Tính thời sự của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” trong công tác xây dựng Đảng hiện nay
Nghiên cứu - Trao đổi 30/10/2024 10:14
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Bác viết ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu; nội dung giới thiệu khái quát 6 vấn đề lớn, vừa có tính lí luận, vừa có tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc về công tác xây dựng Đảng: 1- Phê bình và sửa chữa; 2- Mấy điều kinh nghiệm; 3- Tư cách và đạo đức cách mạng; 4- Vấn đề cán bộ; 5- Cách lãnh đạo; 6- Chống thói ba hoa. Đặc biệt, Người đã nêu ra loạt căn “bệnh” của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là: Bệnh kiêu ngạo, lười biếng, đầu óc hẹp hòi, tham lam, cục bộ địa phương, vô kỉ luật… là những bệnh cực kì nguy hiểm, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng cầm quyền.
Bác nhấn mạnh, nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính thường xuyên, lâu dài, là phải sửa đổi lối làm việc, sửa chữa cái xấu, xây dựng cái tốt theo phương châm tự phê phán, tự đổi mới để xây dựng, chỉnh đốn lại Đảng, làm cho Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn”, phải dứt khoát loại ngay một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất trong điều kiện Đảng cầm quyền.
“Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm đầu tiên của Bác giới thiệu những tư tưởng đổi mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, trong đó “Vấn đề cán bộ” của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng. Bác đã chỉ ra những yếu kém trong công tác cán bộ, đề ra những giải pháp về vấn đề cán bộ mà đến nay những lời dạy đó vẫn còn mang tính thời sự nóng.
Luôn quan tâm, chăm lo công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng “vừa hồng, vừa chuyên”. Bác cho rằng: “Nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy. Và cả vùng đó tỏ ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ. Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó, như đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi… Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mĩ mãn”.
Bác nhắc nhở: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”; là cầu nối giữa Đảng và dân “đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành”. Trong đó, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” đặt lên trước hết; phải đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. Đồng thời chỉ rõ: “Phải khéo dùng cán bộ”, “Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Tức là, trước khi cất nhắc không xem xét kĩ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Chúng ta cần nêu cao giá trị nhân văn sâu sắc trong cất nhắc cán bộ.
Bác phê phán việc, “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”.
Đặc biệt, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác xem “Tự phê bình và phê bình” là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh toàn diện. Theo Bác, phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa chữa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, đoàn kết và thống nhất nội bộ hơn. Song, hiện nay vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng thực hiện tự phê bình và phê bình mang tính hình thức, nội dung dàn trải, giới thiệu ưu điểm là chính, thuộc về cá nhân, khuyết điểm chung chung của tập thể.
Bác viết: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. “Rửa mặt” là việc làm tất yếu, đơn giản, thường xuyên. Tự kiểm điểm, phê bình cũng như việc “rửa mặt”. Người cũng chỉ ra một cách nôm na, dễ hiểu “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”.
Bác chỉ rõ, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính. Bác rất công tâm trong xử lí công việc, luôn đặt lợi ích của tập thể, của Nhân dân lên trên hết, và cảnh báo: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Và theo Bác, cán bộ, đảng viên chức vụ càng lớn, càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. “Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật - mục đích là cốt sửa chữa, chứ không phải công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng”.
Trên tinh thần nhìn đúng sự thật, thực hiện cấp bách về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới là “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”, như Bác từng căn dặn.
Gần 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, song vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lí tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Để ngăn chặn sự suy thoái trên, liên tục các nhiệm kì, Đảng ta đã ban hành nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này minh chứng những cảnh báo, dự đoán của Bác Hồ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” cách đây 77 năm vẫn còn nguyên tính thời sự, nhất là công tác xây dựng Đảng.
Trong tình hình mới, đất nước đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Yêu cầu mới đặt ra phức tạp, nặng nề và quyết liệt hơn. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao khát vọng cống hiến, đem trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.