Tết ấm áp trong từng mái nhà
Đời sống 22/01/2025 10:13
Giữ nếp Tết xưa
Đến gia đình tứ đại đồng đường của cụ Lê Thị Hường, vợ liệt sĩ Ngô Văn Chơi, ở ấp 3, xã Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An cảm nhận được sự đầm ấm, bình dị. Cụ Hường cho biết: “Vợ chồng tôi có 4 người con (2 trai, 2 gái). Tôi hiện sống cùng vợ chồng con trai út, 2 đứa cháu nội và 1 đứa chắt. Những ngày Tết, dù đi đâu, làm gì, hơn 16 thành viên của đại gia đình đều về sum họp đông đủ, quây quần bên nhau ăn bữa cơm ngày đầu năm mới. Gia đình có 4 thế hệ nhưng vẫn sống chan hòa và luôn gắn kết, yêu thương nhau”.
Ngoài chuẩn bị các loại bánh, mứt, thịt kho trứng, khổ qua hầm, gà, vịt, lạp xưởng, củ kiệu,... thì hằng năm vào ngày 25, 26 tháng Chạp, gia đình cụ Hường còn tráng bánh để dùng trong những ngày Tết. Từ ngày 23 tháng Chạp, bà Trinh, con dâu cụ Hường bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Cũng giống như nhiều gia đình khác, gia đình cụ hằng năm đều thực hiện nghi lễ tảo mộ, đón Giao thừa, xông đất, chúc thọ và lì xì. Trong lễ Giao thừa, các con, cháu thắp hương khấn tổ tiên sau đó mừng tuổi, chúc thọ ông bà, cha mẹ. Các con, cháu theo thứ tự từ lớn đến nhỏ lì xì và nhận những bao lì xì như lời chúc một năm mới may mắn.
Những bao lì xì thể hiện sự yêu thương, cầu mong một năm mới mà mọi người muốn gửi tặng nhau. |
Bà Trinh chia sẻ: “Vui nhất là mùng 2 Tết khi cả nhà cùng nhau gói bánh tét để cúng mùng 3. Bánh tét là món ăn truyền thống không thể thiếu trong gia đình tôi”. Tiết trời se lạnh, ngồi canh nồi bánh tét, chia sẻ với nhau bao buồn vui trong cuộc sống mà nghe yêu thương, ấm áp lan tỏa.
Tết sum vầy, yêu thương
Sau một năm dài làm việc vất vả, những ngày Tết, gia đình cụ Nguyễn Thị Nhơn, ở ấp 1, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An quay về sum vầy bên nhau. Gia đình vui mừng hơn khi thấy các con, cháu đều có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Cụ Nhơn là cựu giáo chức, đã ngoài 80 tuổi, có 2 người con và hiện sống cùng vợ chồng người con trai lớn, 2 đứa cháu nội, 1 đứa cháu cố.
Tết về, gia đình bà tràn ngập không khí Tết xưa. Sau khi cúng Giao thừa là phong tục xông đất, hái lộc đầu năm, lì xì, các con cháu lần lượt mừng tuổi, chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ. Các thành viên của gia đình cùng chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng. Những ngày sau đó, gia đình bà đi thăm viếng họ hàng và chúc Tết bạn bè, hàng xóm, láng giềng để gắn kết tình cảm.
Dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết. |
Cụ Nhơn tâm sự: “Ngày nay, Tết đơn giản hơn Tết xưa nhiều nhưng gia đình tôi vẫn giữ nếp Tết xưa. Niềm mong ước lớn nhất của tôi chính là con cháu cùng quây quần bên mâm cơm gia đình, thưởng thức những món ăn cổ truyền ngày Tết bởi mâm cơm Tết của người Việt mang nhiều ý nghĩa. Bữa cơm gia đình cũng là dịp để con cháu kể cho nhau nghe một năm ngược xuôi vất vả, những câu chuyện buồn vui của năm cũ và cùng chung niềm hi vọng tốt lành, may mắn trong năm mới”.
Dù đi đâu, về đâu thì ai cũng tranh thủ mọi việc để về sum họp ấm áp bên mâm cơm Giao thừa, cùng xem Táo quân, hái lộc đầu năm, lì xì, gói bánh tét,... Nhiều phong tục truyền thống Tết xưa được các gia đình tam, tứ đại đồng đường lưu giữ làm toát lên vẻ đẹp Tết cổ truyền của dân tộc. Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị phong tục, tập quán Việt Nam cũng như nuôi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước.
Tết không chỉ là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn lưu giữ những phong tục truyền thống, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc. Mặc dù có sự thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền tưng bừng và nhộn nhịp nhất trong tâm thức mỗi người con đất Việt”.