Trang đời và trang viết của nhà văn Trịnh Văn Túc
Văn hóa - Thể thao 08/08/2024 14:09
Hội nghị được tổ chức trang trọng, ấm cúng với những tham luận thẳng thắn, chân tình và đầy nghiệp vụ về những tác phẩm của nhà văn Trịnh Văn Túc. Trong 40 năm cầm bút, nhà văn Trịnh Văn Túc đã cho ra đời khối tài sản văn học khá dày dặn, với 18 đầu sách gồm: Truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ…
Nhà văn Trịnh Văn Túc sinh năm 1950, tuổi Canh Dần, tại thôn Đồng Dâu, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Ông là con người đặc biệt, đặc biệt ở chỗ ông đến với văn chương bằng cách âm thầm học hỏi, không qua bất cứ trường lớp nào đào tạo về nghiệp vụ. Quê ông rất nghèo, nên ông học hết phổ thông thì không học tiếp lên được, phải ở nhà làm nông, chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc sống qua ngày.
Nhà văn Trịnh Văn Túc (người ôm hoa) nhận những bó hoa tươi thắm do các bạn văn tặng. |
Phận nghèo đeo đuổi, năm 1975 ông ra Hà Nội xin vào làm phụ hồ cho một công trường xây dựng. Công việc vô cùng vất vả, ban ngày trộn vữa, gánh vữa, bê gạch, xếp gạch… đêm về mắc màn ngủ ngay trong công trường. Cuộc mưu sinh vất vả, nặng nhọc như vậy, nhưng ông còn được chứng kiến bao mảnh đời yếu thế, nhọc nhằn, bươn chải mưu sinh. Vì thế, trong ông bỗng cháy bỏng nỗi khát khao phải viết cái gì đấy về những mảnh đời, về những số phận. Nhưng viết như thế nào? Ông hoàn toàn không biết, vì ông có được đào tạo chuyên ngành viết lách ngày nào đâu! Thế nhưng nỗi khát khao viết vẫn luôn thôi thúc ông.
Ông Túc mua giấy, mua bút về, ban ngày làm phụ hồ, đêm về chong đèn viết, viết bất cứ cái gì ông nhìn thấy và ông nghĩ, rồi lại vo tròn những trang viết ném vào thùng rác. Tình cờ có ông bảo vệ nhìn thấy báo cáo với Ban chỉ huy công trường rằng, khả năng ông Túc là gián điệp, đêm nào cũng viết tin tức gửi cho CIA. Ban chỉ huy công trường phải lập nhóm “chuyên án” để theo dõi, điều tra nhân thân của Trịnh Văn Túc. Thậm chí họ cử cả cán bộ về quê xác minh họ hàng hai bên nội ngoại. Điều tra miết không có kết quả gì, họ mới đem những bản thảo ông ném vào thùng rác ra xem và đi đến kết luận “Công nhân Trịnh Văn Túc có dấu hiệu thần kinh phân liệt nhẹ!”. Vậy là ông Trịnh Văn Túc tha hồ viết, viết rồi lại vứt đi, cứ như vậy trong thời gian dài.
Đến năm 1988, ông Túc rời bỏ công việc phụ hồ ở công trường, chuyển về làm bảo vệ tại Trường cấp III Chúc Động, huyện Chương Mỹ. Công việc mới này giúp ông có nhiều thời gian nghĩ suy, viết ra những điều mình thích. Có bao chuyện mới lạ diễn ra ngay bên cổng trường, thôi thúc Trịnh Văn Túc quyết tâm viết, ban ngày ông quan sát, phán đoán, phân tích các hiện tượng xã hội, đêm về lại chong đèn ngồi viết, viết miệt mài, viết cặm cụi. Ông mua sách về đọc, rồi chiêm nghiệm, rút ra bài học cho riêng mình…
Một tiết mục văn nghệ chào mừng Hội nghị. |
Truyện ngắn đầu tay của Trịnh Văn Túc được đăng trên Tạp chí Tản Viên Sơn vào năm 1989. Đó là truyện ngắn mang tựa đề “Kỉ niệm về một con vật”. Tác phẩm kể về câu chuyện một con chó trung thành với chủ nhân của nó, là một người làm bảo vệ cho trụ sở UBND xã. Câu chuyện rất cảm động, ông bảo vệ có một con chó, mà ông đi đâu nó cũng đi theo như hình với bóng. Vì thế ông bảo vệ rơi vào tình huống rất khó khăn: Lãnh đạo tuyên bố nếu ông muốn ở lại làm việc thì phải bán, hoặc giết con chó đi. Nếu không ông sẽ bị sa thải. Tình huống buộc ông bảo vệ phải đem con chó cho đi ở một nơi rất xa. Thế nhưng sau bảy ngày bỗng dưng con chó quay trở về, tìm lại với chủ. Ông bảo vệ chọn phương án nghỉ việc, để về sống với con vật nghĩa tình… Khỏi phải nói ông Túc mừng đến cỡ nào. Ông cho biết, mấy đêm liền ông không ngủ được.
Từ đó, nhà văn Trịnh Văn Túc miệt mài sáng tác, trong vòng 40 năm ông cho ra đời 18 đầu sách, trong đó 16 tập văn xuôi gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và 2 tập thơ. Tại Hội nghị giới thiệu tác phẩm của nhà văn Trịnh Văn Túc, các tham luận đều đi sâu phân tích những cái được trong các tác phẩm của ông. Nhà thơ Phạm Minh Tân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây nhấn mạnh, nhà văn Trịnh Văn Túc là hiện tượng đặc biệt, khi không được đào tạo qua trường lớp nào về nghiệp vụ, nhưng với niềm đam mê cháy bỏng, với chút năng khiếu trời cho, ông đã không ngừng học hỏi, rèn luyện và cần mẫn dấn thân trên con đường sáng tác văn chương nhọc nhằn, mà không làm ra kinh tế.
Nhà văn Lê Tự, Chi hội phó Thường trực Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây ví nhà văn Trịnh Văn Túc như con ong chăm chỉ, chịu thương, chịu khó bay đi mỗi ngày cặm cụi hút mật cho đời. Trong bài tham luận của mình, nhà văn Lê Tự cho biết: “Đề tài tác phẩm của nhà văn Trịnh Văn Túc chủ yếu tập trung vào những câu chuyện diễn ra trong đời thường ngoài xã hội, trong gia đình, trải dài theo thời gian lịch sử suốt từ những năm giữa thế kỉ XX cho tới tận bây giờ. Nhân vật văn học hầu hết được mô phỏng, hư cấu từ những người thật mà ông quen biết, thậm chí là hình ảnh những người thân của chính ông. Cuốn tiểu thuyết “Người con gái làng Đoan Chính”, được ông hư cấu từ một câu chuyện có thật tại một trường học. Thủ pháp sáng tác này không mới, nhưng để tránh rắc rối và hiểu lầm, lại cần tới kĩ năng hóa giải hình ảnh, điển hình hóa chân dung một cách hoàn thiện. Nhà văn Trịnh Văn Túc cơ bản đã làm được chuyện này, đó là một thành công. Nhân vật chính trong tác phẩm của ông thường là những người ở tầng đáy xã hội, chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí oan khiên. Ngòi bút của nhà văn Trịnh Văn Túc không nương tay với phe phản diện, nhưng bao dung với người chân chính, cứu vớt họ cả về tâm hồn lẫn ước mơ...”. Nhà thơ Quốc Toản, Chi hội phó Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây cảm kích: “Nhà văn Trịnh Văn Túc, người đêm đêm cày ải trên cánh đồng trắng đầy nhọc nhằn, âm thầm và lặng lẽ ở một vùng quê chiêm trũng. Tôi chắc chắn rằng, anh đang viết, sẽ còn viết nhiều về vùng quê yêu dấu này”…
Ngoài những cái được, các tham luận cũng chỉ ra khá nhiều lỗi trong các tác phẩm của nhà văn Trịnh Văn Túc.
Hội nghị được sự quan tâm, đến dự của nhà văn Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội. Phía địa phương có các ông: Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy; Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Tốt Động; bà Nguyễn Thị Hồng, Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tốt Động. Hội nghị diễn ra thành công, là động lực để nhà văn Trịnh Văn Túc tiếp tục sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm có chất lượng.