Vững tin vào tuổi trẻ Việt Nam

Nghiên cứu - Trao đổi 25/03/2025 13:31
Nói về xã hội cũ, Lênin nêu rõ: “Xã hội cũ xây dựng trên nguyên tắc sau đây: Anh ăn cắp của người khác hoặc là người khác ăn cắp của anh; anh làm cho người khác hưởng hoặc là người khác làm cho anh hưởng; anh làm chủ hoặc là anh làm nô lệ… người ta nói rằng: Lợi nhuận của tôi, thế thôi, ngoài ra chẳng có cái gì đáng để cho tôi chú ý cả”.
Do đó, cần xóa bỏ xã hội cũ để xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa (CSCN). Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng xã hội CSCN không phải đơn giản, dễ dàng. Lênin cho rằng, vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới là rất quan trọng “… có thể nói rằng nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản, chính là của thanh niên”.
![]() |
Nói đến vai trò Đoàn thanh niên cộng sản trong việc giáo dục đạo đức cộng sản cho thanh niên, Lênin chỉ ra: “Các đồng chí phải tự tiến hành giáo dục thành những người cộng sản. Nhiệm vụ của Đoàn thanh niên là phải tổ chức hoạt động thực tiễn của mình thế nào để khi học tập, khi tổ chức nhau lại, khi tập hợp nhau lại, khi đấu tranh, tầng lớp thanh niên ấy tự tiến hành giáo dục thành những người cộng sản và đồng thời cũng giáo dục cho tất cả những ai đã công nhận Đoàn là người dẫn đường chỉ lối. Phải làm cho toàn bộ sự nghiệp giáo dục, huấn luyện, học tập của thanh niên ngày nay phát triển được đạo đức cộng sản trong thanh niên”.
Về vai trò cống hiến của thanh niên: “Phải làm cho mọi người thấy rằng mỗi một đoàn viên của một Đoàn thanh niên đều là người có học thức và đồng thời cũng biết lao động. Khi tất cả mọi người thấy rằng chúng ta đã trừ bỏ lối dạy dỗ xưa của nhà trường cũ và đã thay thế nó bằng một kỉ luật tự giác, rằng tất cả các thanh niên đều tham gia ngày thứ Bảy cộng sản, rằng tất cả các thanh niên đã sử dụng mỗi vườn rau ở vùng ngoại ô để giúp đỡ Nhân dân - thì khi đó Nhân dân sẽ có một quan niệm lao động khác hẳn quan niệm xưa kia”.
Khi tham gia Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản lần thứ IV tại Mátxcơva (Liên Xô) vào tháng 7/1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì soạn thảo và trình bày tại Đại hội bản “Luận cương về thanh niên thuộc địa”, trong đó nêu yêu cầu cấp bách phải tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên cách mạng và hình thành các đoàn thể thanh niên, xây dựng các tổ chức thanh niên cộng sản ở thuộc địa.
Đầu năm 1925, khi hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn những thanh niên tích cực nhất để lập ra nhóm bí mật là Cộng sản Đoàn làm hạt nhân cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam.
Tháng 6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với nòng cốt là Cộng sản Đoàn, là hạt nhân chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng cộng sản về sau. Do đó, Hội đã công bố Chương trình và Điều lệ, nói rõ mục đích làm cách mạng dân tộc để giành lấy độc lập dân tộc, sau làm cách mạng thế giới để đi đến xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ra báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Người còn lựa chọn và giới thiệu nhiều thanh niên Việt Nam ưu tú sang học tại Trường Đại học Cộng sản của những lao động Phương Đông do Quốc tế Cộng sản lập ra tại Liên Xô. Theo thống kê, dưới sự giới thiệu của Người, từ 1925 đến cuối những năm 1930 đã có hơn 60 sinh viên Đông Dương sang học tập tại ngôi trường này.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930), tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã đặt nền móng cho sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai (3/1931) đã dành nhiều thời gian bàn về công tác xây dựng Đoàn, đề ra nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương, nhằm thu hút thanh niên phấn đấu cho lí tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta giành được độc lập. Vào ngày 12/8/1947, trong “Thư gửi các bạn thanh niên”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.
Trong bài viết “Nhiệm vụ của thanh niên ta” (Báo Nhân Dân ngày 20/12/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số Nhân dân - tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn”.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên tích cực lao động XHCN, ngày 17/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước XHCN, thanh niên ta phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể…; nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường, chống tham ô, lãng phí; cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kĩ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: Thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và trau dồi đạo đức của người cách mạng. Ở bất kì cương vị nào, bất kì làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của Nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng CNXH.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gửi gắm: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Được xây dựng, rèn luyện và trưởng thành qua các thời kì đấu tranh cách mạng, Đoàn đã tập hợp đông đảo thanh niên phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14/1/1993, về công tác thanh niên trong thời kì mới, Đảng đã chỉ rõ: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỉ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên… Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố thành bại của cách mạng”.
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.