Vụ cưỡng chế nhà cửa hơn 20 hộ dân tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ: Đùn đẩy trách nhiệm, dân lãnh đủ?
Pháp luật - Bạn đọc 27/11/2020 16:51
Ông Lê Văn Dương, cùng hơn 20 hộ dân từng sinh sống tại tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội phản ánh đến Tạp chí Người cao tuổi về việc, UBND phường Phú Thượng và UBND quận Tây Hồ năm 2013 tiến hành thu hồi đất, phá dỡ tài sản mà không hề gửi đến tay người dân Quyết định thu hồi đất, Quyết định cưỡng chế, không kiểm tra tài sản, không đền bù thiệt hại, hỗ trợ tái định cư… Gần 10 năm đệ đơn gõ cửa khắp các cơ quan công quyền để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp, tài sản nhà cửa … nhưng tất cả đều "bặt vô âm tín".
Nhà của người dân tại tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ sinh sống ổn định nhiều năm (trước khi bị chính quyền cho phá dỡ). Ảnh: Người dân cung cấp |
Bị quy lấn chiếm trái phép?
Ông Lê Văn Dương cho biết, năm 2009, ông mua nhà và nhận chuyển nhượng 198,8m2 đất của gia đình ông Nguyễn Trường Sơn, ở tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Do thửa đất chưa có sổ đỏ nên việc mua bán, chuyển nhượng chỉ có bản viết tay, hai bên ký kết và có chữ ký người làm chứng, không có xác nhận của chính quyền địa phương.
Hiện trạng nhà đất khi nhận bàn giao từ gia đình ông Nguyễn Trường Sơn gồm có: Nhà cấp 4 lợp tôn (diện tích 50m2), công trình phụ khoảng 10m2, tường rào bao quanh và các tài sản cây cối, hoa màu trên đất. Quá trình sử dụng có cải tạo, nâng cấp thêm một số hạng mục phục vụ nhu cầu sinh hoạt, trồng thêm cây cối, hoa màu.
Ông Dương cho biết, quá trình chuyển về sinh sống ổn định từ năm 2009 - 2013, tại tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng, gia đình có đăng ký tạm trú với Cảnh sát khu vực, được cấp sổ KT2 và được cấp điện, nước, truyền hình cáp… và cuộc sống sinh hoạt gia đình ông diễn ra bình thường, không hề bị chính quyền địa phương kiểm tra, ngăn cấm việc cải tạo nhà cửa, trồng hoa màu.
Niềm vui, hạnh phúc của nhiều gia đình trẻ mua đất và xây nhà tại tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng trước khi nhà cửa bị kéo sập, tài sản hư hỏng khiến cuộc sống đảo lộn, màn trời chiếu đất. Ảnh: người dân cung cấp |
Tuy nhiên, đến ngày 13/3/2013, gia đình ông Dương cùng hơn 20 hộ dân khác mới tá hỏa khi nhận được tờ Thông báo số 18/TB-UBND của phường Phú Thượng, về việc tháo dỡ nhà và di dời tài sản để “trả lại đất cho phường quản lý” (vì bị chính quyền quy vào lấn chiếm đất công). Cho rằng chính quyền thu hồi đất không đúng đối tượng, không có kiểm kê bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật, các hộ dân đã làm đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền quận Tây Hồ nhưng không nhận được hồi âm. Ngược lại chỉ 2 ngày sau, ngày 15/3, người dân tiếp tục nhận thêm Thông báo số 23/TB-UBND phường Phú Thượng sẽ cho tháo dỡ nhà và di dời tài sản vào ngày 19/3/2013.
"Chúng tôi bức xúc bởi chính quyền thực thi công vụ theo kiểu áp đặt, cưỡng chế nhà dân chỉ bằng những Thông báo vô cảm lạnh lùng mà không có Quyết định cưỡng chế, tháo dỡ là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hủy hoại tài sản công dân" – ông Phạm Ngọc Thư, người cùng cảnh ngộ với ông Dương nói
Cảnh đổ nát, hoang tàn sau khi lực lượng cưỡng chế cho máy xúc, máy ủi san phẳng năm 2013, khiến hơn 20 hộ dân tổ 1, cụm 1 điêu đứng và đệ đơn khắp nơi, nhưng gần 10 năm nay vẫn bặt vô âm tín. Ảnh: người dân cung cấp |
Trước khi cưỡng chế, chính quyền phường Phú Thượng và quận Tây Hồ không hề kiểm kê tài sản, không phúc đáp khiếu nại quyền và lợi ích hợp pháp của dân (các Thông báo số 18 và 23 của UBND phường Phú Thượng không ghi tên chủ nhà cũ và mới) mà tiến hành cho máy xúc, máy ủi san phẳng toàn bộ tài sản, nhà cửa khi người dân vắng nhà. "Khi nhà bị san phẳng, tài sản vật dụng bị vùi lấp hư hỏng hết khiến gia đình tôi với 4 nhân khẩu (con nhỏ mới hơn 10 ngày tuổi) phải lang thang đi thuê nhà ở, cuộc sống hoàn toàn đảo lộn, mất phương hướng, mất niềm tin vào chính quyền cơ sở. Trong khi phần đất bị cưỡng chế bị chính quyền bỏ hoang từ ngày đó đến nay, gây ô nhiễm môi trường. Chưa tính trị giá diện tích đất, giá trị tài sản trên đất của gia đình tôi khi bị chính quyền phá dỡ gây thiệt hại gần 800 triệu đồng" – ông Dương phẫn uất.
Cần xác định nguồn gốc đất để trả lại sự công bằng cho dân
Ông Lê Văn Dương cho biết, diện tích đất 198,8 m2 tại tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng được mua của ông Nguyễn Trường Sơn có nguồn gốc của cụ Nguyễn Văn Chác (SN 1915) để lại cho con trai Nguyễn Mạnh Hiệp. Sau này ông Hiệp để lại cho con trai Nguyễn Trường Sơn (cụ Chác được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất số 120, địa bạ số 3, do Chủ tịch TP Hà Nội Trần Duy Hưng ký ngày 23/1/1956). Do quá trình sử dụng biến cố theo thời gian ruộng bị ngập nước nên không canh tác được, gia đình ông Sơn đã tôn tạo phục hóa trong nhiều năm. Theo chính sách của Nhà nước khuyến khích người dân tôn tạo những vùng ngập nước đưa vào sử dụng canh tác (tránh lãng phí tài nguyên đất), nhiều thế hệ gia đình ông Sơn bỏ nhiều công sức, tiền của để cải tạo, nâng cấp, đấo đắp các thùng ao, hố sâu thành vườn để làm nhà và trồng cây, trong đó có một phần đất được UBND TP Hà Nội cấp quyền sử dụng đất.
Nguồn gốc đất của gia đình cụ Nguyễn Văn Chác được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng ký vào ngày 23/1/1956 |
Cũng trong quá trình sử dụng đất ông Sơn tiếp tục khai phá, mở rộng diện tích đất hoang hóa xung quanh và đóng thuế cho Nhà nước từ năm 2002. Năm 2009 gia đình ông Sơn đã chuyển nhượng lại cho gia đình ông Dương diện tích 198,8m2 nói trên, nhưng đã bị chính quyền cho là đất lấn chiếm, đất công nên cưỡng chế, phá bỏ.
Cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự như gia đình ông Lê Văn Dương, ông Phạm Ngọc Thư là hơn 20 hộ dân khác tại khu vực tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng cũng bị chính quyền cưỡng chế, phá dỡ nhà cửa, tài sản vào năm 2013. Người dân cho biết, nguồn gốc mà họ mua bán, chuyển nhượng có nguồn gốc do các ông, bà Hoàng Thị Mịch, Nguyễn Văn Tưởng, Nguyễn Văn Crác (dân gốc phường Phú Thượng) tự khai hoang, vỡ hóa từ những năm 1958-1960 (có người được Chủ tịch UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất) để trồng trọt, làm kinh tế gia đình. Đến năm 1998-2000 đã dựng nhà ở và chuyển nhượng lại cho nhiều chủ (người mua muộn nhất vào năm 2011).
Biên lai thu tiền thuế nhà, đất mà người dân Tổ 1, Cụm 1, phường Phú Thượng nộp cho nhà nước. Ảnh: người dân cung cấp |
Trên phần đất dân sinh sống làm nhà cửa đã bị chính quyền đập bỏ có đường giao thông kết cấu bằng bê tông rộng 5m, có nhà cửa, điện, nước và các dịch vụ viễn thông… có hộ dân ngoại tỉnh được chấp thuận nhập hộ khẩu để ổn định cuộc sống lâu dài. Thống kê thiệt hại mà người dân cung cấp là 4.546 m2 đất (trong đó có 1076m2 đất ở); tổng giá trị thiệt hại tài sản trên đất vào thời điểm bị đập phá khoảng hơn 15 tỷ đồng.
Điều đáng nói là chính quyền không cần xem xét lại kiến nghị, khiếu nại về nguồn gốc đất của người dân mà đùng một cái dùng cách “đánh úp” ra các Thông báo mang tính “úp sọt” để đập bỏ nhà cửa, tài sản khiến hàng chục hộ dân lâm cảnh “màn trời, chiếu đất, nhiều gia đình bị rơi vào tình trạng tay trắng trong phút chốc!?
Đùn đẩy trách nhiệm, dân lãnh đủ?
Theo trình bày của cư dân tổ 1, cụm 1, vào thời điểm trước và sau khi đất đai, nhà cửa bị chính quyền phường Phú Thượng và quận Tây Hồ cưỡng chế, đập phá mà không có quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế gửi đến từng hộ cá nhân, không có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư… họ đã làm đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền từ Trung ương đến UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, mọi công văn chỉ đạo đều chuyển về các cơ quan chức năng của quận Tây Hồ xem xét, giải quyết. Nhưng đến nay trải qua mấy nhiệm kỳ lãnh đạo, sự việc vẫn chỉ là sự đùn đẩy, né tránh, không hồi âm, phúc đáp khiến cho người dân mất niềm tin vào chính quyền.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng sau khi nhận được nhiều đơn thư của cử tri đã đến thị sát thực tế khu đất của người dân bị cưỡng chế, phá dỡ từ năm 2013 |
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự việc xảy ra liên quan đến câu chuyện thu hồi đất, cưỡng chế phá dỡ tài sản của Nhân dân tại tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cần phải được các cơ quan chức năng TP Hà Nội xem xét, giải quyết thấu đáo, triệt để trên tinh thần thượng tôn pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
TP Hà Nội cần xác minh rõ đất mà hơn 20 hộ dân mua bán, sinh sống nêu trên có phải là đất lấn chiếm, nhảy dù hay không. Vì thực tế tài liệu của một số hộ dân lưu trữ thì nguồn gốc đất có từ những năm 1958. Qua nhiều thế hệ sinh sống được mua bán, chuyển nhượng cho người dân nơi khác đến sinh sống, được cấp điện nước, tạm trú KT2, cấp hộ khẩu thường trú…Đặc điểm khu đất là ở ngoài bãi sông đều do người dân khai hoang để sử dụng.
"Cần làm rõ: Việc thu hồi đất nhằm vào mục đích gì? Tại sao phá nhà dân rồi để hoang hoá? Lỗi của người dân là gì mà bị phá tài sản? Vì thực tế mà tôi mục sở thị thì diện tích đất thu hồi, cưỡng chế năm 2013 cho đến nay vẫn để không, cỏ dại mọc um tùm…(do nhận được nhiều đơn thư bức xúc, tôi đã đến tận nơi giám sát đã thấy rõ thực trạng đáng buồn, khu đất bị rào xung quanh, cây cối mọc hoang um tùm, có dấu hiệu đập phá các công trình dân sinh, nhìn rất đáng buồn cho các hộ dân đã bị phá tài sản…). Rất cần sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền TP Hà Nội và Trung ương, tốt nhất là trước kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp" - đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.