Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy
Nghiên cứu - Trao đổi 22/10/2021 09:27
Từ Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Nhà nước ta, đến các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị đều hô hào thực hành tiết kiệm, phải chống lãng phí, tham nhũng. Trong các kì họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên án gay gắt tệ tiêu pha lãng phí, tham nhũng hiện nay. Tuy nhiên, những hiện tượng đó chưa giảm nhiều. Sự lãng phí đó không chỉ trong ăn uống, tiêu xài mà cả trong việc sử dụng tài sản công như đất đai, vật tư, phương tiện đi lại, nhất là các dự án...
Tại phiên thảo luận tổ chiều 24/7/2021 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở kì họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: “Đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”, “chỉ tính riêng các dự án treo, nếu các địa phương tiến hành rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm sẽ tạo chuyển biến lớn, tạo được nguồn lực hết sức lớn”. Vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ trước đến nay chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng quản lí, sử dụng tài sản công còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm, quản lí chặt chẽ theo đúng quy định.
Ngay cả một số cơ quan, đơn vị đã có hiện tượng sử dụng những nguồn vốn hiếm hoi cho việc đầu tư xây dựng trụ sở mới, mua sắm trang thiết bị đắt tiền, đua nhau các hoạt động phô trương, hình thức. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tình trạng quản lí, sử dụng tài sản công cũng còn nhiều bất cập và so sánh, “Nếu như các nước trên thế giới, các cơ quan nhà nước thuê lại trụ sở do tư nhân xây dựng thì Nhà nước không phải đầu tư từ đầu, không phải lo việc bảo trì phục vụ”, do vậy phải quản lí, sử dụng tài sản công tiệm cận như tài sản tư.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 10 năm khởi công vẫn chưa đi vào hoạt động, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước |
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề được Chính phủ hết sức quan tâm tại kì họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV. Chính sách, thể chế đã được hoàn thiện nhiều, nhưng chưa có kỉ luật về tiết kiệm, cần giáo dục nâng cao nhận thức, kỉ luật, kỉ cương, bên cạnh xây dựng thể chế. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, có những dự án kéo dài, được nhận diện là manh mún, gây lãng phí: “Vừa qua, các tỉnh lên trao đổi với tôi, có những con đường 400-500 tỉ đồng thôi mà 13 đời bộ trưởng vẫn chưa xong”, đây là nguyên nhân trực tiếp gây lãng phí.
Do vậy, phải xem chống lãng phí là trách nhiệm lớn. Khi các cơ quan, đơn vị trong cả nước được Đảng và Nhà nước ta trang bị nhiều phương tiện hiện đại như ô tô đời mới, thiết bị, máy móc cao cấp đắt tiền... nếu không có ý thức tiết kiệm thì mức độ lãng phí sẽ rất to lớn.
Vấn đề tiết kiệm đã được Chính phủ đặt ra tại bàn nghị sự trong các kì họp Quốc hội, được các đại biểu Quốc hội tranh luận thẳng thắn, đồng tình đề ra những biện pháp cứng rắn để triệt tiêu, song vẫn chưa ngăn chặn triệt để tệ nạn này.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Tuy khó khăn, phức tạp nhưng cần phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.
Trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã phát động trong toàn thể cán bộ công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng Nhân dân về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, nghe giới thiệu nội dung từng chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm, quán triệt và chú trọng tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên “làm theo” tấm gương, đạo đức của Bác, nêu gương sáng trong phong cách làm việc; đồng thời, có tinh thần tiết kiệm và đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, lãng phí và phòng chống tham nhũng trong toàn cơ quan và xã hội. Kết quả thực sự đã tạo chuyển biến tích cực, được xã hội đồng thuận và “làm theo”, song cần phải được tuyên truyền, vận động tiến hành thường xuyên, liên tục về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đối với mọi đối tượng trong các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, cơ quan hành chính, sản xuất kinh doanh.
Rõ ràng vấn đề tiết kiệm đặt ra trong thời điểm hiện nay là rất hệ trọng, cấp thiết khi thị trường vốn, tiền tệ đang trở thành một đòi hỏi bức thiết của đất nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng 4.0. Vấn đề tiết kiệm không phải chỉ cho riêng ai mà cho tất cả mọi người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm”. “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là xem đồng tiền bằng cái trống, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu; tiết kiệm không phải là gò ép bộ đội, cán bộ và Nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và Nhân dân”. “Chúng ta phải tiết kiệm thời gian (rút thời gian đối với công việc), chúng ta phải tiết kiệm sức lao động (giảm người đối với việc, để làm việc khác). Chúng ta phải tiết kiệm tiền của (giảm tiền chi cho việc)”(1).
Tiết kiệm đã trở thành một quốc sách hàng đầu của đất nước. Để thực hành tiết kiệm tốt, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân phải kiên quyết chống tệ quan liêu, tham nhũng, tệ chi tiêu lãng phí..., vì tiết kiệm mà để cho một bộ phận cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà tham ô, nhũng nhiễu, hối lộ, cố ý làm trái, lãng phí thì cũng chẳng có hiệu quả gì cho đất nước và mang lại lợi ích cho Nhân dân.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân, thực hiện quản lí xã hội bằng pháp luật, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhất thiết pháp luật phải mạnh tay trừng trị những kẻ tham ô, nhũng nhiễu, lãng phí... của đất nước, của Nhân dân.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 486