Phải luôn học tập và làm theo đạo đức tiết kiệm của Bác Hồ
Nghiên cứu - Trao đổi 23/10/2024 08:39
Lúc ở Luân Đôn, làm phụ bếp cho một khách sạn, khi dọn bàn ăn thấy nhiều đùi gà quay vẫn còn nguyên, Bác đem gói lại cẩn thận để ở góc bàn. Người đầu bếp hỏi: Tại sao ông không bỏ đi, Người trả lời: Tôi để lại cho người nghèo ăn. Khi ở nước Pháp, mùa Đông giá lạnh, trước khi ra khỏi phòng trọ đến chỗ làm việc, Bác đặt một tờ báo để ủ ấm trong đêm. Làm chủ bút một tờ báo, Người trực tiếp viết bài, vẽ, đặt trang, phát hành báo; Người có cuốn sổ tay ghi chép theo dõi đầy đủ các khoản chi giấy, mực, công in và thu tiền bán báo; gồm tổng số thu, chi của từng số báo rồi làm báo cáo tài chính công khai, minh bạch với các đồng nghiệp của mình.
Sống ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, Bác chỉ sử dụng - chi dùng những gì thuộc của mình, mỗi bữa ăn thường chỉ có một món... Sau Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, lúc làm việc ở Bắc Bộ Phủ, Bác thường ăn chung với các đồng chí phục vụ và bảo vệ. Khi làm phần ăn riêng, Bác yêu cầu không quá ba món thịt hoặc cá, rau hoặc một món khác. Người rất thích ăn các món ăn quê nhà như cà muối, mắm Nghệ... Thời Pháp thuộc chỉ có cai làm đường, lính cơ và loại công chức thấp nhất mới ăn mặc vải kaki; đôi dép lốp cao su thì chỉ ông kéo xe mới dùng. Nhưng khi đã là Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn dùng y phục của những người dân bình thường.
Ảnh tư liệu |
Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta sống giản dị, tiết kiệm như vậy là hợp tình, hợp lí với từng hoàn cảnh cụ thể. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các tầng lớp Nhân dân và quân sĩ đều phải phấn đấu hết sức mình mới đủ cơm ăn, áo mặc để bảo đảm cho chiến đấu thắng lợi. Năm 1958, Bác Hồ nói: “Ở đấy có mùi thực dân” nên Người không ở nhà riêng của viên toàn quyền chế độ cũ... Trung ương quyết định xây dựng nhà ở cho Bác, nhưng Người chỉ đồng ý làm theo kiểu nhà sàn do Bác tự vẽ và dùng loại gỗ bình thường.
Một lần, Bác đi công tác về muộn, ghé qua Văn phòng nghỉ lại cho đỡ mệt. Đồng chí bảo vệ nói với đồng chí cấp dưỡng nấu cháo để Bác dùng. Đang nằm nghỉ, nghe thấy, Người vội ngồi dậy, dặn chị cấp dưỡng: “Cô Mai nấu cháo cho Bác, thì nấu bằng cơm nguội. Nấu cơm nguội vừa chóng chín, chóng nhừ lại tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa”. Nhân chuyến công tác ở công trình đập nước Suối Hai, thấy có ngôi nhà nghỉ mát xây dựng to, đẹp của Tỉnh ủy, Bác đã chất vấn: “Sao các chú không lo xây nhà cho dân mà lại lo xây nhà nghỉ mát cho Tỉnh ủy”. Lần về thăm quê hương, Bác dự bữa cơm thân mật với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh. Trước khi cầm đũa, Người nhìn mâm cơm rồi nhấc mấy đĩa thức ăn để ra ngoài mâm, rồi Bác nói: “Ăn hết thì lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lúc sinh thời vẫn nói: “Được Bác mời ăn cơm nhiều lần, nhưng trong bữa ăn, chưa bao giờ Bác đánh rơi một hạt cơm, cũng như quý từng giọt mồ hôi của người lao động vậy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương trong các cuộc họp của Trung ương, của Chính phủ phải thực sự gương mẫu thực hiện tiết kiệm để bảo đảm yêu cầu thắng lợi của công cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước sau khi hòa bình, mà chính Bác là người thực hiện và thường ngày Bác cũng khuyến khích mọi người tiết kiệm từ việc nhỏ đến việc lớn. Một bì thư giấy còn tốt, được dùng lại mặt ngoài vào trong. Vỏ bao thuốc, được dùng ghi chương trình một cuộc họp. Tờ giấy mới viết một mặt, được dùng làm giấy đánh máy cho một bài báo. Ở phòng làm việc, phòng họp chỉ để một lọ hoa. Nhà còn ở được, không cho phá đi xây lại nhà mới...
Thiết nghĩ, Bác Hồ của chúng ta thực hành tiết kiệm từ việc nhỏ đến việc lớn như vậy đó, trong suốt cuộc đời hoạt động của người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước đã trở thành đạo đức, là tấm gương mẫu mực trong sáng cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp Nhân dân trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài học tập và thực hiện làm theo với tấm lòng kính yêu vô hạn.