Trách nhiệm pháp lí đối với kẻ bắt cóc bé trai tống tiền 15 tỉ
Pháp luật - Bạn đọc 22/08/2023 08:57
Hình ảnh bé trai bị bắt cóc |
Qua diễn biến hành vi cho thấy, đối tượng đã có sự theo dõi cháu bé và gia đình từ trước và lên kế hoạch bắt cóc nhằm yêu cầu gia đình phải giao số tiền lớn để chuộc nạn nhân. Hành vi này xâm phạm một lúc hai khách thể được pháp luật bảo vệ là tính mạng, sức khỏe và tài sản của nạn nhân, gia đình nạn nhân.
Hiện Cơ quan điều tra đã bắt giữ đối tượng, sẽ đấu tranh lấy lời khai của đối tượng nhằm làm rõ nhận thức, động cơ mục đích phạm tội; xem xét vụ án này còn có đồng phạm khác giúp sức hay không để tiến hành truy bắt. Ngoài ra, Cơ quan điều tra sẽ truy xét về nguồn gốc khẩu súng đối tượng mua ở đâu, mua của ai, là loại súng gì? Có phải vũ khí quân dụng hay tính năng tương tự như vũ khí quân dụng hay không? Xác định thương tích của đồng chí cảnh sát, thu thập vật chứng, thu thập dữ liệu camera và lấy lời khai của những người liên quan nhằm củng cố hồ sơ xử lí đối tượng theo quy định pháp luật. Trong vụ án này, đối tượng có thể sẽ phải đối mặt với nhiều tội danh khác nhau theo quy định pháp luật.
Đối với hành vi bắt cóc cháu bé để đòi tiền chuộc, đây là hành vi có dấu hiệu của tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Pháp luật quy định tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” là hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội phạm đồng thời xâm phạm hai khách thể trực tiếp đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Cụ thể là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác; xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, quyền tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm của công dân. Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Nghi phạm Nguyễn Đức Trung khi bị lực lượng công an bắt giữ. |
Khi thực hiện hành vi bắt cóc, đối tượng gây áp lực đòi người bị hại giao tài sản để đổi lấy người bị bắt cóc làm con tin thì người phạm tội thực hiện việc gây sức ép về mặt tinh thần đối với người bị hại bằng việc đe doạ gây tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ của con tin nhằm buộc người bị hại phải giao một số tài sản để đổi lấy sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ, kể cả nhân phẩm, tự do của người bị bắt cóc. Trường hợp này đối tượng sẽ phải đối diện với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 52 BLHS do phạm tội với người dưới 16 tuổi.
Số tiền chuộc đối tượng yêu cầu gia đình đưa là 15 tỉ đồng, nếu cơ quan tố tụng xem xét đây là tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 169 BLHS thì khung hình phạt đối tượng sẽ phải đối mặt là từ 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, việc nổ súng về phía cảnh sát là hành vi rất nguy hiểm, nếu làm rõ nhận thức của đối tượng là nổ súng với mục đích giết người, nhưng may mắn đồng chí cảnh sát chỉ bị thương, đối tượng có thể còn phải đối mặt với Tội giết người (trường hợp phạm tội chưa đạt) theo Điều 123 BLHS năm 2015. Trường hợp xác định được việc nổ súng chỉ là nổ súng với mục đích để tẩu thoát không có mục đích giết người thì việc gây thương tích có thể được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Còn hành vi sử dụng súng, nếu khẩu súng đối tượng dùng để chống trả lại cảnh sát là súng quân dụng hoặc tính năng tương tự, thì đối tượng rất có thể sẽ bị xử lí thêm về tội “Sử dụng vũ khí quân dụng” được quy định tại Điều 304 BLHS năm 2015.
Nếu bị điều tra, truy tố và xét xử nhiều tội danh thì tổng hợp hình phạt đối tượng sẽ phải đối mặt là rất nghiêm khắc.
Điều 169 BLHS Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản 1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; d) Đối với người dưới 16 tuổi; đ) Đối với 2 người trở lên; e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; i) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Làm chết người; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. 5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |