Bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 30/08/2024 08:08
Theo đó, Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đề nghị Tòa án cấp Phúc thẩm xem xét, giải quyết những vấn đề sau:
Thứ nhất: Về cấu thành tội phạm, bị cáo Nhân khẳng định là người đi vay và không phải là thành viên của bất kì tổ chức tín dụng nào. Do đó, bị cáo không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Hơn nữa, trong suốt quá trình giao dịch, bị cáo không hề có hành vi cấu kết, trao đổi, bàn bạc với bất kì cá nhân hay tổ chức nào nhằm nâng khống giá trị tài sản hằng tháng. Do đó, việc quy kết trách nhiệm hình sự cho bị cáo với tội danh này là thiếu cơ sở pháp lí. Tại các phiên xét xử, các bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng Agribank - Chi nhánh TP Cần Thơ gồm: Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh đã nhiều lần khẳng định, không có hành vi bàn bạc, nâng khống giá trị tài sản hằng tháng.
Thứ hai: Về vai trò của bị cáo trong vụ án. Đại diện Viện KSND TP Cần Thơ xác định bị cáo vừa là người thực hành, vừa là người xúi giục. Theo quy định pháp luật, bị cáo không thể là người thực hành vì đây là chủ thể đặc biệt. Nội dung cáo trạng không có bất kì mô tả nào liên quan đến hành vi xúi giục. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm không xác định vai trò của bị cáo trong bản án sơ thẩm.
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm tại TAND TP Cần Thơ. |
Thứ ba: Về việc áp dụng pháp luật. Bản án sơ thẩm không áp dụng quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), sử dụng các căn cứ đã bị loại bỏ theo Nghị quyết số: 41/NQ-QH năm 2017.
Thứ tư: Về việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, HĐXX cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ cần thiết để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án(bị cáo đã có đơn đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung đính kèm, các luận điểm trình bày đề nghị thu thập trong nội dung bản luận cứ đính kèm và các luật sư cũng đã yêu cầu rất nhiều lần đề nghị thu thập hoặc công bố tài liệu chứng cứ nhưng không được xem xét).
Thứ năm: Về việc xâm phạm hoạt động tư pháp. HĐXX cấp sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp liên quan đến việc ngụy tạo chứng cứ, cụ thể là việc sử dụng ổ cứng và các bút lục được cho là in từ ổ cứng (nội dung được bị cáo yêu cầu giám định ổ cứng trong bản luận cứ đính kèm).
Thứ sáu: Về vai trò của bị cáo trong các doanh nghiệp liên quan. Bị cáo (Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân) không thành lập, không góp vốn, không tham gia điều hành, cũng như không chỉ đạo hoạt động của 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Tân Tiến, Công ty TNHH MTV Đồng Bằng Xanh và Công ty TNHH MTV Nam Bộ Cửu Long. Việc quy kết trách nhiệm của bị cáo về các giao dịch tín dụng của 2 doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Đồng Bằng Xanh và Công ty TNHH MTV Nam Bộ Cửu Long này thiếu có căn cứ, vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015.
Thứ bảy: Về thẩm quyền giải quyết. Ngày 24/12/2015, Cơ quan tố tụng TP Cần Thơ đã tiến hành khởi tố điều tra không đúng thẩm quyền, vi phạm Pháp lệnh Về tổ chức điều tra Hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2006 và 2009). Pháp lệnh Về tổ chức điều tra Hình sự năm 2004 không quy định cho phép từ Bộ trưởng Bộ Công an.
Thứ tám: Về tính hợp pháp của chứng cứ. Toàn bộ chứng cứ bao gồm các Kết luận định giá được các cơ quan tố tụng TP Cần Thơ thu thập trong giai đoạn điều tra trái thẩm quyền trước và sau ngày 24/12/2015 đến ngày 11/8/2022 không có giá trị pháp lí. HĐXX phiên tòa sơ thẩm (lần 1), phiên tòa Phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, phiên tòa sơ thẩm (lần 2) đều chưa xem xét việc điều tra trái thẩm quyền; xem xét các Kết luận định giá vi phạm nghiêm trọng Bộ luật TTHS năm 2015, Nghị định số: 26/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 55/2006/TT-BTC và Nghị định số: 30/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Thứ chín: Về các kết luận định giá tài sản. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm sử dụng các kết luận định giá (không có hồ sơ chi tiết về thẩm định giá, có nhiều mâu thuẫn trái ngược giữa các kết quả định giá) là không phù hợp quy định pháp luật; kết quả định giá tài sản không phản ánh đúng giá trị thực tế.
Thứ mười: Về quan hệ pháp lí giữa các bên. Quan hệ giữa các bên (Công ty TNHH MTV Nông Thủy sản Tây Nam và Ngân hàng Arigbank chi nhánh Cần thơ) trong giao dịch tín dụng đã xác lập là quan hệ dân sự, không có yếu tố hình sự quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Thứ mười một: Về thiệt hại trong vụ án. Lời trình bày của đại diện ngân hàng trong hồ sơ vụ án, tại phiên tòa sơ thẩm, văn bản của Arigbank gửi Tòa án… đều xác nhận “chưa có thiệt hại, chưa xác định được thiệt hại”- trong khi “hậu quả nghiêm trọng” (thiệt hại) là một trong các yếu tố định tội đối với tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Thứ mười hai: Về việc xác định trách nhiệm dân sự. Bản án sơ thẩm của TAND TP Cần Thơ xác định, Công ty TNHH MTV Nông Thủy sản Tây Nam vi phạm pháp luật khi không đáp ứng đủ và đúng các điều kiện để vay vốn. Đồng thời, các bị cáo bị cáo buộc nâng khống giá trị tài sản hằng tháng. Tuy nhiên, bản án lại công nhận giá trị pháp lí của hợp đồng vay vốn và buộc người đi vay phải chịu trách nhiệm chi trả cả gốc và lãi đến thời điểm hiện tại. Điều không phù hợp với quy định tại Điều 123 và Điều 131 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Việc buộc bị cáo phải trả số tiền 1.271 tỉ đồng (bao gồm cả gốc và lãi) cho Agribank - Chi nhánh Cần Thơ là không phù hợp với quy định pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Từ những nội dung trình bày ở trên, bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đề nghị TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xem xét, áp dụng quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 355 Bộ luật TTHS năm 2015, tuyên huỷ Bản án hình sự Sơ thẩm số: 41/2024/HSST ngày 26/8/2024 của TAND TP Cần Thơ để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra.