Thực hiện tiên phong, gương mẫu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên
Nghiên cứu - Trao đổi 27/08/2024 08:05
Trong 27 biểu hiện đều cần soi xét và sửa chữa nghiêm túc, chúng ta suy nghĩ nhiều đến biểu hiện: Sa sút ý chí phấn đấu, không tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực công tác, nhất là trong lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng. Bởi Đảng ta trở nên vững mạnh hay không, có được uy tín và niềm tin của Nhân dân hay không chính là nhờ vào phẩm chất, đạo đức, lối sống và việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên có tốt hay không? Trong Cương liĩnh chính trị (bổ sung và phát triển) năm 2011 đã ghi: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược… và bằng hành động gương mẫu của đảng viên". Để thực hiện tốt hơn NQTƯ 4 (khóa XII), tính tiên phong, gương mẫu phải được thực hiện ở mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lí ở mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc.
Tiên phong, gương mẫu từ việc tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống một cách thường xuyên, liên tục. Bởi tư tưởng con người cũng thường xuyên thay đổi, dưới tác động của môi trường sống, điều kiện công tác… Trong quá trình hội nhập quốc tế và tác động của cơ chế thị trường, nếu mỗi người không thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện thì rất dễ bị sa ngã bởi tiền bạc, quyền lực, danh vọng. Từ đó dẫn đến phai nhạt lí tưởng, sa sút về ý chí mà được biểu hiện như bệnh quan liêu, hách dịch, cá nhân chủ nghĩa, đố kị, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền và dẫn đến lối sống buông thả, xa hoa, trụy lạc. Đó cũng chính là các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ảnh minh họa |
Tính tiên phong, gương mẫu thể hiện trong tự phê bình và phê bình. Tự phê bình là dám nhận ra những thiếu sót, khuyết điểm của bản thân để báo cáo trước tập thể và quần chúng nhằm sửa chữa và khắc phục. Phê bình là chỉ ra thiếu sót, khuyết điểm của người khác để họ sửa chữa và cùng tiến bộ. Năm 1969, trong bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một đảng mà không tự nhận thấy khuyết điểm, yếu kém của mình và không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm là một đảng hỏng. Trong các nhóm giải pháp thực hiện NQTƯ 4 (khóa XI, XII, XIII) đều coi trọng nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình cùng việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lí chủ chốt các cấp. Trong kiểm điểm thực hiện NQTƯ 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhận khuyết điểm và thành thật xin lỗi trước BCH Trung ương và trước Nhân dân. Việc làm đó thể hiện cụ thể sự dũng cảm tự phê bình của Đảng.
Tuy nhiên, còn không ít cán bộ, đảng viên cố tình che giấu khuyết điểm của mình. Khi kiểm điểm trách nhiệm tập thể đều nhất trí là có sai sót, nhưng khi quy trách nhiệm cá nhân thì không ai nhận. Điều này diễn ra khá phổ biến ở các cấp, các ngành. Trong phê bình còn nể nang, né tránh, thấy sai không dám đấu tranh, nhất là sai sót của cấp trên và người đứng đầu. Bên cạnh đó, còn lợi dụng phê bình để nói xấu, moi móc, thậm chí vu khống cho đồng chí mình, gây mâu thuẫn nội bộ. Chính những điều này được chỉ rõ là những biểu hiện của suy thoái và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chúng ta cần phải kiên quyết loại bỏ.
Tính tiên phong, gương mẫu còn thể hiện ở trách nhiệm trong đánh giá, lựa chọn, tham mưu, đề xuất những quyết định có ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị con người. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên thực sự có trách nhiệm với công việc của mình thì không thể tham mưu, đề xuất để đề bạt, bổ nhiệm người đã làm thất thoát tài sản nhà nước tới hàng ngàn tỉ đồng... Những cán bộ lãnh đạo, quản lí nếu có trách nhiệm cũng không thể kí những quyết định bổ nhiệm hoặc điều động những cán bộ như thế.
Nếu tiên phong gương mẫu trong công tác cán bộ từ khâu tuyển dụng đến đánh giá, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ… thì chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực chuyên môn, chọn được những người thực sự có tài để tạo nguồn cán bộ lâu dài. Song thực tế không ít cơ quan, đơn vị từ tuyển dụng, đánh giá đến bổ nhiệm còn thiên vị, chung chung, nể nang hoặc cục bộ theo cánh hẩu. Nhiều cán bộ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tuyển dụng, bổ nhiệm những người thân quen, người cùng phe cánh của mình vào các vị trí quan trọng. Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm. Sự tiên phong, gương mẫu của người làm công tác tổ chức là không tuyển dụng, bổ nhiệm vợ, con, anh, em của cán bộ lãnh đạo, quản lí vào các chức vụ chủ chốt.
Trong thực tế không ít người đã lợi dụng chức quyền để đưa con, cháu, anh, em mình vào làm việc tại những chỗ được cho là có "màu" hơn, hoặc bổ nhiệm người thân vào các vị trí lãnh đạo, quản lí quan trọng. Không chỉ thế, có những đồng chí là lãnh đạo, quản lí chủ chốt nhưng thực sự không tiên phong, gương mẫu…
Tôi được nghe câu chuyện của một cán bộ: Có lần xuống một xí nghiệp, được biết có một cháu luôn có năng suất lao động cao, giỏi tay nghề và chăm chỉ làm việc, nhưng nhiều lần chi bộ gợi ý cho học cảm tình Đảng cháu đều từ chối. Khi được hỏi, cháu nói thật là cũng muốn vào Đảng để cống hiến nhiều hơn, nhưng thấy những gì về đảng viên ở đây khiến cháu không phục. Họ vào Đảng nhưng không gương mẫu, vào Đảng là để tranh nhau chức tổ trưởng, tổ phó. Cháu không thích đứng cùng đội ngũ những người đảng viên như vậy, nên không vào Đảng, nhưng cháu nguyện sẽ vẫn làm tốt công việc của mình. Tất nhiên, đây chỉ là một trong những trường hợp cá biệt.
Thiết nghĩ, tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi việc là hết sức quan trọng, đặc biệt đối với cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ vì sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp vững về chính trị, mạnh về chuyên môn. Đó cũng là thiết thực thực hiện NQTƯ 4 (khóa XII) và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.