Rà soát quy định về trợ cấp thất nghiệp, chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi
Vấn đề hôm nay 27/11/2024 17:34
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Trước đó, ngày 9/11/2024, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Do vậy, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cần tập trung thảo luận về các vấn đề về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững chưa, có đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tương thích với các luật có liên quan hay không?
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các ĐBQH cho ý kiến về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm, quy định như dự thảo luật đã bao quát hết các đối tượng hay chưa, có phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cơ hội việc làm bền vững cho người trong độ tuổi, sau độ tuổi lao động để tận dụng thời kỳ dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số....
Các ĐBQH tham dự Kì họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV |
Tại hội trường, ĐB Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) cho rằng cần rà soát quy định về trợ cấp thất nghiệp. Việc sửa đổi Luật Việc làm là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước; giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững; xu hướng phát triển kinh tế- xã hội phù hợp với hội nhập quốc tế…
Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, ĐB Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh, nếu người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc trái pháp luật, họ vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ việc có thể kéo dài vài năm. Do vậy, ĐB đề nghị dự thảo Luật làm rõ trong thời gian này, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?
Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Do vậy, mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho người lao động, chứ chưa kể đến chi phí gia đình, vì hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, đề nghị cần rà soát, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.
Còn ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (TP Cần Thơ) kiến nghị cần bổ sung quy định cụ thể về nhận thức xã hội, việc làm, quyền và trách nhiệm của người cao tuổi. ĐB tán thành sửa đổi Luật Việc làm nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và chủ trương của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cũng như vấn đề về thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp… Đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến lao động, việc làm, phù hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế.
Về việc làm cho người cao tuổi, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Việt Nam đang có xu hướng già hóa dân số nhanh, người cao tuổi từ 60-75 tuổi vẫn còn sức khỏe, kinh nghiệm và khả năng đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp và phụ thuộc vào trợ cấp xã hội. Do vậy, ĐB đề nghị bổ sung quy định cụ thể về nhận thức xã hội, việc làm, quyền và trách nhiệm của người cao tuổi, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong tạo việc làm phù hợp.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (TP Hà Nội) phát biểu ý kiến |
Góp ý về chính sách, sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, ĐB Trương Xuân Cừ (TP Hà Nội) cho rằng, chúng ta vẫn chưa có sự chủ động trong việc ứng phó với tình trạng già hóa dân số. Theo ĐB Trương Xuân Cừ, nhìn ra các nước trên thế giới, các nước có chiến lược về kinh tế vàng, nhờ vậy GDP của người cao tuổi đóng góp cho các quốc gia này rất lớn. Đại biểu khẳng định, có những việc cho người cao tuổi thù lao thấp, nhưng hiệu quả rất cao, do đó cần có chính sách huy động sự tham gia của người cao tuổi vào các công việc của xã hội
Do vậy, ĐBQH đề nghị, cần hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tập huấn, cấp chứng chỉ quốc gia, chứng chỉ quốc tế cho người cao tuổi; cũng cần tính toán tới việc không chỉ xuất khẩu lao động, mà có thể xuất khẩu chuyên gia.
Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 và thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)./.