TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp: Tại sao nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật chưa được xử lí? (Bài 5)
Pháp luật - Bạn đọc 30/01/2020 07:34
(Tiếp theo)
Những nhà có dấu hiệu xây cất trái phép.
Tại sao dân có đất có nhà bị giải tỏa trắng như ông Hồ Văn Bé, Võ Văn Tương, Dương Văn Mãi, Nguyễn Văn Tâm, ... không được bố trí nền tái định cư. Trong khi đó, “người nhà” của ông Hùng đã được cấp giấy chủ quyền trên 4 nền mặt tiền đường Lê Thị Riêng.
Cần thanh tra hồ sơ đất của gia đình ông Ngô Ngọc Trai!
Ông Ngô Ngọc Trai, cựu Trưởng phòng Địa chính TP Cao Lãnh và các thành viên trong gia đình (bà Nguyễn Kim Thoa, mẹ ông Trai; bà Phạm Thị Hồng Chuỗi, vợ ông Trai; bà Ngô Thị Kim Ngọc, em ông Trai; ông Võ Thanh Hùng, cháu ông Trai) được bồi thường dự án đường Ngô Thời Nhậm phường 1, TP Cao Lãnh từ 400 đến 800 mét vuông đất ở.
Căn cứ bảng thống kê kèm theo Công văn số 134/CV-PTNĐ-HCTV ngày 25/6/2007 của Trung tâm Phát triển quỹ nhà đất, thì bà Phạm Thị Hồng Chuỗi được đền bù 1.600.000.000 đồng; anh Võ Thanh Hùng được đền bù 1.600.000.000 đồng; bà Ngô Thị Kim Ngọc được đền bù 1.600.400.000 đồng; bà Nguyễn Kim Thoa được đền bù 6.385.696.000 đồng. Tính theo giá đền bù đất ở 4.000.000 đồng/m2 (căn cứ theo Nghị định 197) thì bà Phạm Thị Hồng Chuỗi được đền bù 400 m2 đất ở; ông Võ Thanh Hùng được đền bù 400 m2 đất ở; bà Ngô Thị Kim Ngọc được đền bù 400 m2 đất ở; bà Nguyễn Kim Thoa được đền bù 800 m2 đất ở. Thực tế gia đình ông Ngô Ngọc Trai có một phần nhỏ là đất ở, phần còn lại là đất lúa và cây lâu năm.
Đây là khu vực đất đang quy hoạch nhưng tại sao gia đình ông Trai được chuyển mục đích sử dụng toàn bộ từ đất lúa và cây lâu năm lên đất ở và được cấp chủ quyền sử dụng đất. Cùng thời điểm áp dụng Luật Đất đai năm 2003, nhưng tại sao nhà ông Trai được đền bù theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP. Như vậy, việc yêu cầu công khai toàn bộ trình tự xét cấp chủ quyền nhà đất của gia đình ông Ngô Ngọc Trai và thủ tục giải quyết đền bù khi thu hồi đất, là có cơ sở.
Nhận tiền bồi thường nhưng không được giao nền tái định cư?
Căn cứ phương án đền bù giải tỏa số 283/UB.XDCB ngày 26/11/2004 của Hội đồng Bổi thường giải phóng mặt bằng TX Cao Lãnh: đất ở giá 766.000 đ/m2; đất trồng cây lâu năm giá 91.000 đ/m2; đất trồng lúa 57.000 đ/m2 nhưng khi bán nền tái định cư là 932.000 đ/m2, nền mua thêm 1.366.000 đ/m2. Căn cứ văn bản số 218/UBND-LTPP ngày 11/5/2011 của UBND tỉnh Đồng Tháp: Khu dân cư khóm 3 phường 1 bố trí 129 nền tái định cư và giao thêm nền tái định cư trong Khu dân cư khóm 3, phường 1. Tuy nhiên đến nay chỉ có khoảng 10 hộ được nhận nền tái định cư trong Khu dân cư khóm 3, phường 1.
Như vậy, việc yêu cầu chính quyền ra quyết định thu hồi đất riêng lẻ cho các hộ dân đã bị mất đất và được mua nền tái định cư đúng với diện tích, vị trí và giá bồi thường giải phóng mặt bằng, đang là vấn đề đặt ra.
Liệu có bảo kê mua nền nhà, xây dựng trái phép?
Vào lúc 8 giờ ngày 28/9/2019, tại một phần đất của ông Nguyễn Văn Đơm chưa đền bù giải tỏa khi xây dựng Khu dân cư khóm 3 phường 1, một trường hợp xây cất nhà có dấu hiệu trái phép. Phần đất này Công ty Hidico được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật. Công ty Hidico đã lập hợp đồng chuyển nhượng cho ông Nguyễn Phước Thọ. Phần đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất cứ cá nhân nào và không có giấy phép xây dựng. Các thành viên trong hộ ông Nguyễn Văn Đơm và các hộ dân khác chưa được giải quyết đền bù giải tỏa đã ngăn cản yêu cầu người xây dựng trái phép chấm dứt hành vi trái pháp luật. Ngày 30/9/2019, Chủ tịch UBND phường lập Biên bản cam kết cưỡng chế tháo dỡ nhưng đến nay vẫn không thực hiện.
Các nền nhà dọc theo hai bên đường Lê Thị Riêng trong đó Khu M biệt thự cao cấp đa số đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chỉ có Hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty Hidico), nhưng vẫn mọc lên các công trình xây dựng, cụ thể là Thế Giới Ô-tô và quán café Sạch.
Trong khi đó hộ ông Hồ Văn Bé có 834 m2 trong đó đất ở là 200 m2 trong khu dân cư khóm 3. Năm 2005, ông Bé xây dựng nhà vệ sinh nhưng chính quyền phường 1 không cho và sau đó là dùng cái gọi là “lực lượng bảo vệ thi công” cưỡng chế tháo dỡ nhà ông Bé và cắt toàn bộ điện nước.
Dư luận quần chúng Nhân dân địa phương đang yêu cầu chính quyền tháo dỡ tất cả các công trình xây dựng, không phép, trái phép tại Khu dân cư khóm 3, phường 1, theo đúng quy định pháp luật.
Thông báo của Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh về giải quyết đơn yêu cầu, khiếu nại của công dân
Giải quyết khiếu nại có đúng luật?
Ngày 27/4/2017, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, Phan Văn Thương ban hành Thông báo số 65 có nội dung: “Ngày 13/4/2017 Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo số 144/TB-VPUBND về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh: Giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn bộ dự án Khu dân cư khóm 3, phường 1…”. Thông báo này không nêu thời hạn thanh tra và đến nay đã hơn 2 năm người dân vẫn không biết kết quả thanh tra như thế nào?
Một số cán bộ lãnh đạo từ cấp phường, đến cấp thành phố và cả cấp tỉnh cho rằng Quyết định số 162/QĐ-UBND; 2536/QĐ-UBND; 2552/QĐ-UB.HC; 2566/QĐ-UB.HC của ông Lê Minh Hoan có hiệu lực pháp luật, nên không giải quyết khiếu nại của người dân mà chỉ tổ chức gặp gỡ động viên lấy ý kiến từng hộ dân để tiếp tục thực hiện dự án Khu dân cư khóm 3 phường 1; đồng thời thực hiện phương án “chia nhỏ đối tượng” để giải quyết. Trong khi đối tượng bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp là tất cả các hộ dân có đất bị thu hồi trong Khu dân cư khóm 3 phường 1, lẽ ra phải mời tập thể các hộ dân để giải quyết công khai. Từ ngày 17/9/2003, ban hành quyết định 1460 đến nch, chưa tổ chức bất kỳ một cuộc họp nào cùng tất cả các hộ gia đình có đất bị thu hồi để công bố quy hoạch, phương án đền bù,… Khi có tranh chấp xảy ra thì các ngành các cấp và lãnh đạo địa phương mời họp riêng lẻ từng hộ dân để thuận tiện cho việc “áp đặt”?
(Còn nữa)