Về Cù lao Giêng “chơi” sinh thái
Văn hóa - Thể thao 05/12/2019 10:35
Cù lao nằm giữa sông Tiền được phù sa bồi đắp cho vườn cây trái phát triển quanh năm. Đặc biệt, trên địa bàn có nhiều cơ sở thờ tự của Thiên Chúa giáo và Phật giáo, tín ngưỡng tôn giáo mang đậm nét cổ kính đặc trưng văn hóa lịch sử một vùng đất.
Niềm tự hào lớn nhất của người dân cù lao Giêng là nhà thờ Cù Lao Giêng, thuộc xã Tấn Mỹ được xây dựng vào năm 1879 là công trình kiến trúc kiểu Pháp lâu đời nhất ở An Giang. Gần đó là Tu viện dòng nữ Providence, thành lập năm 1874. Ngoài ra, còn có nhà thờ cổ của dòng tu Phan-xi-cô; đền tưởng niệm thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng.
Cách không xa nhà thờ Cù lao Giêng, những căn nhà xưa được xây dựng từ những năm đầu của thế kỉ trước, mang lối kiến trúc nhà rường gỗ ba gian hai chái, tường gạch bao tứ diện. Sân nhà là những chậu kiểng cổ… tất cả đều được bảo tồn nguyên vẹn.
Cù lao Giêng cũng là nơi có nhiều ngôi đình, chùa Phật giáo cổ kính như chùa Bà Lê (Phước Hội Tự), cũng là di tích lịch sử cách mạng được công nhận cấp quốc gia; Thành Hoa Tự (chùa Đạo Nằm) ở xã Tấn Mỹ; chùa Phước Minh (chùa Bà Vú) ở xã Bình Phước Xuân; chùa Phước Thành… với đường nét tinh xảo, khéo léo.
Nhà thờ cù lao Giêng ở xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới |
Cù lao Giêng có đình Tấn Mỹ tọa lạc tại xã Tấn Mỹ, được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Bên cạnh những kiến trúc cổ xưa từ thời Pháp thuộc, những ngôi chùa ở cù lao Giêng lại là nơi khách thập phương tìm đến vãn cảnh, cúng viếng đông đúc mỗi ngày.
Nổi nhất là chùa ông Đạo Nằm (Thành Hoa tự) với lối kiến trúc sinh động, trên tường được chạm nổi những hoa văn mang nhiều hình ảnh đặc trưng mô phỏng cảnh yên bình thoát tục được khắc họa bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vùng Chợ Thủ. Chùa ông Đạo Nằm, được xây dựng vào năm 1953 do sư tổ hòa thượng pháp danh Tịnh Nghiêm, quê ở Đồng Tháp về đây trụ trì. Là một tu sĩ Phật giáo không sáng tác kinh kệ riêng, cũng không đưa ra một phương thức tu tập mới, nhưng hành trang và cuộc đời của ông Đạo Nằm lại gắn với nhiều huyền thoại khá li kì từ cung cách sinh hoạt đến dáng đi, giọng nói đều biểu hiện một cốt cách phi phàm và có rất nhiều câu chuyện mang tính tâm linh, huyền bí. Trong suốt 9 năm khổ luyện ông nằm quay mặt vào vách theo tư thế của Đức Phật Thích Ca được gọi là “cứu niên diện bích”, hay “ngọa thiền”. Có lẽ đây là điều “kì lạ” để cho mọi người từ các nơi về hành hương chiêm bái. Từ tháng Giêng đến tháng Tư (âm lịch) hằng năm, chùa đón khách thập phương kéo về cúng bái rất đông. Cao điểm nhất là Rằm tháng Hai (âm lịch) đám giỗ ông Đạo Nằm, mỗi ngày có trên 3 nghìn lượt khách đến viếng.
Ngoài ra, tại chùa ông Đạo Nằm còn trưng bày một số đặc sản và ngành nghề nổi tiếng của địa phương như làng nghề chằm nón lá Hội An và Hòa Bình, đan đát Long Giang, nghề mộc Chợ Thủ… được nhiều du khách thích thú chiêm ngưỡng.
Cũng trong không gian xanh mướt ở cù lao Giêng, còn có chùa Phước Minh, dân trong vùng hay gọi chùa Bà Vú. Ngôi chùa nổi bật giữa một màu xanh cây trái là ngọn “tháp cửu trùng” (chín tầng) và chiếc “cổng tam quan”. Đây là hai công trình nổi bật, độc đáo khiến du khách ngẩn ngơ.
Hai di tích này có kiến trúc mang dấu ấn truyền thống, giống như kiến trúc đình, chùa với mái hình thuyền, lợp ngói âm dương, đầu hồi hình đầu rồng, trên nóc có lưỡng long tranh châu, tường gạch… Tuy nhiên, sức hút của ngôi chùa không phải ở kiến trúc độc đáo mà là những câu chuyện huyền thoại liên quan đến “Bà Vú”. Theo người dân trong vùng cho biết, nhờ có tài chữa bệnh độc đáo nên người dân tôn bà làm “Phật mẫu” nhưng bà không đồng ý, chỉ cho phép gọi là “Mẹ Vú” hay “Bà Vú”. Từ đó, người ta cũng quen gọi chùa Phước Minh là chùa Bà Vú cho đến nay. Ngoài việc chữa bệnh cho người dân, Bà Vú còn có một khả năng khác là nhận nuôi trẻ con để chúng luôn được khỏe mạnh. Những huyền thoại xoay quanh cuộc đời bà vẫn luôn là nét đẹp tâm linh sống mãi trong lòng người dân và du khách thập phương. Hằng năm, vào ngày 23/3 âm lịch, người dân khắp các tỉnh, thành về tham dự lễ vía Bà Vú khá đông.
Cù lao Giêng còn được mệnh danh là “hòn ngọc xanh” về du lịch sinh thái, du lịch nông dân, bởi được bao phủ dày đặc bởi những vườn cây ăn trái được hình thành hơn 40 năm nay.
Du khách đến đây sẽ được thăm các vườn sinh thái, cắm trại dã ngoại, ăn những món ăn truyền thống vùng cù lao hoặc từ những sản phẩm khách tự câu, tự bắt, tự phục vụ. Du khách còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian, tham gia “một ngày làm nông dân”; nghe đờn ca tài tử.
Cù lao Giêng đang phát triển kinh tế đa ngành: Nông nghiệp, chăn nuôi, mua bán, thủ công; nổi bật là nghề đan giỏ ni lông, đóng ghe xuồng, làm tranh kiếng… Làng nghề tiểu thủ công nghiệp nơi đây đã được UBND tỉnh An Giang công nhận từ năm 2004. Nhà văn Sơn Nam nhận định: “Cù lao Giêng là một Đồng bằng sông Cửu Long thu nhỏ, đại diện cho văn minh sông nước miệt vườn”; còn nhà văn Nguyên Hùng gọi cù lao Giêng là “Đệ nhất cù lao”.