Sách phải luôn là người bạn gần gũi
Nghiên cứu - Trao đổi 15/03/2022 09:18
Không chỉ vào dịp “Ngày Sách Việt Nam” 21/4 hằng năm, mà dư luận thường xuyên tranh luận: Dân Việt Nam chăm đọc hay lười đọc sách, so với ý thức đọc sách của người nước ngoài? Vì sao dân ta có truyền thống hiếu học mà tỉ lệ đọc sách vào loại thấp của thế giới?...
Phải nói rằng, ngày xưa sách rất hiếm, in bằng giấy đen, chữ nhỏ nhưng có được cuốn sách là thích lắm, cho nhau mượn phải hẹn ngày trả để cho người khác đọc. Chính sự ham đọc sách xưa đã giúp nhiều người mở mang kiến thức, góp phần tự giáo dục sống có nhân cách, đạo đức, tạo sự gần gũi thương yêu nhau, có những mối tình thông qua mượn sách.
Trên thế giới thì khác, Ấn Độ đứng đầu thế giới về tỉ lệ đọc sách dù tỉ lệ người biết chữ thấp hơn của toàn cầu. Theo xếp hạng của thế giới thì có 6 “quốc gia đọc sách”: Ấn Độ, Israel, Nhật, Đức, Thái Lan, Malaysia. Chỉ nhìn con số của Malaysia cảm thấy giật mình. Mỗi người Malaysia đọc trung bình 12 cuốn sách một năm, gấp 4 lần người Việt Nam.
Nói đến sách, cần nhớ đến Bài phát biểu nổi tiếng trên đài phát thanh của giáo sư Mỹ William Lyon Phelps (1865-1943) về sách vẫn còn nguyên giá trị sau gần 100 năm. Bài phát biểu ngắn nhưng đã truyền cảm hứng đọc sách cho người nghe và trở thành một trong những bài phát biểu hay nhất bằng tiếng Anh mọi thời đại.
Trong bài phát biểu dài chưa đầy 600 từ ngày 6/4/1933, trên chương trình phát thanh với chủ đề “Điều thú vị của những cuốn sách” ông đã nêu bật giá trị tinh thần mà những cuốn sách mang lại và kiến thức rộng lớn được lưu trữ trong sách. Mở đầu bài phát biểu, ông khẳng định: “Thói quen đọc sách là một trong những nguồn tài nguyên vĩ đại nhất của nhân loại”. Thậm chí còn lập luận rằng, những cuốn sách giống như những người bạn ở góc độ nào đó còn có lợi thế hơn với những người bạn bằng xương bằng thịt và “chúng ta có thể thưởng thức các giá trị xã hội thật sự bất cứ khi nào mình muốn”. Theo ông, một cuốn sách thực sự cho phép người đọc tiến vào tâm trí ai đó, chạm đến những suy nghĩ sâu thẳm nhất. Bởi lẽ, “Những vĩ nhân đã qua đời nằm ngoài tầm với của chúng ta và vĩ nhân còn sống hầu như không thể tiếp cận được; còn đối với bạn bè và người quen, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy họ. Nhưng trong thư viện cá nhân, bạn có thể trò chuyện với Socrates hoặc Shakespeare, Carlyle hoặc Dumas, Dickens hoặc Shaw, Barrie hoặc Galsworthy bất cứ lúc nào”. Những lời nhắn nhủ của ông về văn hóa đọc, về vai trò của sách, về xây dựng thư viện của riêng người đọc… không chỉ dừng lại ở những thính giả trong buổi phát thanh hôm đó mà đã truyền đến các thế hệ về sau.
Tác giả người Mỹ Steve Siebold từng gây chú ý trên khắp thế giới khi cho ra mắt cuốn sách “How Rich People Think” (Người giàu nghĩ như thế nào), ông cũng được biết đến là người đã từng phỏng vấn hơn 1.200 người giàu nhất trên thế giới trong vòng 3 thập kỉ. Sau những cuộc phỏng vấn của mình, Steve Siebold nhận ra nhiều điều khác biệt giữa người giàu và… người bình thường. Thay vì vui chơi giải trí, họ chọn cho mình thú vui tự học, tự giáo dục, nâng cao trình độ hiểu biết của mình bằng cách đọc thật nhiều. Người giàu không dành nhiều thời gian và tiền bạc vào hoạt động học tập hàn lâm tại trường Đại học, nhưng họ đánh giá rất cao sức mạnh và tầm quan trọng của việc tự học, tự rèn luyện sau khi đã rời nhà trường.
Theo Vụ Thư viện, Bộ VH,TT&DL, văn hóa đọc ở Việt Nam chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy là con người thờ ơ với sách và tích lũy tri thức vì việc đọc sách chưa phải là thói quen của toàn dân. Đã có biểu hiện không ít người sống vô cảm, bất chấp vì thiếu hiểu biết về luật pháp, nghèo nàn về tâm hồn, gần đây có sự gia tăng các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt trong giới trẻ có phải do không có văn hóa đọc?
Sau khi Thủ tướng Chính phủ kí quyết định chọn ngày 21/4 là “Ngày Sách Việt Nam”, các thành phố lớn xây dựng “Đường sách” mà TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công, góp phần làm sống dậy văn hóa đọc trong nhiều năm nay. Các nhà văn và tác giả đang nỗ lực vươn lên trong sáng tạo đáp ứng người đọc mới trong một thế giới đổi thay nhanh chóng và đối mặt với thách đố khủng khiếp của đại dịch, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và xây dựng nền nhân văn, ước mơ tên nước mình sẽ có trong danh sách “Quốc gia đọc sách” của thế giới?
Ngày Sách Việt Nam ra đời góp phần nâng cao nhận thức xã hội về ý nghĩa của việc đọc sách. Những năm qua, với nỗ lực của cả người dân và Nhà nước bước đầu đã tạo ra những sự thay đổi tích cực trong văn hoá đọc ở cộng đồng. Tuy nhiên, để văn hóa đọc lan tỏa rộng khắp đến cộng đồng, thiết nghĩ:
Một là, Bộ GD&ĐT cần xây dựng tiêu chuẩn khuyến đọc và thư viện; trong đó có hệ thống thư viện, xây dựng tủ sách và khuyến đọc ở trường và ở nhà là nhiệm vụ của các nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và học sinh; nêu rõ chỉ tiêu số đầu sách tối thiểu trẻ em nghe và đọc hằng năm.
Hai là, Bộ VH,TT&DL và Hội Khuyến học Việt Nam cần phối hợp đưa tủ sách thành tiêu chí của “Làng Văn hóa”, “Dòng họ khuyến học”, “Gia đình khuyến học”… Phải hình thành thói quen đọc sách cho thanh thiếu niên, nhi đồng ngay từ nhỏ. Muốn thế phải xây dựng được các thư viện hay tủ sách tùy theo điều kiện thực tế.
Có thể nói, việc duy trì, phát triển văn hoá đọc với tư cách là một bộ phận cấu thành nền văn hoá dân tộc, là đòi hỏi tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, để lan tỏa phong trào đọc sách đến cộng đồng rất cần được quan tâm đặc biệt và sự vào cuộc của toàn xã hội.