TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp: Tại sao nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật chưa được xử lí? (Bài 6)
Pháp luật - Bạn đọc 31/01/2020 08:23
(Tiếp theo)
Quyết định số 1409/QĐ-UB ngày 31/12/2004 của UBND thị xã Cao Lãnh
Không giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Văn Đơm và chỉ đạo cơ quan tố tụng không giải quyết vì hết thời hiệu
Năm 2005, ông Nguyễn Văn Đơm không nhận tiền đền bù nên UBND thị xã Cao Lãnh không trao Quyết định 1409/QĐ-UB ngày 31/12/2004 của UBND thị xã Cao Lãnh do ông Nguyễn Hữu Dũng ký về việc giải tỏa, đền bù đất đai, vật kiến trúc và tài sản trên đất.
Ngày 26/9/2013, ông Đơm có đơn yêu cầu nhận Quyết định số 1409/QĐ-UB trên. Ngày 3/10/2013, Trung tâm Phát triển quỹ đất lập Biên bản trao Quyết định số 1409/QĐ-UB cho ông Đơm. Sau đó ông Đơm nộp đơn khiếu nại quyết định này.
Ngày 14/1/2014, ông Đặng Văn Nang, Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh trả lời giải quyết đơn là hết thời hiệu giải quyết khiếu nại do năm 2005, UBND thị xã Cao Lãnh có mời ông Đơm nhận quyết định, nhưng ông không nhận và thời hiệu được tính kể từ ngày ông “biết” quyết định.
Ông Đơm khởi kiện hành chính đối với Quyết định số 1409/QĐ-UB ngày 31/12/2004 của UBND thị xã Cao Lãnh tại TAND TP Cao Lãnh. TAND TP Cao Lãnh xét xử sơ thẩm và TAND tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm đều phán y chang ý kiến của chính quyền TP Cao Lãnh và tỉnh Đồng Tháp, cho rằng đã hết thời hiệu (từ ngày ông Đơm “biết” Quyết định là ngày 4/4/2005).
Ông Đơm tiếp tục khởi kiện hành chính Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 24/3/2004 và Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 27/12/2004 của UBND tỉnh Đồng Tháp tại TAND tỉnh Đồng Tháp. Cũng như lần trước Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm ra Quyết định đình chỉ vụ án theo ý kiến ngày 17/10/2018 của UBND TP Cao Lãnh.
Xin nói rõ thêm: Theo quy định, cơ quan chức năng phải có biên bản giao bản chính quyết định hành chính cho ông Đơm. Thực tế chính quyền các cấp ở tỉnh Đồng Tháp chưa thực hiện quy định này, nên ông Đơm không thể nhận được các Biên bản giao quyết định hành chính và các quyết định hành chính: Quyết định số 1409/QĐ-UB ngày 31/12/2004 của UBND thị xã Cao Lãnh; Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 24/3/2004 và Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 27/12/2004 của UBND tỉnh Đồng Tháp.
Và đến ngày 3/10/2013, ông Đơm mới nhận được Quyết định số 1409/QĐ-UB do Trung tâm Phát triển quỹ đất lập biên bản trao. Tương tự, các Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 24/3/2004 và Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 27/12/2004 của UBND tỉnh Đồng Tháp, thì ông Đơm cũng không được nhận.
Như vậy, ông Đơm không phải là người “nhận” bản chính quyết định hành chính, chứ không phải ông Đơm “biết” để tính thời hiệu. Căn cứ Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, là người thực thi pháp luật thì phải biết quy định như thế nào được xem và áp dụng là “biết” và “nhận” quyết định hành chính. Chữ “biết” và “nhận” tất nhiên là có định nghĩa khác nhau, đọc ra tiếng cũng biết khác nhau và quy định pháp luật cũng khác nhau. UBND TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và các cấp Tòa án xét xử đã có dấu hiệu cố tình hiểu 2 khái niệm này đồng nghĩa. Như thế là thể hiện có dấu hiệu: Một số cán bộ của chính quyền làm sai, rồi đánh lận con đen cho rằng “hết thời hiệu” để công nhận hành vi sai thành đúng.
Hiện nay, ông Đơm chưa nhận quyết định thu hồi đất, không đồng ý quyết định đền bù và liên tục khiếu nại yêu cầu chính quyền trả lại đất đồng thời đền bù gần 15 năm khai thác quyền sử dụng đất.
Chính quyền không giải quyết khiếu nại cho 9 hộ là vợ và các con của ông Nguyễn Văn Quốc theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cao Lãnh ký ban hành các Quyết định số 1356/QĐ-UB ngày 13/12/2004; số 1298/QĐ-UB ngày 31/12/2004; số 1335/QĐ-UB ngày 31/12/2004 về đền bù giải tỏa cho hộ ông Nguyễn Văn Quốc. Trong khi, đất ông Quốc quản lí, đã chia cho các con và chỉ giữ lại một phần nhỏ để canh tác, nhưng các cán bộ không kiểm tra, không đo đạc nên không biết thực tế này!
Vì thế, các con của ông Quốc đã liên tục khiếu nại, tố cáo. Đến ngày 7/9/2010, chính quyền TP Cao Lãnh thu hồi các Quyết định số: 1356/QĐ-UB ngày 13/12/2004; số 1298/QĐ-UB ngày 31/12/2004;số 1335/QĐ-UB ngày 31/12/2004.
Ngày 25/3/2013, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh ban hành Quyết định thu hồi đất của vợ con của ông Quốc (9 hộ).
Ngày 14/3/2014, Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư ban hành quyết định bồi thường cho 9 hộ.
Ngày 25/8/2014, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu bác toàn bộ nội dung khiếu nại của 9 hộ yêu cầu bồi thường theo mức bồi thường của Khu dân cư khóm 5, phường 1 (khu Lia 4).
Ngày 15/9/2014, 9 hộ khiếu nại quyết định giải quyết lần đầu.
Ngày 12/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh ĐồngTháp ban hành 9 quyết định giải quyết lần 2 với nội dung giữ nguyên nội dung quyết định giải quyết lần đầu. Ngày 12/8/2019 (hơn 5 năm sau), UBND tỉnh Đồng Tháp mới ban hành quyết định giải quyết lần 2 (trong khi thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 là 45 ngày trường hợp phức tạp thì không quá 60 ngày). Và nếu UBND tỉnh Đồng Tháp giải quyết theo đúng yêu cầu khiếu nại thì 9 hộ khiếu nại cũng không đồng ý vì giá đất đã tăng rất cao.
Hiện nay, 9 hộ yêu cầu chính quyền trả lại đất đồng thời đền bù gần 15 năm khai thác quyền sử dụng đất.
Quyết định số 1356/QĐ-UB ngày 13/12/2004
Có dấu hiệu dùng thủ đoạn chiếm đoạt đất ông Nguyễn Văn Tám?
Tổng diện tích đất ông Nguyễn Văn Tám quản lý sử dụng là 798,9 m2. Theo quyết định 162/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Tháp ngày 24/3/2004, tại số thứ tự 36 trong danh sách 95 hộ bị thu hồi đất ông Tám có diện tích bị thu hồi là 417 m2 (mục đích là làm Nhà trẻ - trường Mẫu giáo, nhưng thực tế là làm Trường Tiểu học Lê Văn Tám). Quyết định giải tỏa bồi thường số 1319/QĐ-UB ngày 31/12/2004. Tuy nhiên, thực tế đất của ông Tám bị mất do xây Trường Tiểu học Lê Văn Tám là 559,6 m2. Như vậy phần diện tích 417 m2 không có quyết định thu hồi riêng lẻ. Phần diện tích đất còn lại theo quyết định thu hồi tổng thể của ông Tám là 239,3 m2 giáp vỉa hè đường Ngô Thời Nhậm và đường Lê Văn Tám. Ngày 20/10/2017, UBND TP Cao Lãnh ban hành Quyết định số 1198/QĐ-UBND bồi thường hỗ trợ bổ sung 142,6 m2. Sau khi được bồi thường bổ sung phần đất còn lại của ông Tám là 79,9 m2, nhưng một số cán bộ chính quyền cho rằng phần đất này thuộc công trình Lia 4. Kết quả là: Không bố trí nền tái định cư cho ông Tám khi thu hồi và cưỡng chế thu hồi 79,9 m2 đất thuộc công trình Lia 4.
Ông Nguyễn Văn Tám yêu cầu chính quyền trả lại 79,9 m2 trong dự án Lia 4 và nhận quyết định thu hồi 559,6 m2 đất làm Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
(Còn nữa)