Tránh bệnh “cả tin” ở người già
Đời sống 29/08/2022 15:51
Người cao tuổi hay mắc bệnh “cả tin” nên thường bị mất tiền. Ví dụ mua hàng hóa đa cấp. Mới đầu bị “dụ” đi du lịch (giá 0 đồng, bao ăn 1-2 bữa), nghe thấy “sướng”; nhưng đến nơi, bị bọn bán hàng đa cấp giở trò bán hàng ép với nhiều chiêu trò, thủ đoạn. Cuối cùng vẫn “dính bẫy” mua hàng “rởm”, đó là các hàng gia dụng, thuốc thang, v. v... Nói là mua 1 tặng 1, nhưng giá lại “trên trời”. Khi về dùng mới tá hỏa, hối thì đã quá muộn.
Nhiều người cao tuổi bị lừa mua hàng hóa, sản phẩm không rõ nguồn gốc với giá cao |
Khi tuổi càng cao, thì bệnh tình có nguy cơ tái phát hoặc xuất hiện các loại bệnh mới ở tuổi già. Đây là điều bình thường, cần có thái độ bình tĩnh để chữa trị. Có những bệnh không thể chữa khỏi, thì phải biết sống chung với nó. Có không ít người già sợ chết, khi nói bị mắc bệnh là “thần hồn nát thần tính”, sợ mất ăn, mất ngủ, lúc nào cũng bị ám ảnh, lo âu. Có bệnh thì “vái tứ phương”, thuốc gì ai bảo cũng mua, ai khuyên cũng uống, ai tư vấn cũng nghe, trở thành “đẽo cày giữa đường”. Cuối cùng là bệnh nhẹ hóa nặng, không có bệnh rồi trở thành người có bệnh, v. v... Và tinh thần luôn ở trạng thái bất an, hay suy diễn, lúc nào cũng sợ “biến chứng” của bệnh gây ra, khiến sức khỏe suy giảm. Đây là bệnh tư tưởng do tự mình gây ra. Nếu không tự trấn an và con cháu (có hiểu biết) giúp sức thì sẽ đi vào bế tắc...
Có không ít người cao tuổi mắc bệnh “cổ hủ”. Những điều nói đúng, nói phải thì không nghe, nhưng lại nghe những lời ở đâu đâu, nhất là những người thiếu kiến thức về chuyên môn y tế. Ví dụ như: Nằm giường đá, đeo vòng đá chữa tăng huyết áp. Uống lá vối, lá sen, lá xoài, v. v... chữa tiểu đường, mỡ máu. Không phải uống ít, uống mỗi loại hàng bao tải tạ, uống nhiều tháng trời, uống quá nhiều nên ngộ độc. Thế là tự mình rước bệnh vào người. Cần biết rằng: Thuốc bổ uống mãi vào người rồi nó cũng trở thành thuốc độc, do vậy cần tỉnh táo về vấn đề này...
Có những người được tư vấn rằng: Ông (bà) mỗi bữa chỉ ăn lưng bát cơm và chủ yếu ăn thật nhiều rau để chống bệnh tiểu đường. Trong khi cơ thể người ta cần ăn đủ mỗi bữa phải từ 2-3 bát cơm, còn ăn kèm theo các thứ khác mới đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Vì nhiều người vẫn phải lao động. Vì “cả tin” sợ tiểu đường, thế là cơm cũng không dám ăn đủ, các đồ ăn có chứa tinh bột là sợ các chất đường, kể cả từ hoa quả tươi ngon cũng sợ, kiêng quá, thế là cơ thể thiếu chất, gầy yếu, suy dinh dưỡng. Từ đây, các bệnh về tiêu hóa bị ảnh hưởng, teo dạ dày ruột và các bệnh lí về suy dinh dưỡng; các bệnh về máu (thiếu máu) và suy tim mạch phát triển. Nhiều người “ra đi” vì chứng bệnh “suy dinh dưỡng” này...
Để khắc phục tình trạng trên, người cao tuổi nên đầu tư thời gian tìm hiểu nhiều lĩnh vực về y tế, nhất là các tài liệu về chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy. Tự mình làm bác sĩ cho mình. Ăn uống phải đủ chất cho cơ thể hoạt động. Không ăn quá nhiều, uống quá nhiều để tồn đọng các chất dư thừa trong cơ thể. Cẩn thận với tiền bạc, không “ki bo” với con cháu (nếu dư tiền bạc), nhưng cũng đừng “ném tiền qua cửa sổ” để đến lúc cần tiền thì trắng tay v. v...
Tuổi già rất cần chỗ ở, chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh, xem ra các vùng nông thôn là hợp với người cao tuổi, vì nó yên tĩnh, ít bụi bặm, ít hoặc không bị ô nhiễm tiếng ồn. Là nơi nuôi con gà, con vịt, chăm sóc chó mèo, trồng rau, hoa, cây cảnh v. v... cũng là thú vui làm thư giãn, tĩnh tâm ở tuổi già, giúp cho cuộc sống an viên, đẩy lùi bệnh tật, kéo dài thêm tuổi thọ...