Thương lắm vùng cao
Đời sống 07/01/2020 08:33
Thấy Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Ngô Trọng Vịnh tỏ vẻ ái ngại, bà Nguyễn Thị Thu, Phó ban Đại diện Hội NCT TP Lào Cai giải thích: “Mọi lần có quà của Trung ương hay thành phố, chúng tôi đều đến trao tận nhà, nhưng lần này mời các cụ đến Ủy ban nhận để Trung ương biết người thật, việc thật”. Ông Vi Văn Lù sau khi đặt cụ Sâm ngồi lên ghế, cứ nói liên tục với cụ bằng tiếng Xa Phó, tôi đoán là ông dặn bám vào bàn cho chắc, bởi thấy cụ run run ôm lấy mặt bàn. Ông Lù bảo: “Có Trung ương, tỉnh, thành phố về tặng quà là các cụ phấn khởi lắm! Đến nhận quà thế này, về nhà bà con hỏi thăm các cụ còn khoe chứ”.
Chủ tịch Hội NCT xã Vi Văn Lù, cõng cụ Nìu Thị Sâm lên nhận quà |
Bí thư Đảng ủy xã Phạm Đình Thiện cho biết, Hợp Thành vốn là xã đặc biệt khó khăn trong Chương trình 135 của Chính phủ. Xã có 1.100 hộ, 5.000 khẩu, 90% là người dân tộc ít người như Tày, Giáy, Xa Phó… Năm 2014, xã được công nhận đạt nông thôn mới, hiện tiếp tục nâng cao các tiêu chí, xây dựng thôn kiểu mẫu, song vẫn còn 37 hộ nghèo. Nhiệm kì 2020 - 2025, phấn đấu đến 2022 sẽ hết hộ nghèo, nâng thu nhập bình quân đầu người từ 40 lên 65 triệu đồng/năm, trở thành xã nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch cộng đồng…
Niềm tin và quyết tâm của lãnh đạo địa phương thì đã rõ. TP Lào Cai có 5 xã thì cả 5 đều đạt chuẩn nông thôn mới; các công trình điện, đường, trường, trạm, chợ… được xây dựng; đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên. Bà con các dân tộc biết phát huy bản sắc văn hóa trong làm dịch vụ du lịch như phát triển các nghề đan gùi, may thêu trang phục truyền thống, hoặc biểu diễn dân ca, dân vũ… Cánh đồng Hợp Thành rộng hơn 200ha, một năm không chỉ cho 2 vụ lúa, 1 vụ màu ăn chắc, mà còn là nơi cuốn hút khách du lịch bởi những thửa ruộng bậc thang mùa đổ nước hay khi lúa chín…
Phó Chủ tịch Ngô Trọng Vịnh tặng quà NCT khó khăn xã Hợp Thành, TP Lào Cai |
Tuy nhiên, đến Hợp Thành hay Tả Phời - một xã cũng đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2014 - vẫn nhận ra nét khác biệt của xã nông thôn mới miền núi với đồng bằng. Đó là mặt bằng thu nhập và trình độ dân trí của người dân giữa 2 vùng vẫn còn sự chênh lệch khá lớn. Ngay tại cánh đồng Hợp Thành sau thu hoạch vụ lúa mùa, những diện tích do người Kinh sản xuất thì cây ngô vụ Đông đã xanh tốt, còn nơi do đồng bào thiểu số canh tác vẫn còn nguyên gốc rạ. Một cán bộ ở đây giải thích: “Người Kinh chủ động được thời vụ và quen làm vụ Đông”.
Hỏi chuyện cụ Lò Thị Khá sinh năm 1929, cụ Lý Thị Mà, sinh năm 1931, ở thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành được nhận quà đợt này thì các cụ hầu như không nói được tiếng Kinh. Cô con dâu cụ Sâm trả lời bằng tiếng Kinh lơ lớ, khiến tôi vừa nghe, vừa đoán. Đó cũng là một khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới. Ông Vi Văn Lù bảo, cán bộ ở đây phải biết tiếng các dân tộc bản địa. Ông là người Giáy nhưng nói được đến 6 thứ tiếng khác như Tày, Nùng, Dao, Xa Phó… để giao tiếp với NCT.
Người dân tộc Xa Phó ở đây dùng tiếng Quan hỏa (tiếng Hán phía Nam). Thảo nào, lúc ở xã Tả Phời, tôi tò mò hỏi ông Nông Văn Lẻng, Bí thư Đảng ủy xã về nguồn gốc tên xã. Ông giải thích, năm 1955, xã Cam Đường tách ra, lập thêm 2 xã Hợp Thành và Tân Tiến. Sau có một vị trong Hội đồng Nhân dân tỉnh người dân tộc vùng này bảo, nên đổi Tân Tiến thành Tả Phời, theo tiếng Quan hỏa là “to béo”, vừa mang bản sắc của vùng đồng bào dân tộc, vừa có nghĩa là đầy đủ, sung túc. Thế là địa danh Tả Phời có từ đó. Tôi ngẫm nghĩ, “Tả Phời - Đại Phì - To Béo”, một tên làng, tên xã không hẳn chỉ là một địa danh đơn thuần, mà còn gửi gắm vào đó những ước vọng đi lên của người dân.
Một chuyến đi tặng quà NCT 2 xã vùng cao vỏn vẹn chừng 2 giờ đồng hồ, có lẽ tôi chưa cảm nhận hết được cái mới, cái khó của vùng đất này. Tuy nhiên, tôi vẫn kì vọng, với tiềm năng phong phú và sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh và TP Lào Cai, người dân và NCT 2 xã Hợp Thành và Tả Phời sẽ sớm được hưởng thành quả của xã nông thôn mới chất lượng cao.