Tại sao Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội cố tình gây khó khăn cho người 40 năm viết báo, dạy học và là con liệt sĩ?
Pháp luật - Bạn đọc 14/12/2023 10:51
Tôi thực sự ngạc nhiên và khó hiểu về cách làm việc của một số lãnh đạo, nhân viên Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hà Nội. Họ không chỉ có thái độ làm việc hời hợt, cửa quyền mà hình như cố tình không hiểu nội dung các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phúc lợi và an sinh xã hội...
Từ kết luận vô trách nhiệm đến buổi làm việc thân thiện nhưng vòng vo, khó hiểu
Sau khi xác nhận được thời gian đóng BHXH ở Trường Đại học Vinh là 4 năm 11 tháng, đóng BHXH ở Tạp chí Gia đình và Trẻ em là 7 năm 9 tháng, tôi mang Sổ BHXH của tôi có số hiệu 4014015515 đến BHXH TP Hà Nội. Tôi đến đây bởi vì một nhân viên ở BHXH quận Đống Đa nói rằng, tôi có thời gian làm việc khoảng 5 năm tại Tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp (Có GIẤY XÁC NHẬN thời gian công tác, do Phó Tổng biên tập Trần Bá Dung kí), 2 năm làm việc ở Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế, và đặc biệt có hơn 10 năm làm việc tại Tạp chí Cộng sản (từ tháng 1/1983 đến tháng 4/1993).
Tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế đã giải thể nên tôi không hi vọng gì, chỉ có Tạp chí Cộng sản vẫn đang hoạt động. Tôi đã trên 60 tuổi (sinh năm 1958), có thời gian công tác gần 40 năm (viết báo và giảng dạy), trong đó 2 cơ quan đóng BHXH là 12 năm 8 tháng (4 năm 11 tháng và 7 năm 9 tháng), vậy chỉ cần tính thời gian công tác tại Tạp chí Cộng sản (10 năm 3 tháng) là có tổng thời gian công tác 22 năm - đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí.
Tôi nộp hồ sơ cho BHXH TP Hà Nội và chờ đợi. Ngày 19/4/2023, tôi đã ngỡ ngàng khi nhận phiếu trả lại hồ sơ với kết luận: “Phòng Quản lí Thu - Sổ, Thẻ trả lại hồ sơ để Văn phòng (Bộ phận Một Cửa) thực hiện từ chối tiếp nhận giải quyết theo quy định”.
Tôi xin giấy trắng, viết Đơn kiến nghị bằng tay ngay tại trụ sở BHXH TP Hà Nội nhưng mãi vẫn không nhận được hồi âm. Sau đó, tôi viết tiếp Đơn khiếu nại trên máy tính, gửi bảo đảm đến BHXH TP Hà Nội và được mời đến làm việc vào hồi 14 giờ ngày 15/8/2023, tại trụ sở BHXH TP Hà Nội, số 15 Cầu Đơ, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ba người tiếp tôi: 1. Ông Chu Quang Dũng, Phó trưởng Phòng Thanh tra, Kiểm tra; 2. Bà Nguyễn Thị Phương Dung, chuyên viên Phòng Quản lí thu Sổ, Thẻ; 3. Bà Trần Thị Thanh Cúc, chuyên viên Phòng Quản lí thu Sổ, Thẻ. Họ cho biết là đã trả lời Đơn kiến nghị của tôi nhưng vì lí do nào đó mà tôi không nhận được. Tôi hỏi lại ngay: “Vậy tại sao không gọi điện cho tôi như khi nhận được Đơn khiếu nại?”. Họ công nhận sơ suất.
Phía BHXH TP Hà Nội nói, sở dĩ thời gian tôi công tác tại Tạp chí Cộng sản không được tính để làm chế độ hưu trí vì căn cứ vào Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972 của Bộ Nội vụ.
Tôi hỏi lại: “BHXH TP Hà Nội căn cứ vào Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972 của Bộ Nội vụ để từ chối công nhận thời gian tôi làm việc ở Tạp chí Cộng sản từ tháng 1/1983 đến 4/1993, vậy các anh chị có nắm được hết tinh thần của thông tư này không?”. Bà Cúc trả lời: “Chúng tôi có biết nội dung thông tư này nhưng không dám chắc là nắm đầy đủ tinh thần của thông tư này”.
Câu trả lời khiến tôi không hài lòng nhưng ít ra nó cũng trung thực. Tôi nói: “Ngay trong Phiếu trả lại hồ sơ của tôi, chính BHXH TP Hà Nội đã trích: “Theo quy định tại khoản 12 mục II Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972 hướng dẫn cụ thể về cách tính thời gian công tác của nhân viên nhà nước. Theo đó, thời gian công tác được chia thành 2 loại: 1. Thời gian công tác liên tục; 2. Thời gian công tác nói chung. Cũng ngay trong thông tư này, ở phần “Định nghĩa và Quy định chung” ghi rõ: “Quy định thời gian công tác nói chung là để xét xem người công nhân, viên chức đã lao động cho xã hội nhiều hay ít để được hưởng quyền nghỉ ngơi khi tuổi già (chế độ hưu trí)”. Như vậy, không cần phải bàn cãi nữa là thời gian tôi làm việc ở Tạp chí Cộng sản là “thời gian công tác nói chung” như trong Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972. Vậy tại sao BHXH TP Hà Nội không thực hiện điều này để làm chế độ hưu trí cho tôi?!”.
Ba nhân viên BHXH TP Hà Nội lại nhìn nhau. Tôi nói thêm: “Ngay từ năm 1972 xa xôi, khi đất nước ta đang có chiến tranh và gặp rất nhiều khó khăn nhưng Bộ Nội vụ vẫn đưa ra chính sách tiệm cận thông lệ quốc tế là trân trọng công sức của người lao động, tính đến đóng góp của họ cho xã hội để làm chế độ hưu trí khi họ cao tuổi.
Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972 có nói một ý rất sâu sắc là “Quy định thời gian công tác nói chung là để xét xem người công nhân, viên chức đã lao động cho xã hội nhiều hay ít”, nghĩa là tính đến chất lượng làm việc. Hơn 10 năm làm việc tại Tạp chí Cộng sản, tôi đã viết hàng chục bài đăng trên Tạp chí Lí luận và Chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, làm Bí thư Chi đoàn Tạp chí Cộng sản, tham gia 2 khóa Ban chấp hành Chi hội Nhà báo, được lên lương trước thời hạn. Khi tôi trở lại nước Nga để bảo vệ luận án tiến sĩ Báo chí (lúc đó ở Việt Nam chưa có hội đồng), tôi làm đơn xin nghỉ, được Tạp chí Cộng sản cho phép nghỉ từ 1/4/1993, nhưng xét những gì tôi đã làm, thành tích học tập đã đạt (viết xong luận án tiến sĩ), Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản lúc bấy giờ là ông Nguyễn Phú Trọng vẫn kí quyết định nâng lương cho tôi vào ngày 2/4/1993 (hồ sơ cán bộ của tôi vẫn lưu giữ những điều này).
Nhóm cán bộ BHXH TP Hà Nội lại đưa ra Thông tư của Bộ Thương binh và Xã hội số 48 - TBXH ngày 30/9/1985 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 236-HĐBT ngày 18/9/1985. Họ bảo trong văn bản này không nói đến “thời gian công tác nói chung” nên họ không làm.
Một lần nữa cán bộ BHXH TP Hà Nội bộc lộ sự không hiểu thấu đáo văn bản pháp quy. Trong thông tư này nhắc đến “Thời gian công tác liên tục” để nhấn mạnh sự ưu đãi của Nhà nước: 1 năm thực tế công tác được tính thêm 6 tháng, thành 18 tháng. “Thời gian công tác nói chung” không được hưởng chế độ này nên thông tư không nhắc đến. Chỉ vì thông tư này không nhắc đến “thời gian công tác nói chung” mà không tính để làm chế độ hưu trí cho tôi là biểu hiện của sự lươn lẹo.
Trao đổi một lúc nữa, tôi hiểu nhiệm vụ của 3 cán bộ hôm nay là cố giải thích những điều phi lí cho hợp lí. Họ không có quyền giải quyết vấn đề gì. Tôi đồng ý kí vào Biên bản làm việc sau khi họ bổ sung nội dung: “BHXH TP Hà Nội báo cáo lãnh đạo cấp trên xem xét…”.
Buổi làm việc kết thúc ôn hòa, vui vẻ, thậm chí tôi còn tặng sách cho họ. Khi tôi bước đến cửa để ra về thì nghe có tiếng nói nho nhỏ vang lên: “Cứ giải quyết cho chú thì đỡ mất thời gian…”.
Không chỉ là quyền lợi của cá nhân, mà còn liên quan đến tính nhân đạo, nhân văn của các chủ trương, chính sách
Tại sao BHXH TP Hà Nội có thái độ làm việc hời hợt và phớt lờ văn bản pháp quy của Nhà nước?! Ngoài việc bà Trưởng phòng Quản lí thu sổ lạnh lùng, vô cảm, vô trách nhiệm viết: “… Trả lại hồ sơ để Văn phòng (Bộ phận Một Cửa) thực hiện từ chối tiếp nhận giải quyết…”, Phó Giám đốc Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc Vũ Đức Thuật đều viết thời gian tôi công tác ở Tạp chí Cộng sản (từ 1/1983 đến tháng 4/1993) không có căn cứ tính là “thời gian công tác liên tục”. Tôi đã đòi điều này đâu? Trong Đơn kiến nghị, Đơn khiếu nại và buổi làm việc trực tiếp, tôi chấp nhận đó là “thời gian công tác nói chung”. Điều tôi đòi là cần tính thời gian tôi làm việc tại Tạp chí Cộng sản để làm chế độ hưu trí như Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972, đã viết rõ ràng trên giấy trắng mực đen.
Ngày 22/8/2023, bà Trần Thị Thanh Cúc gọi điện hỏi tôi đã nhận được văn bản từ BHXH Việt Nam chưa? Tôi trả lời là chưa. Bà Cúc cho biết BHXH TP Hà Nội đã làm báo cáo gửi lên BHXH Việt Nam (tôi được gửi bản PDF, báo cáo đề ngày 16/8/2023) và nói rõ khi nào BHXH TP Hà Nội nhận được hồi âm từ BHXH Việt Nam sẽ báo cho tôi ngay. Ba tháng đã trôi qua, tôi chưa nhận được bất cứ thông tin gì.
Tôi không hiểu sao BHXH TP Hà Nội lại lúng túng, quanh co và không chịu làm chế độ hưu trí cho tôi? Về cách tính thời gian công tác, Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972 là khắt khe nhất, vì khi đó đất nước ta còn chiến tranh. Từ năm 1972 tới nay, tình hình đã có nhiều thay đổi, đất nước ta đã hòa bình, thống nhất, nguồn lực tăng lên rất nhiều nên Đảng và Nhà nước có điều kiện thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cụ thể hóa chính sách này. Trong việc thiết kế các chính sách liên quan đến phúc lợi xã hội của người lao động, Bộ luôn luôn quan tâm đến tính nhân đạo, nhân văn và sự phù hợp với tình hình xã hội. Việc tính thời gian công tác càng ngày càng thoáng hơn, quyền lợi của người lao động được quan tâm chu đáo hơn. Chính vì thế khi đến thăm và làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem Bộ là “lương tâm của đất nước, của xã hội”.
Hiện nay, các văn bản pháp quy trong lĩnh vực phúc lợi xã hội đều hướng tới bảo vệ quyền lợi của người lao động. Các Luật BHXH năm 2006 và năm 2014 thể hiện rõ điều này. Ví dụ, khoản 4, Điều 139 Luật BHXH năm 2006 quy định: “Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/1995, nếu chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH”. Rồi đến Luật BHXH năm 2014 vẫn giữ nội dung tương tự. Đối chiếu với trường hợp của tôi, ngày 8/4/2014, số 01 - XN/TCCS đã ghi rõ: “Tạp chí Cộng sản chưa giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, hay bất cứ chế độ trợ cấp nào khác sau khi ông Hồ Bất Khuất thôi làm việc ở Tạp chí Cộng sản”.
Thiết nghĩ, những văn bản này, tài liệu này đủ để BHXH TP Hà Nội làm chế độ hưu trí cho tôi. Ấy thế mà không hiểu sao họ từ chối làm mặc dù họ phải là những người am hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua các văn bản pháp quy?! Chẳng nhẽ có một ai đó, một thế lực nào đó cố tình gây khó khăn, buộc một người có gần 40 năm làm báo, giảng dạy và con liệt sĩ về già không có nguồn sống?!
Tôi nói lên điều này không chỉ vì quyền lợi của mình, mà còn muốn bảo vệ tính nhân đạo, nhân văn của các văn bản pháp quy trong lĩnh vực phúc lợi xã hội của Đảng và Nhà nước. Đây là một trong những điều tự hào của người Việt Nam khi đất nước ta vẫn đang còn nghèo nhưng đã cố gắng bảo đảm an sinh xã hội. Thái độ và cách giải quyết vụ việc của tôi do BHXH TP Hà Nội chủ trương là đi ngược lại tinh thần này.
Vụ việc của tôi đã được BHXH TP Hà Nội đẩy lên BHXH Việt Nam. Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi để làm rõ sự thật và công lí.