Xã “tước đoạt”, tỉnh, huyện đồng tình, tìm đâu công lý?
Pháp luật - Bạn đọc 03/06/2020 20:25
Ông Nguyễn Một bên ruộng lúa
Có dấu hiệu “tước đoạt” quyền sử dụng đất?
Ông Nguyễn Một, ở thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cho biết: Sau giải phóng, ông đã biến một vùng đất ngập úng trở thành 10 ha ruộng. Do điều chỉnh địa giới hành chính, nên nhà ở thôn Lạc Hưng mà ruộng lại về thôn Lạc Hóa, UBND xã lấy ruộng ông giao HTX Lạc Hóa. Ông khiếu nại không ai giải quyết. Rồi xã viên chê ngập úng nên bỏ hoang hết. Năm 1988, ông lại phục hóa và 6 năm sau, năm 1994, UBND xã Lạc Tánh lại tự ý lấy đất, mặc dù lúc này Luật Đất đai năm 1993 đã có hiệu lực? Ông Một đòi quyết định thu hồi thì cán bộ nói: “Không cần quyết định nhưng từ nay, cấm ông làm ruộng này”.
Ngày 19/8/2004, UBND huyện Tánh Linh có Quyết định số 1038/QĐ-CTUBTL giải quyết khiếu nại của ông Một, nhưng bịa đặt về nguồn gốc đất để phủ nhận quá trình khai phá, sử dụng, bị ông khiếu nại. Ngày 25/8/2005, UBND huyện có Quyết định 950/QĐ-CT.UBND giải quyết khiếu nại của ông trên cơ sở kết luận của Thanh tra. Hai cựu Phó Chủ tịch UBND huyện (2 khóa) là ông Hồ Lâm và ông Dương Đình Châm, hai cựu Chủ tịch xã (2 khóa) là ông Nguyễn Văn Đẩu và ông Phạm Tổng, hai cựu Chủ nhiệm HTX (2 khóa) là ông Võ Tấn Truyện và ông Phạm Thống đều biết rõ ông Một đã sử dụng khu ruộng này suốt một thời gia dài và đã cung cấp thông tin cho Thanh tra.
Quyết định số 950 nối trên, nêu: “Từ những chứng cứ thu thập được của Thanh tra, đủ cơ sở khẳng định ông Nguyễn Một là người được HTX và UBND xã Lạc Tánh cho phép khai hoang… trên diện tích ông khiếu nại. Nhưng đó không phải là căn cứ để ông đòi lại 9,9 ha đất, vì đất này nằm trong quỹ đất của thị trấn Lạc Tánh. Tuy nhiên UBND thị trấn Lạc Tánh thu hồi 9,9 ha đất mà không có chính sách hỗ trợ công khai phá là không đúng với pháp luật đất đai”.
UBND huyện đã thừa nhận 9,9 ha ruộng này do ông Một tạo lập nhưng chỉ đồng ý trả cho ông 1 ha để bù đắp chi phí đã bỏ ra để khai phá? Thế mà ngày 2/11/2005, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3761/QĐ-CT-UBND giải quyết khiếu nại của ông Một còn cho rằng, “diện tích này, trước năm 1975 đã có người khai phá, những người này đã đi khỏi địa phương”. Nói vậy mục đích là để phủ nhận quyền sử dụng đất của ông Một.
Mười mấy năm qua, ông Một không ngừng khiếu nại. Sau khi Cơ quan tiếp dân Trung ương có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo giải quyết, ngày 20/3/2019, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 742/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Một. UBND tỉnh nói diện tích đất hộ ông Một đang sử dụng đã vượt hạn mức tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013, để từ chối trả ruộng và từ chối bồi hoàn thành quả lao động?
Ông Nguyễn Một đang trình bày sự việc với tác giả
Huyện biết sai không sửa, tỉnh không sửa vì hiểu sai?
Ông Nguyễn Một là nông dân thực thụ, là hình mẫu đáng quý của nông nghiệp, nông dân và nông thôn? Một nông dân thủy chung, sống chết với ruộng đất đã không được đền đáp lại còn bị phản bội? Mà kẻ phản bội ông không phải là thiên tai, địch họa mà là...một số cán bộ chính quyền xã? Ruộng ông bị “tước đoạt” để bỏ hoang, ông lại xin phục hóa, lại thành ruộng tốt. Nhiều lần như vậy mà ông không nản là do ông yêu cây lúa, yêu ruộng đồng, yêu nghề nông? Việc ông Một đi đòi ruộng, chưa cần nói đến Luật lệ mà hãy nói đến lẽ đời! Chính quyền của dân không nên xử tệ với nông dân như vậy? UBND huyện và UBND tỉnh lúc đầu phủ nhận công sức của ông, rồi Thanh tra đã tìm ra sự thật nhưng hai cấp chính quyền này vẫn tìm cách …khước từ? Thật vô lí, khi đã thừa nhận sự thật: Ông Nguyễn Một là người khai hoang sử dụng diện tích mà ông khiếu nại thì đó là căn cứ để trả đất cho ông, vậy mà UBND huyện bảo: “Nhưng đó không phải là căn cứ để ông đòi lại 9,9 ha đất, vì đất này nằm trong quỹ đất của thị trấn Lạc Tánh”. Dù đất này nằm trong quỹ đất nào nhưng nó được xác lập một cách trái pháp luật là “tước đoạt”quyền sử dụng hợp pháp đất của công dân.
UBND tỉnh thì vin vào Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 về hạn mức giao đất nông nghiệp để từ chối trả ruộng cho ông Một? 10 ha ruộng nói trên là do gia đình ông Một khai phá, UBND huyện đã công nhận tại Quyết định só 950 ngày 25/8/2005, không phải đất được Nhà nước giao? Nhà nước giao đất có nhiều cách, giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần hoặc trả tiền hàng năm… khác với đất tự khai hoang, tự sang nhượng hay được thừa kế, tặng cho. Nếu nói ông Một đang sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức thì vượt bao nhiêu, tại sao UBND tỉnh không ra Quyết định thu hồi lại? Cần hiểu rằng hạn mức nói ở Điều 129 Luật Đất đai là “hạn mức giao đất” chứ không phải hạn mức sử dụng? Nếu sử dụng đất trồng cây hàng năm mà giới hạn 3 ha thì tại sao nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại được đến 30 ha (Điều 130 Luật Đất đai năm 2013)? Không lẽ đất khai hoang thì giới hạn 3 ha mà đất chuyển nhượng lại giới hạn 30 ha? Vì thế, hiểu như UBND tỉnh là sai?
Việc ông Một đòi ruộng là có căn cứ. UBND xã Lạc Tánh không có bất lý do gì và không được phép thu hồi đất một cách tùy tiện như vậy? Tuy nhiên, UBND huyện Tánh Linh và UBND tỉnh Bình Thuận không giải quyết, khác nào khuyến khích cấp xã tiếp tục làm sai? Đó là chưa kể để biến 10 ha đồng hoang thành ruộng lúa thì khó mà hình dung nổi công sức gia đình ông Nguyễn Một đã đổ ra? Thế mà từ chối cả bồi thường công khai phá thì… quá quắt lắm? Đất dân khai phá, sử dụng ổn định, bị thu hồi trái luật thì phải trả lại quyền sử dụng đất cho dân, UBND huyện Tánh Linh và UBND tỉnh Bình Thuận cần chỉ đạo thực hiện!
Thông báo nộp thuế của ông Nguyễn Một
Các quyết định của chính quyền giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Một