đời sống Nhân dân, rất cần được giữ gìn sự trong lành, xanh đẹp. Đừng để “lá phổi xanh” của thành phố thêm “tổn thương” một lần nào nữa!