Ép “con nợ” nhận “nợ khủng”?
Như Báo Ngày mới Online (Báo Người cao tuổi) đã thông tin về việc nhóm người lạ mặt “quậy phá” phòng khám đa khoa Tâm Đức, mới đây, bà Ngô Thị Thông, Giám đốc Công ty TNHH XD –TM Đức Thọ có trụ sở tại xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước có đơn gửi đến cơ quan báo chí phản ánh về việc nhân viên của Công ty Tích Tắc, dùng vũ lực để “ép” nhận một khoản nợ lên đến 34,5 tỷ đồng.
Theo đơn phản ánh, từ năm 2010 đến năm 2015, bà Thông có vay của ông Nguyễn Tiến Cường ở xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài số tiền là 10,95 tỷ đồng. Đến ngày 3/6/2011, bà Thông đã trả cho ông Cường (nhiều lần) với số tiền là 7,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do việc kinh doanh bị trì trệ, bà Thông chưa thanh toán được cho ông Cường tiền gốc và lãi (lãi suất từ 4%, 6% và 15%/ tháng).
Sau này bà Thông được biết, ông Cường đã bán khoản nợ trên cho Công ty Tích Tắc. Trong các ngày 25/5 và ngày 26/5/2017, người của Công ty Tích Tắc đã “ép” bà Thông ký giấy vay mượn với số tiền là 34,5 tỷ đồng, nhưng bà Thông không đồng ý.
.jpg)
Nhiều người của Công ty Tích Tắc đến đòi nợ tại nhà bà Thông (Ảnh từ video clip).

Theo bà Thông, các nhân viên Công ty Tích Tắc có hành vi “xô xát”, đe dọa khi đến nhà đòi nợ (Ảnh từ video clip)
Qua mặt” Công an phường chỉ bằng một thông báo?Từ đó đến nay, nhân viên Công ty Tích Tắc luôn tìm cách đe dọa, gây sức ép để buộc bà Thông trả nợ. Lo sợ ảnh hưởng tới uy tín cá nhân và gia đình, từ ngày 7/8 đến 19/11/2017, bà Thông đã 4 lần chuyển vào tài khoản của Công ty Tích Tắc, mỗi lần là 30 triệu đồng (tổng cộng là 120 triệu). Tuy nhiên, nhân viên của Công ty Tích Tắc vẫn liên tục kéo đông người đến nhà bà Thông để “ép” mỗi tháng phải trả nợ 100 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, những nhân viên của Công ty Tích Tắc vẫn dùng các “chiêu trò” giống như đã làm đối với Phòng khám đa khoa Tâm Đức, đó là gửi thông báo xử lý nợ đến Công an xã Tiến Hưng, và đến bà Thông... “Một trong cách thức để tiến hành đòi nợ được Công ty Tích Tắc áp dụng đó là ra một thông báo xử lý nợ đến Công an phường sở tại, kèm theo các văn bản giấy tờ liên quan đến việc mua bán nợ.Căn cứ pháp lý mà Công ty Tích Tắc viện dẫn để gửi Thông báo xử lý nợ đến cơ quan Công an, và “con nợ” đó là Nghị định số 69/2016/NĐ - CP của Chính phủ ngày 1/7/2016 và Giấy chứng nhận Doanh nghiệp số: 0314093453 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp ngày 3/11/2016.
.jpg)
Thông báo về việc bắt đầu triển khai xử lí nợ của Công ty Tích Tắc gửi Công an xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Việc Công ty Tích Tắc gửi thông báo xử lý nợ đến Công an phường sở tại nhằm mục đích thông báo việc đòi nợ là đúng luật, đồng thời cũng là để “răn đe” nạn nhân.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Tích Tắc thì ngành nghề kinh doanh chính của Công ty này là hoạt động dịch vụ tài chính chưa được phân bổ vào đâu (mã ngành 6499) và hoạt động hỗ trợ tài chính chưa được phân bổ vào đâu (mã ngành 6619).
Điều này có nghĩa là Công ty Tích Tắc chỉ có chức năng mua bán nợ theo Nghị Định số 69/2016/NĐ – CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
Khi thực hiện các vụ đòi nợ trên, Công ty Tích Tắc không “trình” Giấy phép hoạt động dịch vụ thu hồi nợ quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy đinh điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, Nghị định này quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ, gồm: Các hoạt động dịch vụ đòi nợ tiền, tài sản hợp pháp cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân theo hợp đồng ủy quyền.
Phải chăng cả hai Nghị định này (Nghị định số 69/2016/NĐ – CP và Nghị định số 96/2016/NĐ – CP ) cùng ban hành một ngày và số hiệu tương tự dễ gây nhầm lẫn, dẫn đến Công ty Tích Tắc, lợi dụng để “qua mặt” Công an phường sở tại?
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nôi cho biết: Nếu Công ty Tích Tắc “ép” bà Ngô Thị Thông nhận nợ số tiền 34,5 tỷ đồng mà bà Thông không đồng ý thì theo các quy định của Bộ luật Dân sự, giấy vay nợ này là vô hiệu. Đồng thời có dấu hiệu của tội ‘Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Vậy tại sao hành vi “ép” bà Ngô Thị Thông viết giấy vay nợ 34,5 tỷ đồng có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản”? Và tại sao các nhân viên của Công ty Tích Tắc lại có thể ngang nhiên “lộng hành” như vậy?
Báo Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin trong kỳ tiếp theo.
Hải Long – Trúc Linh