An toàn thực phẩm - Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Nghiên cứu - Trao đổi 17/05/2022 11:05
Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà một số người bán hàng đã đánh mất cả lương tâm khi cố tình dùng hóa chất độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe con người, gây nên hậu quả khó lường…
Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hiện và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, trong đó giao cho Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tổ chức “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”; Kế hoạch số 375/KH-BCĐTƯ ngày 28/3/2022 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022.
Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới, theo cơ quan chức năng, hiện nay nhiều doanh nghiệp có nguy cơ cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng chỉ có thanh tra y tế đột xuất mới phát hiện được.
Kiểm tra ATTP Ảnh minh họa |
Tháng hành động vì ATTP năm 2022 với chủ để “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới” được triển khai từ 15/4 đến 15/5, với các nội dung về công tác bảo đảm ATTP giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Tính cấp bách của việc bảo đảm vệ sinh ATTP đang đặt ra hiện nay cho chính quyền các cấp, cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải vào cuộc và chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ giống nòi. Để làm được điều đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP yêu cầu ngành chức năng các cấp cần làm tốt một số giải pháp sau:
Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh ATTP, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan chuyên trách, người sản xuất - kinh doanh và cả những người tiêu dùng thực phẩm. Đặc biệt là tuyên truyền phổ biến, triển khai kế hoạch thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện phòng dịch Covid-19, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong tình hình mới.
Kiện toàn và tăng cường năng lực của hệ thống quản lí, hệ thống thanh tra vệ sinh ATTP và hệ thống kiểm nghiệm vệ sinh ATTP từ Trung ương đến địa phương. Ở cấp huyện và phường, xã phải tăng cường hệ thống thanh tra chuyên ngành (y tế, thú y, nông nghiệp, quản lí thị trường) để thanh tra, kiểm tra sản phẩm hàng hóa; tăng cường kiểm tra ATTP đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, khu du lịch, lễ hội, bữa ăn tập trung đông người.
Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đặc biệt là các quy định về vệ sinh ATTP trong sản xuất rau quả, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, thủy sản; xử lí các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do dùng thực phẩm không an toàn.
Đối với người tiêu dùng, phải biết tự bảo vệ mình bằng cách tự trang bị những hiểu biết và những kiến thức cần thiết về vệ sinh thực phẩm, biết cách chọn lựa và phân biệt thực phẩm bị nhiễm bẩn hoặc nhiễm hóa chất độc hại khi chọn mua và sử dụng thực phẩm. Tuyệt đối không ăn uống tại các điểm ô nhiễm, mất vệ sinh. Người tiêu dùng cũng phải nghiên cứu hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hưởng ứng “Tháng hành động vì ATTP” là rất cần thiết nhằm tạo điểm nhấn tích cực hưởng ứng và gắn trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời, giáo dục sức khỏe cho mọi người và xem đây là một trong những giải pháp cơ bản, lâu dài. Đặc biệt, phải có chế tài và xử lí nghiêm tất cả những trường hợp vi phạm pháp luật; khắc phục ngay tình trạng buông lỏng quản lí, quy định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu các đơn vị khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong đơn vị mình.
Đã đến lúc phải có những giải pháp quyết liệt để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn, do chính con người “đầu độc” cộng đồng một cách cố ý.