Viết tiếp việc GPMB Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (địa phận TP Móng Cái), tỉnh Quảng Ninh: Bất cập về chính sách bồi thường, sai phạm nghiêm trọng
Pháp luật - Bạn đọc 14/06/2019 08:23
Đơn của các hộ dân xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái tập trung phản ánh các vấn đề: Về vị trí ao, đầm của các hộ dân nằm phía trong đê biển quốc gia, nhưng phương án bồi thường, hỗ trợ lại quy là ao, đầm ven biển, để bồi thường mức 10.000 đồng/m2, gây thiệt thòi cho các hộ dân, trong khi giá bồi thường ao, đầm nội địa có giá 23.000 đồng/m2. Một số diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân bị quy lấn chiếm của UBND xã, để không bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Một số trường hợp bị quy là đất bỏ hoang, để không bồi thường, mà chỉ hỗ trợ. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp đã bỏ không canh tác, nhưng khi có dự án quay lại sử dụng và được bồi thường. Đã xảy ra tình trạng cưỡng chế "2 trong 1", hoặc lập hồ sơ giả mạo để không bồi thường, hỗ trợ cho hộ dân…
Ngày 24/5/2019, sau 2 lần đăng kí làm việc, chúng tôi mới được gặp, làm việc với ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) TP Móng Cái. Ông Hải cho biết, các trường hợp thuộc xã Quảng Nghĩa do Trung tâm PTQĐ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ. Ông Hải thừa nhận, tại các phương án bồi thường, hỗ trợ do Trung tâm PTQĐ Sở Tài nguyên và Môi trường lập, có phần không chính xác như đơn khiếu nại, kiến nghị của các hộ dân, nguyên nhân căn cứ vào các tài liệu xác minh nguồn gốc đất của UBND xã Quảng Nghĩa.
Về việc xác định vị trí ao, đầm ven biển và ao, đầm nội địa, ông Hải cho biết, cơ quan chức năng căn cứ vào độ mặn của nước, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra (có nghĩa ao, đầm nước ngọt thì mới được công nhận là nội địa). Theo chúng tôi, như vậy là không có sự nhất quán, khoa học. Định nghĩa "ven biển", rõ ràng chỉ vị trí địa lí. Do đó, ao, đầm ven biển mặc nhiên phải nằm sát biển, không thể nằm phía trong đê biển quốc gia, càng không thể căn cứ vào độ mặn của nước, vì độ mặn của nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố: theo mùa, theo con nước, theo thời tiết và tình trạng xâm thực của nước biển… Do đó, dựa vào chỉ số độ mặn của nước do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra, để xác định ao, đầm ven biển, là bất hợp lí, phi khoa học và không khả thi. Rõ ràng, việc căn cứ độ mặn của nước để xác định vị trí ao, đầm của các hộ dân là trái với thực tế, gây thiệt hại lớn cho các hộ dân, cần được tỉnh Quảng Ninh xem xét lại.
Một số hộ dân bị quy lấn chiếm đất, để không được bồi thường, hỗ trợ. Vấn đề này rất cần làm rõ, thế nào là lấn chiếm đất? "Lấn chiếm đất", phải được hiểu là đất đang có người quản lí, sử dụng nhưng bị người khác đến bao chiếm. Ở đây, nếu cho rằng lấn chiếm đất của UBND xã Quảng Nghĩa, thì phải hiểu việc lấn chiếm mới xảy ra và đối với diện tích đất công ích mà xã được để lại theo quy định của Luật Đất đai. Trong khi thực tế diện tích đất của các hộ dân đều do khai phá đất hoang, sử dụng nhiều năm, có những trường hợp khai phá trước ngày 15/10/1993, canh tác liên tục, ổn định, không tranh chấp và không bao giờ bị lập biên bản xử lí, thậm chí còn được UBND xã xác nhận. Pháp luật về đất đai khuyến khích người dân khai hoang, phục hóa, đưa đất vào sử dụng canh tác, mở rộng sản xuất, sao nay thu hồi làm dự án lại quy cho các hộ dân lấn chiếm đất để không bồi thường, hỗ trợ!?
Thực tế một số hộ dân có bỏ đất một, hai năm không canh tác. Đây là thực tế, nhưng có một thực tế khác cần phải cân nhắc, xem xét, đó là do điều kiện thời tiết rơi vào năm trời làm hạn hán, đất không trồng trọt được, nên dân buộc phải bỏ ruộng khô, là nguyên nhân bất khả kháng, đến khi thời tiết thuận lợi, người dân trở lại tiếp tục canh tác, trồng trọt (điều này được UBND xã ghi rõ trong tài liệu xác nhận về nguồn gốc đất). Do đó, không thể lấy điểm này làm căn cứ để không bồi thường, chỉ hỗ trợ cho các hộ dân, gây thiệt thòi không nhỏ cho họ.
Trường hợp gia đình bà Nhung, ông Tùng, năm 1998 xin đất và được xã giao để trồng hàng trăm cây ăn trái. Mặc dù năm 2013 bị cháy, nhưng thực tế cây vẫn còn, gia đình vẫn quản lí, thu hoạch. Nhưng khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, cơ quan chức năng quy cho họ bỏ hoang đất để không bồi thường, mà chỉ hỗ trợ 30%, gây thiệt thòi cho dân. Trong khi việc trồng cây, quản lí, thu hoạch... được chính UBND xã Quảng Nghĩa khẳng định tại Biên bản xác minh ngày 10/6/2018, do Chủ tịch UBND xã Lương Tiến Dũng kí tên, đóng dấu...
Xuất phát từ những quy định bất hợp lí, việc quy kết dân lấn chiếm đất, bỏ hoang đất… đã xâm hại nghiêm trọng đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, khi họ là những nông dân chất phác bị mất tư liệu sản xuất khi đất bị thu hồi phục vụ dự án. Nghiêm trọng hơn, những công trình họ tạo dựng trên đất như: Bờ ao, đầm; cây cối, nhà cửa; máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… cũng bị bỏ quên, không bồi thường.
Việc đo đạc, kiểm đếm để lập phương án, cũng có dấu hiệu thực hiện thiếu trách nhiệm, qua loa gây nên tình trạng thiếu diện tích, thiếu khối lượng đào đắp, bỏ ra ngoài phương án bồi thường nhiều tài sản (bạt, guồng nước…). Điển hình là trường hợp đối với Công ty TNHH Hương Thu. Khi Công y khiếu nại, đích thân ông Vũ Văn Kinh, Chủ tịch UBND TP Móng Cái xuống hiện trường, chỉ đạo cán bộ Trung tâm PTQĐ thành phố đo lại. Thế nhưng, mới chỉ đo một điểm, phát hiện thấy chênh lệch (cao hơn kết quả cũ) đến 50%, ông Lân và ông Cường viện cớ bỏ ngang, không đo nữa... Tại buổi làm việc với phóng viên sáng 27/5/2019, một trong hai cán bộ này cho rằng, do chồng bà Bé (Giám đốc Công ty Hương Thu) đo ra xa, nên không công nhận kết quả và bỏ về…
Tại buổi làm việc này, khi phóng viên nêu trường hợp gia đình ông Lương Văn Cảnh, 78 tuổi, thôn 1 xã Quảng Nghĩa. Trước khi TP tổ chức cưỡng chế, gia đình ông đã dọn đồ đạc, tài sản ra khỏi khu vực, cách khu đất bị thu hồi 20m. Thế nhưng, toàn bộ tài sản của gia đình ông bị lực lượng cưỡng chế thu giữ đem đi mà không có biên bản, quyết định gì. Đến nay, tài sản bị thu giữ vẫn chưa được trả lại cho gia đình, trong khi gia đình không có nơi ở nào khác, hiện đang phải đi ở nhờ… Ông Hải thừa nhận, có việc cưỡng chế "2 trong 1", lí do gia đình ông Cảnh làm lán để đồ trên đất không thuộc chủ quyền của gia đình, do đó là trường hợp lấn chiếm trái pháp luật, nên chính quyền cưỡng chế luôn, đưa toàn bộ đồ đạc, tài sản của gia đình ông Cảnh về trụ sở UBND xã Quảng Nghĩa. Gia đình ông Cảnh có thể đến đó nhận lại tài sản.
Đất gia đình ông Cảnh nhận chuyển nhượng ao, đầm và các tài sản từ ông Phạm Huy Cầm và một số gia đình khác. Thế nhưng, trong phương án bồi thường, hỗ trợ, cơ quan chức năng quy là đất thuê của xã. Tuy nhiên, các tài liệu phóng viên thu thập được gồm: Đơn xin thuê đất, Sơ đồ hiện trạng khu đất xin thuê, là 2 tài liệu có dấu hiệu giả mạo, do chữ kí của ông Lương Văn Cảnh trong 2 tài liệu này không phải của ông Cảnh.
Người dân ở đây còn tố giác một số trường hợp: Bà Lê Thị Sổi, bà Đỗ Thị Ngữ, bà Nguyễn Thị Lơ bỏ hoang đất năm 2015 - 2016, vẫn được bồi thường 100% đất. Trường hợp sổ đỏ mang tên ông Hoàng Thọ, nhưng ông này bỏ hoang đất, thực tế ông Tô Thọ canh tác đến 7 - 8 năm. Thế nhưng khi thu hồi lại bồi thường, hỗ trợ cho ông Hoàng Thọ, trong đó có 4 thửa (143, 146, 147, 148) bỏ hoang hoàn toàn. Bà Lơ có diện tích đất chỉ cho ông Sáng thuê 2 năm, song ông Sáng lại được nhận 50% tiền bồi thường. Ông Nguyễn Văn Tiến (theo phản ánh là họ hàng với ông Tăng Chức, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nghĩa, hiện là Bí thư kiêm Trưởng ban kiểm đếm của xã), có đất thuộc trường hợp xã tạm giao, bỏ hoang sim mái mọc đầy, nhưng vẫn được bồi thường. Thậm chí, thửa số 322 (285m2) ông này bỏ hoang nhiều năm, đến năm 2017, khi có dự án mới ra trồng cấy và được bồi thường rất cao...
Từ những dấu hiệu nêu trên, đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần có cuộc thanh tra liên ngành, nhằm làm rõ những bất cập của chính sách, các sai phạm nảy sinh trong quá trình thực hiện, để có phương án hiệu chỉnh, giải quyết dứt điểm cho các hộ dân, tránh khiếu kiện kéo dài.