Xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc: Nhân dân mong muốn rút sư để tự quản lý chùa Nga Hoàng
Nhịp cầu bạn đọc 22/10/2020 14:38
Nguồn gốc đình, đền, chùa Nga Hoàng
Chùa Nga Hoàng trước đây được xây dựng bên khu vực đất rừng, trong thời kỳ kháng chiến, chùa bị phá bỏ, hiện chỉ còn nền cũ. Năm 1989, Nhân dân địa phương tổ chức khuyên góp tiền, công để dựng một ngôi chùa nhỏ cạnh đình, đền thôn Nga Hoàng.
Chùa, đình, đền Nga Hoàng tại xã Hợp Châu |
Năm 2005, do nhu cầu tín ngưỡng đạo Phật phát triển, Nhân dân địa phương đã xây dựng 3 gian nhà mới, cách vị trí đình, đền khoảng 20m để thờ Phật và đặt tên là chùa Nga Hoàng (Quan Âm Thiền tự). Ngày 12/3/2008, được sự đồng ý của Nhân dân, ông Trịnh Xuân Ất, Trưởng Ban hộ tự chùa Nga Hoàng đã có đơn thỉnh sư gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh Vĩnh Phúc. Đến ngày 21/3/2008, Chánh đại điện, Ban đại diện GHPG huyện Tam Đảo, Thích Tĩnh Thuần chấp thuận và ghi vào đơn với nội dung: “Đồng ý chấp thuận theo đơn xin thỉnh sư của quý Phật tử. Kính mong Ban trị sự GHPG tỉnh Vĩnh Phúc xem xét tạo điều kiện giúp đỡ cho Đại đức Thích Thanh Toàn được về trụ trì chùa Nga Hoàng để Phật tử trọn niềm mong ước”. Sau đó, sư Toàn đã có nhiều hoạt động giúp đỡ Nhân dân thôn Nga Hoàng nói riêng và xã Hợp Châu nói chung như: Làm đường giao thông, xây dựng tường rào chùa, đình, đền và trồng một số cây xanh tạo cảnh chùa thêm khang trang, tinh tiến, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Do đình, đền, chùa xây dựng chỉ cách nhau khoảng 20m, dẫn đến diện tích chùa Nga Hoàng quá chật hẹp. Trong quá trình tổ chức sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo khi nhiều khách thập phương đến lễ tại chùa, đình và đền Nga Hoàng không đáp ứng được việc sinh hoạt tín ngưỡng đạo Phật tại đây. Sư Toàn trụ trì đã bàn với một số người cao tuổi xây dựng 2 ngôi nhà nhỏ, quay về hướng Đông Nam cách vị trí đình, đền cũ khoảng 100m và chuyển đình, đền ra đó để thờ cúng, chuyển 2 ngôi nhà đã xây dựng làm nhà ở.
Sự trụ trì cũ đi, trụ trì mới về
Sáng ngày 6/7/2020, Ban Trị sự GHPG huyện Tam Đảo tổ chức Lễ Công bố Quyết định số 10/QĐ-BTSH ngày 18/6/2020, về việc cử Đại Đức Thích Huệ Tịnh, thế danh Trịnh Xuân Lai, sinh năm 1948, tại Thanh Hóa; Sa di Thích Thiên Tín, thế danh Đoàn Văn Thắng, sinh năm 1977, tại Quảng Ninh về quản lý, điều hành tại chùa Nga Hoàng.
Tại hội nghị, đại diện Ban Trị sự GHPG tỉnh Vĩnh Phúc, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đã giao nhiệm vụ cho Đại Đức Thích Huệ Tịnh và Sa di Thích Thiên Tín về quản lý và điều hành công tác phật sự tại chùa Nga Hoàng, nhằm từng bước ổn định, khôi phục phật sự tại chùa.
Các cụ cao tuổi trên địa bàn tổ chức họp |
Tuy nhiên, từ khi các sư trên được cử về, các phật tử chùa Nga Hoàng liên tục có đơn phản ánh, kiến nghị về việc sư Thích Huệ Tịnh ngồi chơi cờ tướng với một người dân địa phương; không giúp được gì có ích cho Nhân dân, không hướng dẫn tụ tập tổ chức các hoạt động tụng kinh lễ bái… Thậm chí, còn gây mất đoàn kết cho dân khi chia rẽ phật tử của chùa. Ngoài ra, các phật tử cho rằng ông Trương Thái Yên, Trưởng Ban quản lý đình Nga Hoàng không đủ tư cách đại diện cho cộng đồng Phật tử, Nhân dân Hợp Châu khi liên tục ngăn chặn không cho người dân, phật tử vào tam bảo tụng kinh, cúng bái...
Ngoài các đơn và tổ chức họp trước đây ra, ngày 18/10/2020, gần 60 cụ cao tuổi trên địa bàn tổ chức tiếp cuộc họp thống nhất làm đơn gửi chính quyền địa phương để tổ chức cuộc họp và thống nhất thay lãnh đạo Ban quản lý đình Nga Hoàng; và làm đơn gửi Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo xin rút sư trụ trì về, để Nhân dân và Phật tử tự quản lý chùa Nga Hoàng.
Trong cuộc họp trên, cụ Trịnh Xuân Ất (85 tuổi) chia sẻ: “Sư mới không được lòng dân. Khi sư mới về chùa, ông Yên thuê người phá khóa cổng, cửa… Tại buổi công bố cử sư về trụ trì thì không cho phát biểu, từ khi về không giúp gì được cho Nhân dân, làm chia rẽ, gây mất đoàn kết…”.
Cụ Đàm Thị Hợi (83 tuổi) và một số các cụ khác cho rằng: “Sư cũ, khi có đám ma đám chay, Nhân dân mời đến cúng thầy đi hết. Còn sư mới về, dân đến mời nói rằng: “không biết cúng”? Sư mới về chỉ có xám hối, ngồi thiền không theo lối tu hành của Nhân dân trước đây, khi kiến nghị thì có lời nói “không tốt”. Ngoài ra, ngày 1/9 (âm lịch) vừa qua, khi chúng tôi đến làm lễ tại tam bảo thì ông Yên đuổi chúng tôi về, không cho làm và khóa cửa lại. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng cần phải thay Ban quản lý đình và rút sư về để Nhân dân tự quản lý. ..”.
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc |
Ông Nguyễn Khắc Đông, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Châu cho biết: “Chúng tôi sẽ trao đổi lại phía UBND xã để tổ chức cuộc họp Quân - Dân - Chính lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của Nhân dân…”.
Tạp chí Người cao tuổi đề nghị Ban Trị sự GHPG tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo và chính quyền huyện Tam Đảo, xã Hợp Châu nhanh chóng giải quyết một cách khách quan về “nguyện vong” của Nhân dân, cũng như đảm bảo an ninh trật tự địa phương, tránh phát sinh điểm “nóng” trên địa bàn.