Nhớ về trận đánh Buôn Ma Thuột, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên

Nghiên cứu - Trao đổi 07/03/2025 09:44
Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, từ những ngày đầu khởi nghĩa đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lịch sử ghi nhận hàng vạn các mẹ, các dì, các chị không tiếc máu xương để chiến đấu, cống hiến cho độc lập dân tộc. Biết bao bà mẹ đã không chỉ một lần gạt nước mắt tiễn chồng con ra trận. Có những bà mẹ đã đào hầm để nuôi giấu cán bộ cách mạng từ lúc tóc còn xanh cho đến khi đầu bạc. Có những bà mẹ thức thâu đêm vá áo cho chiến sĩ. Có những người chị ngã xuống khi tuổi đời mới 18, đôi mươi như mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc...; máu của các chị đã đổ để cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Cái đẹp ấy kết tinh trong những cái tên đầy màu sắc huyền thoại Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Chiên, Võ Thị Thắng, Út Tịch, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc...
Ngay từ khi mới ra đời, Ðảng ta đã chủ trương thực hiện “Nam, nữ bình quyền”. Ðiều 9, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “Ðàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”. Ðảng đã đề ra chủ trương, đường lối giải phóng phụ nữ gắn với sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”...
![]() |
Tại Lễ kỉ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, tháng 10/1966, Bác Hồ khẳng định: “Từ đầu thế kỉ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
56 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, chúng ta phải ghi nhớ lời Bác dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”.
Nhớ lại thời kì hiện đại, nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, biết bao người phụ nữ nổi tiếng và cả biết bao người phụ nữ vô danh đã làm tròn trách nhiệm trọng trách được Đảng, Nhà nước giao, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, nhiều bà cụ ngoài 70, 80 tuổi, không những xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu… xông pha đánh giặc, vẽ lên nét đẹp truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, và đã đóng góp xứng đáng vào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đồng thời, giành thắng lợi cuộc kháng chiến thần kì chống thực dân Pháp “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, phụ nữ đã đóng góp 68% số ngày công phục vụ toàn chiến dịch; các chị đã chung lưng sát cánh cùng bộ đội, đắp đường, bắc cầu, phá bom.
Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, trong phong trào Đồng khởi năm 1960 đã có gần 1 triệu lượt phụ nữ đấu tranh trực diện kết hợp với lực lượng vũ trang, góp phần làm tan rã trên 20.000 binh lính và dân vệ, phá kìm kẹp ở 895 xã trên tổng số 1.193 xã ở miền Nam và nhiều chiến công khác của các chị em phụ nữ trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, nữ biệt động Sài Gòn, TP Huế,… góp phần Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong gần 40 năm đổi mới, cùng với những thành tựu đạt được có ý nghĩa và lịch sử, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế. Với hơn 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cần cù, không ngại gian khó, vượt lên đói nghèo, lạc hậu, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, tham gia quản lí nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng vì sự phát triển của phụ nữ đã được Đảng, Nhà nước ta ban hành và thực hiện hiệu quả, góp phần phát huy vai trò, tạo môi trường để phụ nữ Việt Nam phát triển, ngày càng khẳng định vị thế và đóng góp cho xã hội.
Hiện nay, tỉ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lí trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội nước ta chiếm 30,3%, xếp thứ 64 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, tồn tại như: Nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới có mặt còn hạn chế; nhiều phụ nữ nghèo gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức mới, đào tạo nghề, thiếu vốn, mặt bằng sản xuất; việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bảo đảm nhà trẻ, trường học cho con em công nhân ở các khu công nghiệp; bạo lực gia đình vẫn chưa được phát hiện, xử lí kịp thời, triệt để; định kiến giới và những rào cản về văn hóa vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển chung của phụ nữ...
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.
Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, bước vào kỉ nguyên mới, các cấp ủy, chính quyền, các Bộ, ban, ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải là “người thắp lửa cho mỗi nhà” và biết thắp lên niềm tin, ước mơ và hi vọng cho mỗi thành viên trong gia đình; xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân. Các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động tham mưu, đề xuất và vận động thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; cán bộ Hội Phụ nữ các cấp phải gương mẫu, đoàn kết, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, tô thắm truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Xã hội ngày càng phát triển, phụ nữ Việt Nam - những người đã dệt thêu giang sơn gấm vóc thêm rạng rỡ càng khẳng định vị thế. Đó là sự công bằng, dung dị và là nét đẹp văn hóa hiện đại, góp phần đưa đất nước Việt Nam bước vào kỉ nguyên mới - kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, hùng cường và thịnh vượng.