Cần đổi mới việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri
Nghiên cứu - Trao đổi 11/08/2021 12:19
Sau thắng lợi của cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021 - 2026, tại kì họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng; lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đều có những bài viết nói lên vai trò, trách nhiệm cao cả của ĐBQH, đại biểu HĐND trong nhiệm kì mới, nhất là trong bối cảnh hiện nay cả nước đang chung tay chống dịch Covid-19. Trong cuộc bầu cử vừa qua, những người ứng cử khi vận động bầu cử đã thể hiện sự gần gũi với Nhân dân thông qua những phát biểu tâm huyết, những cam kết gắn bó mật thiết với Nhân dân, hi vọng tất cả thành hiện thực.
Ảnh minh hoạ |
Từ lâu, Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, Luật Tổ chức chính quyền địa phương phân biệt hai loại công việc tiếp công dân với tiếp xúc cử tri. Quy định là hai việc khác nhau nên ở các Đoàn ĐBQH, ở HĐND các cấp nhiều chục năm đã thành lệ cũng tổ chức các hoạt động theo tên gọi ấy với những nội dung khác nhau, cách làm khác nhau, rồi khi làm báo cáo cũng theo hai nhóm vấn đề. Nhưng hai loại công việc này có cùng mục đích, cùng bản chất là: ĐBQH, đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân; lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của Nhân dân với Quốc hội, HĐND và các cơ quan nhà nước hữu quan. Tóm lại, hai việc đó là quan hệ tương tác giữa đại biểu do dân bầu ra với người dân.
Thông thường với việc tiếp công dân, ĐBQH, đại biểu HĐND có thể tiếp công dân tại trụ sở cơ quan hay trụ sở tiếp dân do địa phương bố trí; cũng có thể tiếp tại phòng làm việc, tại nhà riêng, trong hay ngoài giờ hành chính, công dân trình bày trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, email,… Các hình thức tiếp xúc cử tri gồm Hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kì họp tại địa phương nơi đại biểu ứng cử; gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri nơi cư trú, nơi làm việc và tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu quan tâm. Tác dụng rất lớn từ hai nhóm nhiệm vụ này là đại biểu chọn lọc từ ý kiến của Nhân dân để hình thành quan điểm cá nhân khi thảo luận ở Quốc hội, HĐND, thông qua các dự án luật cũng như hoạch định chính sách phát triển kinh tế- xã hội, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước hay ở mỗi địa phương.
Có một vấn đề cũng đáng bàn là: Phân biệt giữa cử tri với Nhân dân. Luật Bầu cử và những văn bản hướng dẫn trong dịp bầu cử quy định rõ thế nào là cử tri để phân biệt người đủ tiêu chuẩn đi bầu cử. Nhưng trong quá trình hoạt động của cả nhiệm kì, người đại biểu của Nhân dân không phân biệt rạch ròi ai là cử tri, ai không phải cử tri khi làm nhiệm vụ tiếp xúc cử tri hay tiếp công dân. Mà điều kiện là cử tri cũng có thể thay đổi với một số người theo thời gian nên tốt nhất là không chi tiết, miễn sao gặp gỡ lắng nghe được từ nhiều người dân càng tốt, để xứng đáng là đại biểu của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Tìm hiểu ở một số nước, việc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân cũng có nhiều mô hình, nhiều quan niệm và cách làm khác nhau, nhiều nước họ không phân biệt hai loại việc trên. Ở Singapo, người ta gọi chung là gặp gỡ dân. Nghị sĩ chủ động liên hệ với chính quyền địa phương, Ban quản lí khu dân cư, Ban quản trị tòa nhà chung cư để được bố trí gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của dân. Họ thường tổ chức vào ngày nghỉ, vào buổi tối. Mỗi cuộc gặp gỡ dân, phải hết người cần gặp họ mới nghỉ nên có khi kết thúc buổi gặp dân/tiếp xúc cử tri đã là đêm khuya. Ở Australia, từ lâu đại biểu được dân gọi điện, dùng Email trao đổi, phản ánh sự việc đã là phổ biến.
Bước vào nhiệm kì mới với bao thách thức khó khăn, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của bộ máy nhà nước trong đó có Quốc hội, HĐND các cấp. Từ thực tiễn chúng ta cần có những sáng kiến, điều chỉnh hoạt động cho phù hợp. Nên chăng việc tổ chức tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu dân cử cũng chọn những phương thức mới giảm tính hình thức và bớt đi lễ nghi hành chính, nên tổ chức với quy mô nhỏ hơn, số người tham gia ít hơn, thiết thực hơn, thời gian linh hoạt hơn (ngoài ngày, giờ hành chính). Hiện nay công nghệ thông tin, điều kiện truyền thông phát triển mạnh, thông qua Facebook, zalo, điện thoại, tin nhắn mà đại biểu dân cử tiếp cận ý kiến, thông tin từ cử tri cũng phổ biến và hợp lí. Có đại biểu ngại bị dân gọi điện hay nhắn tin thường xuyên trong khi đang làm việc chuyên môn. Trước mắt có thể dành cơ chế công khai số điện thoại của những đại biểu chuyên trách ở Quốc hội, HĐND (đại biểu có thể dùng một số riêng hay một máy riêng cho hoạt động này). Nhiều nước đã luật hóa các phương thức tiếp xúc, gặp gỡ, ghi nhận thông tin phản ảnh của cử tri gián tiếp như vậy, vừa hợp thời vừa tiết kiệm. Ta cũng nên vận dụng hình thức này và coi đấy là một kênh hợp pháp, miễn là đại biểu phải chủ động phân tích, sàng lọc thông tin. Điều gì có lợi cho dân thì hết sức làm (Bác Hồ đã dạy).
Tiếp xúc cử tri hay tiếp công dân trực tuyến là cách làm mới nhưng không dễ cho mọi đại biểu, chưa thể là phổ biến vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố nên cơ quan nào có điều kiện thì làm trước, rút kinh nghiệm dần. Biết đâu từ cái khó hiện tại và từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta có những thay đổi phù hợp nhằm gần dân, nghe nhiều ý kiến của Nhân dân, hình thành chính kiến của đại biểu đóng góp được nhiều hơn, tốt hơn cho xây dựng chính sách, luật pháp, để Quốc hội, HĐND các cấp có những đổi mới tích cực, làm việc ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn.