Vì sao trong “vụ án Việt Á”, 2 nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế không bị xử lí hình sự?
Pháp luật - Bạn đọc 26/08/2023 09:54
Theo kết luận điều tra “vụ án Việt Á”, Cơ quan CSĐT xác định, ông Nguyễn Trường Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế biết test xét nghiệm là sản phẩm thuộc Đề tài nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ giao Học viện Quân y chủ trì, là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước; các hồ sơ, tài liệu do Công ty Việt Á cung cấp không đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, do tham mưu của ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế, ông Sơn vẫn kí quyết định cấp số đăng kí lưu hành tạm thời test xét nghiệm cho Công ty Việt Á. Theo tham mưu của ông Tuấn, ông Sơn đã kí quyết định cấp số đăng kí lưu hành chính thức test xét nghiệm cho doanh nghiệp. Từ đó, Công ty Việt Á đã sản xuất, kinh doanh, thu lợi trái phép, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Hành vi của ông Sơn có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT cũng xác định, việc ông Sơn kí các quyết định trên không phải là nhiệm vụ thường xuyên. Ông Sơn cũng không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Việt Á; không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi. Ngoài ra, ông Sơn cũng đã bị kỉ luật về mặt Đảng và chính quyền. Do vậy, Cơ quan điều tra căn cứ các quy định pháp luật và Nghị quyết số: 03/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, miễn trách nhiệm hình sự cho ông Sơn, không khởi tố điều tra, không đề nghị truy tố.
Dưới góc độ pháp lí, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Chính sách xét xử hình sự đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ hiện nay phù hợp với chính sách chung về đấu tranh phòng chống tội phạm, tuy nhiên cũng có những nét đặc trưng. Theo đó, việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực sẽ quyết liệt, quyết tâm, không ngừng nghỉ. Kết quả giải quyết các vụ án hình sự đối với tội phạm về tham nhũng và chức vụ kết hợp hài hòa hai yếu tố là khoan hồng và nghiêm trị, hướng đến mục tiêu thu hồi tài sản do phạm tội mà có, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Đối với người phạm tội chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, chỉ đạo, thúc đẩy người khác phạm tội, thu lợi bất chính... sẽ xử lí nghiêm minh. Còn đối với người phạm tội lần đầu, vai trò thứ yếu, giúp sức, không hưởng lợi, thành khẩn khai báo sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Về trường hợp ông Nguyễn Trường Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, theo nội dung kết luận điều tra, ông Sơn có hành vi làm trái công vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra xác định ông Sơn không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, nên hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không đủ căn cứ để xử lí hình sự ông Sơn theo Điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS).
“Pháp luật cũng quy định một số trường hợp thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng có thể không bị xử lí hình sự, khi hành vi nguy hiểm không đáng kể (những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lí bằng các biện pháp khác” theo Khoản 2, Điều 8 BLHS) hoặc thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự quy định tại Chương VI BLHS”- luật sư Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 29 BLHS, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi vi phạm pháp luật nhưng không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm cũng không bị xử lí hình sự. Đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hành vi thoả mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm gồm: Chủ thể là người có chức vụ quyền hạn; mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý với động cơ, mục đích vì vụ lợi; hành vi khách quan là làm trái công vụ và hậu quả là gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước từ 10 triệu đồng trở lên. Nếu thiếu một trong các yếu tố nêu trên, hành vi vi phạm pháp luật không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm và đương nhiên sẽ không bị xử lí hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Từ đó có thể thấy, theo nội dung kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT không xử lí hình sự đối với ông Nguyễn Trường Sơn là có căn cứ.
“Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm, nếu không chứng minh được ông Nguyễn Trường Sơn đã thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì việc không xử lí hình sự đối với ông Sơn trong vụ án là phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội, phù hợp với quy định về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự”- luật sư Cường lí giải.
Tương tự với trường hợp của ông Nguyễn Trường Sơn, theo nội dung kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT, ông Trương Quốc Cường là người phụ trách điều hành, chỉ đạo đơn vị đầu mối cấp số đăng kí sinh phẩm chẩn đoán của Bộ. Tuy nhiên, Bộ Y tế lại phân công ông Sơn kí quyết định cấp số đăng kí lưu hành kit xét nghiệm của Việt Á.
Ông Cường bị đánh giá là có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra, chỉ đạo kết luận kiểm tra giá hiệp thương, sau đó dẫn đến việc Công ty Việt Á nâng giá kit xét nghiệm. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT xác định ông Cường không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho ông Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á, không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Theo kết luận, sai phạm trong việc kiểm tra, đánh giá trách nhiệm chính thuộc về nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thành Long. Việc không có kết quả kiểm tra giá hiệp thương là chủ đích của ông Long và lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Tài chính, do đó, Cơ quan CSĐT không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Cường.
“Qua đó có thể thấy, Cơ quan CSĐT đã vận dụng triệt để các nguyên tắc của pháp luật, chính sách xét xử hình sự đối với nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ. Việc xem xét xử lí thể hiện sự nhân văn, nhân đạo, có sự phân hóa, phân loại rõ ràng đối với hành vi, vai trò của từng người, từng vị trí công tác. Với những hành vi tuy có sai phạm, có vi phạm nhưng chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì tuân thủ triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội, không đề cập xử lí hình sự là cần thiết, đúng pháp luật. Đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm nhưng thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hoặc trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự thì căn cứ vào quy định của BLHS, Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để không xử lí hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật”- luật sư Cường nhận định.