Tĩnh Gia, Thanh Hóa: Cần có giải pháp an sinh cho nhóm dân cư làm du lịch tại biển Hải Hòa
Pháp luật - Bạn đọc 05/11/2019 15:48
Những dự án treo
Ngày 28/7/2003, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2416/QD-CT phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu nghỉ mát Hải Hòa với tổng diện tích 85ha. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu vực biển Hải Hòa thành trung tâm dịch vụ công cộng, khu du lịch nghỉ mát, sinh thái, vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch trên phần đất của các thôn Đông Hải, Giang Sơn, xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia để phát triển kinh tế địa phương và góp phần tạo việc làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch để nâng cao đời sống cho người dân.
Bãi biển Hải Hòa (Tĩnh Gia -Thanh Hóa) |
Để thực hiện dự án, từ năm 2005 đến năm 2006, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần thu hồi đất để giao cho các đơn vị. Cụ thể: Năm 2006, Công ty CP Hiền Đức, TP Thanh Hoá kinh doanh bất động sản đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi đất của dân Đông Hải, xã Hải Hòa giao cho Công ty CP Hiền Đức 27ha. Tuy nhiên, việc giao đất và hứa thực hiện dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. 15 năm trôi qua các dự án này đang vẫn “treo”, trong khi đó hàng chục hộ dân bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp, đất ở rơi vào tình trạng không có nơi ở không có việc làm.
Cuối năm 2005, UBND tỉnh thu hồi 1,7 ha đất của thôn Đông Hải giao cho Công ty CP Hiền Đức để bố trí tái định cư cho những hộ dân bị thu hồi đất ở. Thế nhưng, từ khi giải phóng mặt bằng đến nay, công ty không xây dựng hạ tầng cơ sở, chưa giao đất tái định cư cho các hộ dân thuộc diện phải di dời bởi dự án. Hiện nay, diện tích nêu trên đang bỏ hoang, trong khi những người dân bị thu hồi đất thì không có nơi ở ổn định.
Đối với dự án Khu du lịch nghỉ dường Hải Hòa, phía Đông thôn Đông Hải và Giang Sơn, theo quy hoạch đã bán trên 60 lô đất từ năm 2005 nhưng gần 15 năm qua mới có 7 khách sạn xây dựng, còn lại là đất của những người có điều kiện mua với mục đích kinh doanh bất động sản chứ không vì phát triển du lịch biển Hải Hòa. Bên cạnh đó, phần xây dựng hạ tầng của dự án phát triển du lịch biển Hải Hòa có vấn đề cần kiểm tra làm rõ. Cụ thể: Đường đi bị xuống cấp ngay sau xây dựng, 02 nhà vệ sinh, hư hoảng chiếm diện tích và to như khách đang bỏ hoang. Hệ thống đường ống nước sạch thì trở thành phế tích trên chục năm nay…
Đầu mùa du lịch biển 2019, UBND huyện Tình Gia cố gắng hoàn thiện khoảng 05 km đường giao thông từ QL1A xuống biển Hải Hòa thì một số dự án treo đang “ngủ” 15 năm qua mới có dấu hiệu khởi động lại. Do không còn đất, nhiều hộ dân đã ra mở quán (trước 1/7/2004), và để đáp ứng nhu cầu của du khách họ đã đầu tư hàng tỷ đồng để lấn bãi cát phía Đông để xây dựng nhà hàng phục vụ du khách đến với biển Hải Hòa. Việc làm này chính quyền sở tại không lập biên bản vi phạm, mãi sau này UBND xã Hải Hòa mới thực hiện lập biển bản xử lý một số hộ dân xây dựng nhà kiên cố.
Để “yên dân” chính quyền sở tại đã “làm ngơ” cho dân lấn bãi cát biển, xây nhà làm dịch vụ. Hiện tại có khoảng 80% của gần 40 lều quán của dân thôn Đông Hải và Giang Sơn. Sau khi bàn giao đất cho một số dư án, người dân không còn nơi ở khác, nên có trường hợp ba thế hệ cùng sinh sống tại phần đất lấn biển. Song song với vi phạm của các dự án “treo” thì các hộ dân đã khai hóa bãi biển từ những năm 2004 trở lại đây dở khóc, dở cười và lo lắng khi được thông báo dự án mở rộng đường ra phía biển sẽ khởi công vào mùa đông năm nay. Hiện tại, nhà xây ở tạm duy nhất của họ đang bị UBND huyện Tĩnh Gia thông báo “giải tỏa” để làm đường mở rộng ra biển. Trước thông tin đó, những người dân làm du lịch ở bãi tắm Hải Hòa đã lo lắng và làm đơn kiến nghị lên các cấp nhằm tháo gỡ những khó khăn mà họ đang phải gánh chịu.
Những người xây dựng thương hiệu bãi tắm Hải Hòa
Câu chuyện kể về biển xã Hải Hòa (Tĩnh Gia-Thanh Hóa) được các cụ cao niên và người dân nơi đây kể lại, đó là vào những năm 2000 bãi biển Hải Hòa vẫn còn hoang sơ chưa mấy ai nghĩ về du lịch biển. Các bãi cát chủ yếu là Nhân dân làm lều để cất những công cụ chài lưới đánh bắt hải sản. Thời điểm đó, có khoảng 06 hộ dân làm lều quán bán nước. Đến tháng 2/2003, UBND huyện Tĩnh Gia công bố thành lập bãi tắm Hải Hòa, đồng thời vận động cho các hộ dân ra đây làm dịch vụ. Theo đó, nhiều hộ dân thôn Đông Hải đã ra bãi biển cắm lều làm dịch vụ du lịch theo hình thức thô sơ, tự phát. Việc làm này chính quyền sở tại cũng không can thiệp để cho các hộ xây nhà tại bờ biển trên đất cát bãi bồi; đồng nghĩa với việc đồng ý cho người dân ra biển làm dịch vụ du lịch khi mà bãi biển Hải Hòa trước đây khách thập phương chưa biết cái tên bãi tắm Hải Hòa là gì...
Nhiều năm qua, gần 40 hộ dân đã nhen nhóm hình thành tạo nên thương hiệu cho biển Hải Hòa. Họ là những người làm du lịch từ lúc sơ khai từ các nhà hàng phục vụ ăn uống bằng lá kè, lá cọ. Họ phải vay ngân hàng tới hàng tỷ đồng để đầu tư, phục vụ du khách thập phương. Cũng chính từ những cái gọi là đơn sơ đấy mà họ đã tạo nên thương hiệu bãi tắm Hải Hòa cho đến khi du khách ở mọi miền đất nước đổ về có nơi ăn, nơi tắm, có chỗ nghỉ ngơi. Trong khi huyện Tĩnh Gia đã làm được những gì khi trong 15 năm qua? Có chăng là 07 khách sạn, những con đường xuống cấp và một nhà vệ sinh không hoạt động!?
Ngày 31/10/2019, UBND huyện Tĩnh Gia đã tổ chức hội nghị thông báo cho toàn bộ những hộ dân đang làm dịch vụ tại bãi biển Hải Hòa về kế hoạch dự án Khu du lịch biển Hải Hòa và mở rộng tuyến đường vàng đai C-C3. Tuyến đường có chiều rộng 36m và chiều dài 750m. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết: Tuyến đường này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ số hộ dân đang làm dịch vụ tại bãi biển và sẽ thực hiện thành lập ban giải phóng mặt bằng để xem xét tất cả các trường hợp để đảm bảo quyền lợi trong việc hỗ trợ, đền bù đúng luật...
Tại buổi họp ra Thông báo, nhiều hộ dân đã đứng lên phát biểu tỏ rõ tâm tư nguyện vọng của họ. Ông Nguyễn Văn Ngọc, một trong những người dân đang làm dịch vụ cho biết: Dự án Khu du lịch Hải Hòa, khi Nhà nước thu hồi đất ở, đất nông nghiệp của các hộ dân chúng tôi từ những năm 2005 đến nay vẫn bỏ hoang. Mất đất, chúng tôi không có nhà, không có nghề ổn định, phải vay mượn tiền mở hàng quán trên đất bãi biển để làm dịch vụ mưu sinh cuộc sống. Khi dự án làm đường ảnh hưởng đến nhà cửa hàng quán của chúng tôi thì Nhà nước phải tạo điều kiện cho chúng tôi để chúng tôi có cuộc sống ổn định.
Nhiều hộ dân cũng lo ngại đặt vấn đề dự án mở đường này liệu có phải cần thiết hay cũng chỉ là dự án “treo” như các dự án khác trong khi họ đã ra đây đầu tư hàng quán làm dịch vụ đã lâu và công tác giải phóng đền bù sẽ như thế nào? Cuộc sống của họ trong những ngày sắp tới sẽ ra sao?
Có thể thấy, việc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch biển Hải Hòa là cần thiết. Tuy nhiên, trước mắt UBND huyện Tĩnh Gia cần xem xét lại việc thực hiện của các dự án “treo” tại biển Hải Hòa; xem xét lại điều kiện sống của hàng chục hộ dân đã hiến đất cho các dự án. Để công tác GPMB tốt hơn, trước hết yêu cầu Công ty CP Hiền Đức xây dựng hạ tầng cơ sở, cấp đất TĐC và làm các tủ tục đất đai cho các hộ để họ làm nhà ở, ổn định đời sống. Công tác giải phóng đền bù cho người dân phải hợp tình, hợp lý vì sự đóng góp của những hộ dân đang làm dịch vụ du lịch tại đây là những người đi đầu đưa du khách thập phương về với biển Hải Hòa.