Viết tiếp vụ doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà kêu cứu: Có nên “triệt tiêu” một mô hình thí điểm thành công?
Pháp luật - Bạn đọc 29/10/2020 20:43
Mô hình thí điểm thành công
Các doanh nghiệp họ được mời gọi vào đầu tư theo mô hình thí điểm liên kết du lịch sinh thái cũng rất tâm huyết, đề cao phát triển đúng theo tinh thần bảo vệ rừng, biển đảo, bảo tồn sinh học…Vì vậy họ muốn được tạo cơ chế, hoàn thiện thủ tục đầu tư để ổn định lâu dài, được thuê môi trường rừng, đóng góp vào sự phát triển của địa phương theo đúng như tinh thần của Chính phủ và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) – ông Phạm Văn Thương, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà hồi tưởng và mô tả chi tiết lại từng giai đoạn thực hiện mô hình hoạt động thí điểm liên doanh, liên kết du lịch.
Khu lưu trú làm bằng chất liệu tre, nứa lá thân thiện môi trường tại vùng đệm của Vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà (không nằm trong vùng quy hoạch mới) sao phải xóa bỏ? |
Vào giai đoạn những năm 1990-2006, Vườn QG Cát Bà triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái (thời điểm này Vườn QG trực thuộc Bộ NN&PTNT). Năm 1998, Bộ NN&PTNT liên tiếp ban hành nhiều công văn về việc đồng ý cho Vườn QG được thực hiện hoạt động dịch vụ du lịch tham quan thắng cảnh nghỉ ngơi và thu chi dịch vụ. Những năm tiếp theo, du lịch Cát Bà phát triển mạnh mẽ.
Từ năm 1999, để đáp ứng và phục vụ nhu cầu cho du khách, Vườn QG đã cho tổ chức dịch vụ nghỉ dưỡng tại các bãi tắm Nam Cát và Cát Dứa 2 (vật liệu tre, nứa, lá cọ), đồng thời giao khoán dịch vụ được Ban lãnh đạo Vườn thống nhất triển khai một số tuyến, điểm tham quan như Cát Dứa, Nam Cát, Vạn Bội thông qua các văn bản, Nghị quyết phiên họp của lãnh đạo Vườn và dựa trên cơ sở Quyết định 08/QĐ-TTg ngày 11/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng tự nhiên.
Năm 2004 Vườn được chuyển từ Bộ NN&PTNT về TP Hải Phòng và được giao cho Sở NN&PTNT trực tiếp quản lý.
Từ đây Vườn QG tiếp tục tổ chức thí điểm một số mô hình du lịch sinh thái kết hợp với công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, gắn với công tác tuyên truyền cho du khách và cộng đồng địa phương về giá trị tài nguyên thiên nhiên tại Cát Bà.
Kết quả đã tạo được công việc và thu nhập cho người dân địa phương, tránh tác động xấu đến tài nguyên thiên nhiên trên quần đảo Cát Bà. Nhận thấy được giá trị này, Vườn đã đề nghị lập các tuyến đến, điểm du lịch trình UBND TP Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 1079/QĐ-UBND ngày 19/5/2006 về việc thu phí tham quan Vườn Quốc gia Cát Bà.
Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hải Phòng năm 2012 công nhân hạng cơ sở lưu trú cho Khu Du lịch đảo Năm Cát |
Từ giai đoạn 2006-2010, sau khi Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi năm 2004 và Quyết định 186/2006/QĐ-TTg của Chính phủ về Quy chế quản lý rừng đặc dụng thì các dự án đầu tư phát triển du lịch phải được UBND TP phê duyệt trên cơ sở quy hoạch về du lịch và quy hoạch phát triển bền vững Vườn QG Cát Bà. Đến năm 2007, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN về Quy chế quản lý hoạt động du lịch sinh thái trong các Vườn QG và khu bảo tồn thiên nhiên, tham khảo kinh nghiệm của các Vườn QG Cúc Phương, Ba Vì…
Căn cứ vào các văn bản, quyết định này, Vườn QG Cát Bà đã xin cải tạo, nâng cấp các điểm dịch vụ, tuyến tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu du khách. Đồng thời báo cáo UBND TP Hải Phòng và được đồng ý về chủ trương cho thuê môi trường rừng theo QĐ 2711/UBND-NN ngày 28/5/2009. Trong đó có ý kiến chỉ đạo và giao cho Vườn QG làm chủ đầu tư, tổ chức xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái, xác định giá các loại rừng…
Vườn QG đã ký cam kết giữa các tổ chức, cá nhân đang được giao khoán kinh doanh dịch vụ du lịch về đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu du lịch dịch vụ tại Cát Dứa 2 – Vườn QG Cát Bà; giữa Trung tâm DVDL&GDMT với Công ty TNHH DVTM Diệp Trân; cam kết số 143/CK-VCB ngày 28/3/2009 về việc cho thuê môi trường rừng và tổ chức thí điểm mô hình hoạt động du lịch sinh thái – giáo dục môi trường với Công ty CPTM Tùng Long…
Giai đoạn từ 2010 đến nay. Thực hiện văn bản số 2711về chủ trương cho thuê môi trường rừng của UBND TP Hải Phòng trên cơ sở về phát triển bền vững Vườn QG Cát Bà giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn đến năm 2020, Vườn QG tích cực xây dựng các văn bản cho Đề án phát triển du lịch trình TP Hải Phòng.
Ngày 4/12/2012, UBND TP Hải Phòng phê duyệt Quyết định số 2119/QĐ-UBND, về việc Phê duyệt đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn QG Cát Bà. Trong đề án phát triển du lịch sinh thái đã xác định được vị trí quy hoạch các điểm phù hợp với thực tế và phù hợp với quy hoạch và phát triển Vườn QG Cát Bà. Trên tinh thần đó, Vườn QG tiếp tục triển khai các hoạt động liên kết phát triển du lịch sinh thái và nâng cấp một số cơ sở hạ tầng phù hợp với tình hình chung.
Các thu thục về lập dự án, chấp thuận đầu tư, cam kết môi trường ... mà UBND huyện Cát Hải ban hành cách đây cả chục năm, về thực hiện mô hình du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học tại đảo Cát Bà |
Hiệu quả từ giao khoán dịch vụ du lịch sinh thái đã phòng ngừa, ngăn chặn các vụ vi phạm Lâm luật hay những đối tượng sử dụng phương tiện, dụng cụ trái pháp luật trong việc khai thác hải sản (mìn, kích điện), không có hiện tượng gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ các hệ sinh thái lân cận.
Đồng thời do các điểm du lịch này ở những nơi xa xôi hẻo lánh, thế nên đây vừa là cơ sở, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại chỗ trên biển, vừa tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới hải đảo, cung cấp thông tin mật thiết, kịp thời cho công an và bộ đội Biên Phòng hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện còn khó khăn về lực lượng.
Mô hình này đem lại hiệu quả rõ rệt về nhiều mặt, góp phần cùng Cát Bà thu hút được hàng triệu du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng (năm 217 là hơn 2 triệu du khách), trong đó có khoảng 40% là khách tham quan rừng hoặc biển mang lại nguồn thu rất lớn cho huyện đảo, tăng thu nhập cho người dân.
Sao lại phải xóa bỏ?
Được biết, từ năm 2017 sau khi TP Hải Phòng có chủ trương chấp thuận cho một doanh nghiệp mới vào đầu tư và quy hoạch tổng thể, cục bộ lại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, đã nhiều lần Ban quản lý Vườn QG Cát Bà gửi báo cáo, cùng đề xuất, kiến nghị tiếp tục cho các điểm đang liên doanh, liên kết khai thác du lịch sinh thái hoạt động.
Tuy nhiên, những báo cáo này đều không được Thành ủy, UBND TP Hải Phòng xem xét một cách thấu đáo, ngược lại còn bắt buộc phải tháo dỡ và bị quy chụp xây dựng công trình không phép, trái phép, phá vỡ cảnh quan.
Mô hình du lịch sinh thái thân thiện môi trường được đánh giá, tổng kết là hiệu quả, thành công đáng lẽ cần được nhân rộng, phát triển |
Thiết nghĩ, TP Hải Phòng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục pháp lý, thực hiện thuê môi trường rừng để mô hình tiếp tục phát triển, vừa thu hồi vốn đã đầu tư, vừa hạn chế tối đa phải dùng kinh phí Nhà nước bồi hoàn khi Vườn QG thanh lý các hợp đồng liên kết, vì thực tế các điểm du lịch này không nằm trong vùng quy hoạch mới.
Theo ông Phạm Văn Thương, đây là mô hình mang tính chất thí điểm nên việc có phép hay không phép đã được Vườn QG, lãnh đạo huyện Cát Hải, các sở, ngành và TP Hải Phòng qua các thời kỳ ghi nhận, đánh giá, tổng kết là rất hiệu quả và khuyến khích tiếp tục mở rộng phát triển. TP Hải Phòng còn lấy các điểm du lịch sinh thái giới thiệu rộng rãi ra khắp thế giới trên Cổng thông tin điện tử TP nhằm thu hút khách du lịch đến với Cát Bà. Do đó không có cớ gì để xóa bỏ đi một mô hình hay, sáng tạo mà mất hàng thập kỷ mới xây dựng nên.
Ông Phạm Văn Thương tiếc nuối về mô hình hay, hiệu quả (có nguy cơ bị đập bỏ) mà phải mất nhiều thời gian và công sức của lãnh đạo Vườn QG, Sở, ngành và lãnh đạo TP Hải Phòng của nhiều thời kỳ mới gây dựng thành công |
Cũng theo ông Phạm Văn Thương, về thủ tục cho xây dựng công trình hoạt động tại các điểm liên kết thời điểm trước tháng 12/2017, có 4 điểm du lịch được hình thành – thời điểm này chưa có hướng dẫn đầy đủ về quản lý các hoạt động du lịch trong Vườn QG; Có 2 điểm hình thành từ năm 2008-2012- đây là thời điểm Vườn QG đã báo cáo Sở NN&PTNT để làm thí điểm; có 3 điểm dịch vụ ký kết sau năm 2012.
Trong số các điểm du lịch chỉ có 7 điểm xây dựng công trình dịch vụ; 6 điểm phát triển ở phân khu phục hồi sinh thái biển và 1 điểm ở phân khu dịch vụ hành chính. Hầu hết các điểm này đều được xây dựng theo các mô hình bungalows (nhà gỗ, lán trại), vật liệu bằng tre, gỗ, mái lá thân thiện với môi trường. Tuy nhiên do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, gió bão, sóng biển nên các công trình phải sửa chữa nâng cấp thường xuyên rất tốn kém. Do đó một số được gia cố móng trụ bằng bê tông cốt thép, tường gạch ốp để chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt nhưng vẫn đảm bảo an toàn và mỹ quan khu vực.
Ông Thương cho rằng, Vườn QG Cát Bà thực hiện liên doanh, liên kết hoặc giao khoán phát triển du lịch sinh thái dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ số 186/2006/QĐ-TTg năm 2006; của Bộ NN&PTNT số 104/2007 QĐ-BNN năm 2007, đáp ứng các điều kiện quan trọng về tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, cho thuê môi trường rừng… và đã xin phép Sở ban, ngành của TP Hải Phòng chứ không có chuyện tự ý xẻ thịt Vườn để cho xây dựng công trình du lịch trái phép, thu lợi bất chính.
Năm 2012, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng ký Quyết định 2119/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển du lịch sinh thái Vườn QG Cát Bà |
Mô hình thí điểm này được Vườn QG và các ban, ngành nhiều lần nhận xét, đánh giá và tổng kết, đúc rút kinh nghiệm là rất hiệu quả và cần được duy trì, phát triển. Từ căn cứ thực tế này, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án 2119/QĐ-UBND năm 2012 và sau này là Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 về Đề án cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái…
"Đáng tiếc, Đề án cho thuê môi trường rừng được chính UBND TP Hải Phòng phê duyệt, nhưng ngay sau đó lại bị hủy bỏ nên không còn cửa và cơ hội cho doanh nghiệp tiếp tục cùng du lịch Cát Bà phát triển. Mô hình thí điểm thành công và rất hiệu quả trên mọi phương diện sẽ đi vào dĩ vãng khi TP Hải Phòng quyết tâm cho tháo dỡ mà không đưa ra được bất cứ lý do thuyết phục" – ông Thương xót xa.
Không nên xóa bỏ, triệt tiêu mô hình hay, hiệu quả
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu vì lý do quy hoạch tổng thể, cục bộ lại Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Cát Bà (theo đề nghị của nhà đầu tư) mà phủ nhận đi mọi công sức, tâm của các thế hệ lãnh đạo Vườn QG, các Sở, ngành, lãnh đạo TP Hải Phòng và doanh nghiệp, hộ giao khoán thì cần phải xem lại có hợp tình, hợp lý hay không?
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội |
"Dư luận cho rằng, đằng sau vụ việc có những điều "khuất tất", rất cần câu trả lời khách quan, đúng mực từ phía cơ quan công quyền. Nếu không làm rõ có thể gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội và suy giảm lòng tin vào cấp ủy, chính quyền Thành phố. Một mô hình hay và mang lại hiệu quả, thành công đáng lẽ ra cần phải được tôn trọng và nhân rộng, phát triển lên tầm cao mới chứ không nên xóa bỏ, triệt tiêu" – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Ngày mới Online tiếp tục thông tin đến bạn đọc vào các kỳ tiếp theo