Để giảm thiểu tai nạn đường sắt

Đời sống 14/02/2025 10:30
Rồi tôi cũng đến tuổi trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng. Ngày tôi lấy chồng ra phố, mẹ tôi mừng lắm, vậy là cả 2 người con gái đã thoát khỏi cảnh “chân lấm tay bùn” như mẹ. Cuộc đời cơ cực của mẹ đã hằn sâu những nếp nhăn trên khuôn mặt vốn già nua khắc khổ. Thương cho đời mình bà không muốn các con lại tiếp tục “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chôn chân ở cái miền quê hẻo lánh này, dù rằng chính nơi đây mẹ đã nuôi chúng tôi khôn lớn, nên người.
Ngày tôi sinh đứa con đầu lòng, mẹ từ quê ra chăm cháu. Những ngày đầu bà không quen với nhịp sống ồn ào nơi phố thị, được cái con hẻm nhà tôi cũng tương đối rộng rãi, phía trước nhà lại có khu đất làm công viên chung cho cả con phố. Những người dân trong con hẽm này cũng còn chút không gian để ra ngoài hít thở khí trời.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Con hẻm với vài gia đình sinh sống nhưng đủ các thành phần cư ngụ, nào là dân lao động, người trí thức, kẻ sống lâu năm, người mới tới… Con hẻm ồn ào nhất vào lúc sáng sớm và chiều tối tan tầm, còn ban ngày chỉ có số ít ở nhà, họ là những người già và cháu nhỏ như mẹ con tôi, là những người giúp việc nhàn rỗi khi chủ đã vắng nhà, là những người lấy đêm làm ngày, còn lại đa số tất cả đều lao vào cuộc mưu sinh.
Đã gần 1 tháng lên đây nhưng mẹ tôi vẫn chưa bắt nhịp được cuộc sống mới, bà vẫn nhớ da diết giàn trầu trồng trước nhà, tiếng gà gáy buổi sáng hay tiếng người í ới gọi nhau ra đồng. Biết làm sao được, cuộc sống ở phố thị là vậy, tôi vẫn nói đùa với mẹ: Ở đây, “đèn nhà ai nấy sáng, trán nhà ai nấy sờ, vợ nhà ai nấy sợ” mẹ ạ…
Bà chỉ cười, không nói gì. Thời gian trôi qua, bà cũng dần nguôi ngoai nỗi nhớ quê, nhất là khi con tôi bi bô tập nói, bà cháu quấn quýt lấy nhau. Bận bịu với công việc, rồi tôi cũng gần như quên bẵng chuyện đưa cháu đến nhà trẻ như những đứa trẻ thành phố khác. Mẹ tôi bảo, để bà trông cháu thêm thời gian nữa để vợ chồng yên tâm công tác. Tôi thầm cảm ơn mẹ, nhưng cũng cảm thấy rằng, gia đình nhỏ bé của chúng tôi thực sự cần có bàn tay chăm sóc của bà.
Mùa Đông năm ấy trời lạnh hơn bình thường. Cả khu phố trở nên co ro, mọi người đều tìm cách làm thể nào để ấm hơn, để tăng nhiệt đến mức bình thường nếu có thể. Nhà tôi cũng không ngoại lệ, thương nhất là mẹ tôi, người già thường lạnh về đêm, hơn nữa bà quen ở quê, nên mùa Đông vẫn thích có bếp củi để sưởi ấm. Rồi thì bà cũng nhóm bếp thật, bếp được bà nhóm lên chỗ khu đất trống phía trước con hẻm, gần nhà tôi, ban đầu đơn sơ chỉ là ba viên gạch, với ít cành khô do các gia đình loại ra.
Rồi vài ba hôm, chính bếp lửa ấy đã thu hút nhiều người trong con hẻm xúm xít lại với nhau, người thì đến tìm chút hơi ấm trong buổi sớm mai, người thì đến để bắt chuyện cuối ngày, cũng có người đến nhờ đun ấm nước sôi để pha trà, hay pha nước tắm gội. Mẹ tôi rất vui, mẹ bảo nhờ bếp lửa ấy mà mẹ đã sưởi ấm được mọi người trong con hẻm, nhiều người đã tìm đến nhau, cùng nhau tâm sự, sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống, hàng xóm gặp nhau bỗng thích cười đùa, hỏi han, thân thiện, không còn lạnh lùng, dửng dưng như trước nữa.
Mẹ nói rằng, dù có sống ở đâu con người cũng cần tình người, tình hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, ông bà ta đã dăn dạy: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương...”. Để duy trì bếp chung, mỗi người một tay, bác Hai đạp xích lô cuối ngày nhặt nhạnh đâu đó ít khúc củi khô, cô Sáu bán trái cây ngoài chợ mang về vài thùng gỗ tạp… Cuối năm đó cũng chính bếp lửa mẹ tôi nhóm, cả con hẻm đã có sáng kiến mỗi người chung góp vài đòn bánh tét nổi lửa nấu chờ đón giao thừa.
Giờ đây, mẹ đã đi xa, khoảnh đất trống ấy đã xây thành khu vui chơi dành cho trẻ em trong khu phố. Cuối năm nay trời trở lạnh, nhiều người thỉnh thoảng lại nhắc đến mẹ tôi với bếp lửa hồng ngày xưa trong chiều tối 30 Tết, ngọn lửa ấy giờ đây đã tắt, nhưng hình ảnh mẹ tôi vẫn còn trong lòng của nhiều người phố thị, bà đã mang một chút hồn quê ra sưởi ấm những trái tim lạnh giá nơi phố thị.