Viết tiếp bài TP Hà Nội: Quận Bắc Từ Liêm (huyện Từ Liêm cũ) phát lộ sai phạm có hệ thống trong quản lí đất đai, bồi thường GPMB, tái định cư (bài 3)
Pháp luật - Bạn đọc 23/02/2018 10:09
(Tiếp theo kì trước)
Bài 3: Xã Tây Tựu: Bổn cũ soạn lại và dấu ấn của ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện
Ngày 20/10/2009, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5416/QĐ-UBND thu hồi 15.528m2 đất tại xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm; giao cho UBND huyện Từ Liêm để xây dựng Cụm văn hóa thể thao Tây Tựu. Diện tích đất trên do UBND xã Tây Tựu quản lý, các hộ dân đang sử dụng để sản xuất nông nghiệp.
Tại Quyết định số 5044/QĐ-UBND ngày 29/7/2009 của UBND huyện Từ Liêm do Chủ tịch Nguyễn Cao Chí kí đã xác định rõ nguồn gốc đất: “Tổng diện tích đất thực hiện dự án dự kiến: 15.528m2 . Trong đó: Đất nông nghiệp không giao theo NĐ 64/CP do UBND xã quản lý: 15.115m2; Đất chuyên dùng giao thông, thủy lợi (mương, đường) : 413m2”. Từ đó chi phí bồi thường dự kiến giải phóng mặt bằng mất khoảng 3.348.630.000 đồng.
Tuy nhiên, bất chấp các quy định về thẩm quyền, ngày 26/12/2011, ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã kí Quyết định số 12315/QĐ-UBND, để chuyển vị trí đất nông nghiệp công ích tại xã Tây Tựu trong đó thực hiện việc chuyển 14.707,9m2 đất thuộc dự án Xây dựng cụm văn hóa thể thao Tây Tựu sang vị trí khác, nhằm biến đất công ích thành đất có thể giao cho các hộ thiếu đất theo NĐ 64/CP, để thực hiện cái gọi là “cân đối”.
Điều này nhằm mục đích biến đất công không phải bồi thường về “đất cân đối NĐ 64”, biến thành một “miếng thịt chín” nuốt trôi hơn chục tỉ đồng tiền ngân sách Nhà nước. Để thực hiện được sự “biến đổi không thành có tiền ít thành tiền nhiều” ê kíp từ huyện xuống xã đã thông qua một số hộ dân thiếu hiểu biết và tham lam, thành những chủ nhân có đất để nhận tiền bồi thường. Dư luận địa phương bức xúc nêu câu hỏi: Nếu cân đối tại sao không cân đối vào các vị trí còn đất không giao, để dân có đất sản xuất như mong muốn mà Nghị định số 64/CP, đặt ra mà lại cân đối vào dự án?.
Câu trả lời có ngay, đó là tăng tiền rút từ ngân sách Nhà nước, cụ thể vào ngày 31/12/2011, huyện Từ Liêm ban hành quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 15, 438 tỷ đồng (số làm tròn) lên 29,157 tỷ đồng (số làm tròn) mà chưa có nghị quyết nào của HĐND cho phép. Đặc biệt, đáng lưu ý là chi phí GPMB tăng từ 3,348 tỷ (số làm tròn) lên 16,041 tỷ (số làm tròn), rồi tiếp tục tăng lên 17,887 tỷ đồng (tăng hơn 5 lần).
Trong số hơn 900 hộ còn thiếu đất do chưa rút bù được, thì tại sao Tây Tựu lại chỉ chia cho 36 hộ? Điều đơn giản, chính là các hộ này từng nhóm có mối quan hệ thân thiết với nhau. Họ là họ hàng, anh em hoặc có chung lợi ích liên quan đến cán bộ giải phóng mặt bằng, họ đồng tâm, đồng lòng nhằm khép kín để rút ruột ngân sách.
Dư luận địa phương cho rằng, trong số 36 hộ được nhận tiền thì nhiều hộ chỉ là người đứng tên nhận hộ tiền rồi được chia lại cho vài chục triệu còn cục tiền lớn đều phải nộp lại cho những hộ gốc mà những hộ này đáng ra chỉ được nhận tiền bồi thường về hoa màu vì đang canh tác trên đất công ích, nhưng nhờ có Quyết định số 12315/QĐ-UBND do ông Lê Văn Thư kí mà tự nhiên có một bọc tiền khổng lồ !?. Nếu là được hưởng “cân đối” thì làm sao phải nộp lại tiền cho người khác?. Thậm chí những người cuối cùng được cầm số tiền rất lớn đó có rất nhiều người không hề có trong danh sách 36 hộ (tức là mượn tên người khác hoàn toàn)?. Thế lực ngầm nào đã khiến ông Lê Văn Thư phải kí quyết định trái thẩm quyền chuyển đổi vị trí đất một cách vô lý và rồi lại bất chấp thẩm quyền kí tăng tổng mức đầu tư, khiến tiền bồi thường vọt lên hơn 5 lần so với ban đầu?
Đề nghị phải xử lí ông Lê Văn Thư theo Kết luận 39/KL-UBND ngày 8/5/2017 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Kết luận số 39/KL-UBND của UBND TP Hà Nội về những sai phạm của ông Lê Văn Thư,
Nếu xử lí nghiêm các sai phạm của ông Lê Văn Thư liên quan đến Kết luận số 39/KL-UBND của Chủ tịch UBND thành phố, thì chắc chắn ông Lê Văn Thư cũng không còn đủ tư cách để làm Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội, cũng giống như trường hợp ông Võ Kim Cự từng có nhiều sai phạm trong vụ Formosa, khi chưa bị xử lí cũng được giữ chức Chủ tịch liên minh HTX Việt Nam, nhưng đến khi xử lí kỉ luật nghiêm thì cái ghế này cũng không còn.
Dư luận đề nghị xử lí ông Lê Văn Thư theo như Kết luận số 39/KL-UBND của Chủ tịch UBND thành phố kí ngày 8/5/2017 không thể cứ có sai phạm lại thuyên chuyển vị trí công tác để tránh "tội". Qua đây, cần phải xem lại vấn đề tổ chức cán bộ của TP Hà Nội liên quan đến việc không xử lí sai phạm theo kết luận của thanh tra, như trường hợp ông Lê Văn Thư Bí thư quận Bắc Từ Liêm, được bổ nhiệm làm Chủ tịch liên minh các HTX Hà Nội, cũng như trường hợp của ông Trần Đức Hoạt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm và một số trường hợp khác.
Báo điện tử Ngày mới sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên.
Nhóm PVĐT