TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận: Quy kết dân lấn chiếm đất để không bồi thường; vừa không tôn trọng sự thật, vừa trái pháp luật
Pháp luật - Bạn đọc 16/09/2018 14:09
Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1951) và ông Trần Văn Thành, con trai bà Bảy, đều trú tại thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận: Năm 1980, gia đình bà Bảy khai hoang được diện tích trên 10ha đất, hiện thuộc địa bàn phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, để trồng dưa hấu, khoai mì (sắn), khoai lang. Gia đình bà Bảy sử dụng diện tích đất này để sản xuất ổn định từ đó đến nay, không tranh chấp với ai. Năm 1997, vợ chồng bà bảy cho con trai là ông Trần Văn Thành 61.541m2, trong tổng diện tích hơn 10ha đất vợ chồng bà khai phá được.
Trên diện tích đất được cha mẹ cho, ông Thành trồng xen canh thêm một số cây đào, keo lá tràm, bạch đàn. Khoảng năm 2003 – 2004, thấy một số địa phương thông báo làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân, bà Bảy và con trai có đến phường Phú Hài, TP Phan Thiết xin làm giấy, thì được cán bộ (ông Hoành) trả lời, hiện chưa có thông báo, khi nào có sẽ báo cho gia đình. Khoảng năm 2005, gia đình bà Bảy lại đến UBND phường Phú Hài xin làm sổ, thì cũng chính ông Hoành lại trả lời, đất gì của mấy ông bà mà làm giấy xác nhận? Tuy không làm được giấy, nhưng gia đình bà Bảy vẫn sử dụng diện tích đất này để sản xuất, không tranh chấp với ai, cũng không bị chính quyền địa phương ngăn cản.
Năm 2012, nơi đây xảy ra sự kiện Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất. UBND tỉnh Bình Thuận, trực tiếp là ông Nguyễn Thành Tâm, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh đại diện, mượn đất của các hộ dân để tổ chức. Việc mượn đất và cho mượn đất xảy ra suôn sẻ, các hộ dân được nhận tiền bồi thường hoa màu trên đất, xong lễ hội chính quyền tỉnh Bình Thuận trả lại đất cho các hộ dân, tiếp tục canh tác, trồng trọt.
Một góc khu đất của gia đình bà Nguyễn Thị Bảy
Giấy kê khai nguồn gốc đất của bà Nguyễn Thị Bảy
Theo Biên bản đo đạc, kiểm kê tài sản trên diện tích đất của hộ ông Trần Văn Thành, tại khu phố 5, phường Phú Hài, TP Phan Thiết, lập ngày 1/8/2012, gồm các loại cây: Đào (1.132 cây), keo lá tràm (22 cây), bạch đàn (312 cây), mì (sắn 500m2), đậu (500m2), dưa hấu. Ngày 24/8/2012, Cơ quan Giám định cây trồng tỉnh Bình Thuận ban hành Kết luận (không số), về tuổi cây trên diện tích đất của hộ ông Trần Văn Thành, do ông Mai Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kí, đóng dấu xác nhận, theo đó: Loài cây đào có các độ tuổi: 2 năm (trồng năm 2010), 3 năm (trồng năm 2009), 5 năm (trồng năm 2007); Cây keo lá tràm có các độ tuổi: 3 năm (trồng năm 2009), 6 năm (trồng năm 2006); Bạch đàn có tuổi cây 2 năm (trồng năm 2010).
Biên bản cuộc họp giải quyết kiến nghị của 2 hộ dân: bà Nguyễn Thị Lần và ông Trần Văn Thành ngày 27/6/2014, tại Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có nội dung: “Qua trao đổi, bàn bạc hai hộ dân: bà Nguyễn Thị Lần và ông Trần Văn Thành đồng ý nhận số tiền hỗ trợ 30 triệu đồng (hộ Nguyễn Thị Lần 13 triệu đồng, hộ Trần Văn Thành 17 triệu đồng) từ Công ty TNHH Dịch vụ chiến Thắng và cam kết không khiếu kiện việc thiệt hại cây cối, hoa màu trên đất của 2 hộ, trong quá trình cho Công ty TNHH Dịch vụ Chiến Thắng mượn tạm để tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu…”.
Biên bản bàn giao mặt bằng tổ chức Lễ hội khinh khí cầu
Việc xác định thời điểm sử dụng đất, được quy định tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP: “Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này, hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất, trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất”.
Điều 101 Luật Đất đai năm 2013, về cấp sổ đỏ.. cũng có quy định tương tự tại Khoản 2 như sau: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, nhưng đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất… thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”.
Do đó, khi xác định nguồn gốc sử dụng đất của gia đình bà Nguyễn Thị Bảy và gia đình ông Trần Văn Thành, chính quyền TP Phan Thiết cần tôn trọng sự thật khách quan, mà các tài liệu nêu ở phần trên là căn cứ để xem xét. Không thể chỉ dựa vào thông tin một phía từ các cơ quan tham mưu, để tước đoạt quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
(Còn nữa)
Hoàng Kim – Trần Hoành Sơn