Vụ tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty Thành Bưởi với VBI: Không có cơ sở chấp nhận quan điểm của VBI (Tiếp theo kì trước)
Pháp luật - Bạn đọc 31/12/2019 08:51
Tại Văn bản số 359/SGTVT-PT&NL ngày 30/3/2018 của Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng về việc xác nhận GPLX số 680953681325 cấp ngày 14/4/2016 mang tên Nguyễn Long Hưng: “Do ông Nguyễn Long Hưng đã cố tình gian dối trong quá trình đổi GPLX, vì vậy trước thời điểm thu hồi GPLX (sau ngày 19/4/2016) GPLX này không có giá trị sử dụng. Hiệu lực GPLX gần nhất của ông Nguyễn Long Hưng trước khi đổi sang GPLX nêu trên là ngày 19/4/2016, cấp ngày 11/6/2013, hạng E”.
Tại Văn bản số 657/SGTVT-PT&NL ngày 31/5/2018 của Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng về việc đính chính Văn bản số 359/SGTVT-PT&NL ngày 30/3/2018:
“Ngày 17/4/2017 Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 191/QĐ-QLSH thu hồi GPLX số 680953681325 của ông Nguyễn Long Hưng trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Vì vậy, kể từ ngày 17/4/2017 GPLX số 680953681325 không có giá trị sử dụng. Hiệu lực GPLX gần nhất của ông Nguyễn Long Hưng trước khi đổi sang GPLX nêu trên là ngày 19/4/2016, cấp ngày 11/6/2013, hạng E”.
Xét, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng không ghi thời điểm trước khi thu hồi GPLX là có giá trị sử dụng hay không nhưng xác nhận: “Kể từ ngày 17/4/2017, GPLX số 680953681325 không có giá trị sử dụng”, do đó cần phải hiểu thời điểm GPLX số 680953681325 không có giá trị sử dụng là ngày ban hành Quyết định thu hồi số 191/QĐ-QLSH. Vì văn bản hành chính do cơ quan Nhà nước ban hành có hiệu lực kể từ ngày kí nên những nội dung được nêu tại văn bản cũng phát sinh hiệu lực kể từ ngày kí.
Ngoài ra, theo quy định pháp luật, trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, Nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước. Như vậy, theo quy định chung các văn bản hành chính của cơ quan Nhà nước không có hiệu lực trước thời điểm ban hành nên Quyết định số 191/QĐ-QLSH ngày 17/4/2017, không có hiệu lực trước thời điểm ban hành. Vì vậy, có cơ sở xác định trước ngày 17/4/2017, GPLX số 680953681325 không bị văn bản hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi hoặc cho rằng không có giá trị sử dụng, nên có giá trị pháp lí tại thời điểm xảy ra 4 vụ tai nạn.
Căn cứ Bản Kết luận điều tra số 56/KLĐT ngày 5/10/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, Bản án số 59/2017/HSST ngày 29/11/2017 của TAND huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định tại thời điểm xảy ra 4 vụ tai nạn, xe ô tô mà ông Hưng điều khiển là phù hợp với loại xe cơ giới được ghi tại GPLX số 680953681325.
Thứ hai, về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm: Tại Khoản 3, Điều 11 Quy tắc Bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới ban hành theo Quyết định số 353/QĐ-VBI6 ngày 23/4/2015 của Tổng Giám đốc VBI quy định: “Điều 11: Loại trừ bảo hiểm; VBI không chịu trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau: Người điều khiển xe không có GPLX hoặc GPLX không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có GPLX. Trường hợp người điều khiển xe bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có GPLX”.
Tại Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định nguyên tắc chung giải thích Hợp đồng bảo hiểm đó là: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”. Luật Kinh doanh bảo hiểm không quy định cụ thể cách thức giải thích hợp đồng như thế nào. Tuy nhiên, cần phải hiểu, nguyên tắc này sẽ được áp dụng cùng với các nguyên tắc giải thích hợp đồng khác tại Bộ luật Dân sự.
Điều 409, giải thích Hợp đồng dân sự: “Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó. Khi một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên. Khi hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng. Khi hợp đồng thiếu một số điều khoản thì có thể bổ sung theo tập quán đối với loại hợp đồng đó tại địa điểm giao kết hợp đồng. Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng. Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế”.
Tại Khoản 2, Điều 16 Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm; tại Điều 17, Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định bên mua bảo hiểm có quyền và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ “giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm”.
Các quy định này phù hợp với nguyên tắc chung giải thích Hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, một điều khoản loại trừ phải được hiểu theo nghĩa hẹp và có lợi cho bên mua bảo hiểm tức là các nguyên nhân loại trừ phải được hiểu theo nghĩa thông thường và hạn hẹp nhất, không thể tự suy. Nếu không điều khoản loại trừ sẽ trở nên thiếu rõ ràng và bất lợi cho người mua bảo hiểm. Mặt khác, nếu điều khoản không rõ ràng gây bất lợi cho bên mua bảo hiểm thì phải được giải thích hay hiểu theo hướng có lợi cho bên yếu thế theo quy định tại Điều 409 Bộ luật Dân sự.
Do đó, theo điều khoản loại trừ trách nhiệm mà bị đơn nêu thì cần giải thích theo nghĩa cụ thể, hẹp và thông thường nhất là tại thời điểm xảy ra tai nạn người điều khiển có mang theo GPLX hợp lệ, phù hợp với loại xe cơ giới bắt buộc phải có GPLX, không thể lấy một hành vi vi phạm chưa được xử lí thời điểm đó để giải thích điều khoản này theo hướng bất lợi cho bên mua bảo hiểm.
Ngoài ra, do ông Hưng đã có hành vi gian dối là tẩy xóa, thay đổi năm sinh để được cấp lại GPLX nên Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định thu hồi GPLX số 680953681325. Như vậy, hành vi gian dối về năm sinh của ông Hưng đã được xử lí theo quy định pháp luật, nên không thể áp dụng hành vi vi phạm này để xác định trước thời điểm ban hành quyết định thu hồi thì việc ông Hưng sử dụng GPLX số 680953681325 là không phù hợp.
Từ những nhận định trên, có cơ sở xác định tại thời điểm xảy ra 4 vụ tai nạn, ông Hưng sử dụng GPLX phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có GPLX, nên không thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 Quy tắc Bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới ban hành theo Quyết định số 353/QĐ-VBI6 ngày 23/4/2015 của Tổng Giám đốc VBI. Vì vậy, Hội đồng xét xử không có cơ sở chấp nhận quan điểm của bị đơn VBI.
Tại Văn bản số 262/CV-VBI10 ngày 17/5/2019, VBI trình bày về việc tính toán giá trị thiệt hại và số tiền hợp lí mà Công ty Thành Bưởi có thể yêu cầu bồi thường trong trường hợp ông Hưng có GPLX hợp lệ và tổn thất xảy ra không thuộc điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là 1.535.264.091 đồng.
Từ những phân tích trên, yêu cầu của nguyên đơn Công ty Thành Bưởi về việc buộc bị đơn VBI trả số tiền bồi thường bảo hiểm 1.535.264.091 là có cơ sở. Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Thành Bưởi. Buộc bị đơn Tổng Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam trả số tiền bồi thường bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số 001.KD03.HD.XE. 16.07936 ngày 23/6/2016, Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số 001.KD03.HD.XE.16.07984 ngày 27/6/2016, Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số 001.KD03.HD.XE.16.18539 ngày 22/12/2016 là 1.535.264.091 đồng.