TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận: Quy kết dân lấn chiếm đất để không bồi thường; vừa không tôn trọng sự thật, vừa trái pháp luật (Kì 2)
Pháp luật - Bạn đọc 16/09/2018 14:18
(Tiếp theo kì trước)
Bỗng dưng năm 2013 - 2014, gia đình bà Bảy và ông Thành nhận được các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Bà Bảy, ông Thành cùng làm đơn khiếu nại các quyết định này gửi Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, cho rằng đất gia đình đang sử dụng hợp pháp, nếu Nhà nước thu hồi đất, phải ra quyết định thu hồi và bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nhưng, trong khi Chủ tịch UBND TP Phan Thiết chưa ra quyết định giải quyết khiếu nại, thì ngày 16/6/2014, ông Đặng Thanh Tấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phan Thiết, kiêm Trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế 860 kí các thông báo về thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất tại khu phố 5, phường Phú Hài, gửi bà Bảy và ông Thành, yêu cầu 8 giờ 30 phút ngày 25/6/2014 phải có mặt tại địa điểm khu đất cưỡng chế, để chứng kiến và kí vào biên bản cưỡng chế thu hồi, cắm mốc giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận. Đến đây, các hộ dân mới biết, đất của họ bị thu hồi để thực hiện Dự án quy hoạch quỹ đất 2 bên đường 706B.
Trong các quyết định giải quyết khiếu nại của bà Bảy và ông Thành, do Chủ tịch UBND TP Phan Thiết kí ban hành, đều cho rằng diện tích đất này là của Ban Quản lí rừng phòng hộ Phan Thiết (nay là Ban Quản lí rừng phòng hộ Hồng Phú), gia đình bà Bảy lấn chiếm năm 2010. Quyết định số 373/QĐ-UBND ngày 27/6/2014 của Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, giải quyết khiếu nại của ông Trần Văn Thành; Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Bảy đều cho rằng, năm 2006 UBND, tỉnh Bình Thuận ra Quyết định số 1566/QĐ-UBND ngày 16/6/2006, thu hồi và giao đất cho Quỹ đầu tư hạ tầng và Phát triển quỹ đất Bình Thuận (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất). Tại Quyết định này, UBND tỉnh giao UBND TP Phan Thiết xác định tính pháp lí về việc sử dụng đất, để ban hành quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân và thực hiện giải tỏa, đền bù theo đúng quy định.
Thế nhưng, UBND TP Phan Thiết không thực hiện đúng quy định như chỉ đạo của UBND tỉnh, mà ngày 4/12/2012, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp kí ban hành 2 quyết định số 974/QĐ-UBND, số 973/QĐ-UBND, về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, đối với bà Nguyễn Thị Bảy và ông Trần Văn Thành, cho rằng do có hành vi: “Dựng hàng rào, trồng cây tạp, đào, dưa hấu, keo lá tràm trên đất lấn chiếm do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lí… Việc Chủ tịch UBND TP Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp kí ban hành 2 quyết định này, vô hình trung phát lộ một số vấn đề mâu thuẫn, trong đó mâu thuẫn nhất là vai trò, tính pháp lí về quản lí của Trung tâm Phát triển quỹ đất, vì cho rằng đã được UBND tỉnh giao đất theo Quyết định số 1566/QĐ-UBND ngày 16/6/2006, vậy tại sao tháng 8/2012 vẫn phải làm thủ tục mượn đất của ông Thành để tổ chức Lễ hội khinh khí cầu!? Nhưng, thực chất điều mâu thuẫn này không khó hiểu, bởi việc giao đất mới chỉ trên giấy, trong khi đất chưa hề bị thu hồi, gia đình ông Thành (cũng như bà Bảy) vẫn đang sử dụng đất, phù hợp với quy định của Luật Đất đai: “Việc giao đất đang có người sử dụng cho người khác, chỉ được thực hiện sau khi thu hồi đất đó”.
Hai quyết định: số 974/QĐ-UBND và số 973/QĐ-UBND đều căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số 41 và 42/BB-VPHC, do Tổ Quản lí trật tự phường Phú Hài lập hồi 8 giờ 30 và 8 giờ 40 phút ngày 27/11/2012 tại UBND phường Phú Hài, nhưng lí do không áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính lại là “đã hết thời hiệu xử phạt”. Đây là sự áp dụng pháp luật "tùy tiện" của Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, do thời hiệu xử phạt phải căn cứ Biên bản vi phạm hành chính và như vậy, không thể nói là hết thời hiệu do ngày 27/11/2012 lập biên bản, thì ngày 4/12/2012 Chủ tịch UBND TP Phan Thiết kí 2 quyết định: số 974/QĐ-UBND và số 973/QĐ-UBND. Vậy, việc xác định hết thời hiệu trong trường hợp này, chính là xem xét hành vi xảy ra trước đó ít nhất 2 năm, theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP. Khoản 1, Điều 55 Pháp lệnh Xử lí vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10, sửa đổi bổ sung tại Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 2/4/2008 quy định: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lí của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản…”. Điều này có nghĩa, việc lập biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra vi phạm và đúng thời điểm vi phạm. Và như vậy, hành vi lập biên bản vi phạm hành chính tại UBND phường Phú Hài của Tổ Quản lí trật tự phường vào ngày 27/12/2102, là có dấu hiệu trái pháp luật.
Hai quyết định cưỡng chế… ban hành trái pháp luật
Dựa vào 2 quyết định trái pháp luật nêu trên, ngày 29/4/2014, ông Đỗ Ngọc Điệp, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết kí ban hành 2 quyết định: số 193/QĐ-CC và số 195/QĐ-CC, cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (ban hành trái pháp luật), yêu cầu bà Nguyễn Thị Bảy và ông Trần Văn Thành tháo dỡ, di dời toàn bộ tài sản, vật kiến trúc ra khỏi khu đất. Rõ ràng, hành vi của Chủ tịch UBND TP Phan Thiết có tính "móc xích", xuyên suốt, bằng chứng là căn cứ vào 2 biên bản lập trái pháp luật, dẫn đến ban hành 2 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả có dấu hiệu trái pháp luật, rồi dựa vào 2 quyết định này để ban hành 2 quyết định cưỡng chế... Và, việc cưỡng chế, giải tỏa đất còn có dấu hiệu hành vi hủy hoại tài sản.
Bà Nguyễn Thị Bảy trên khu đất của gia đình bị giải tỏa, vẫn còn dấu vết cây cối do gia đình trồng đã nhiều năm
Hoàng Kim – Trần Hoành Sơn