Rác ơi về đâu!
Trong mắt người già 04/10/2023 09:25
Còn ở Hà Nội, hơn 4 năm qua, 2,5ha đất tại chân cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai) trở thành nơi tập kết chất thải xây dựng. Tại TP Hồ Chí Minh, dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài 6,8 km trước đây bị người dân vứt rác vô tội vạ gây ô nhiễm, vừa được lãnh đạo thành phố chi hơn 5.000 tỉ đồng để cải tạo, hồi sinh. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, dòng kênh này lại đứng trước nguy cơ ô nhiễm vì bị người dân tiếp tục… vứt rác.
Việc TP Hồ Chí Minh chi tiền vớt rác thải trên kênh chỉ tạm thời giải quyết phần ngọn của vấn đề. Tình trạng rác thải tràn ngập đầm nước mặn Sa Huỳnh, các dòng kênh, sông suối, ao hồ ở nhiều nơi đang trở thành vấn nạn của xã hội.
Người ta vứt rác dọc phố, quốc lộ, tỉnh lộ, các điểm vui chơi công cộng, điểm du lịch,… không chỉ làm mất mĩ quan, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống của con người. Dư luận cho rằng, cần quản lí rác bằng công nghệ như số hoá những điểm phát sinh rác để lãnh đạo các cấp theo dõi, xử lí. Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt mạnh tay đối với hành vi, thói quen vứt rác bừa bãi của người dân. Khi phát hiện hành vi xả rác không đúng quy định, ai cũng có thể chụp hình, quay video và đăng lên ứng dụng, chuyển dữ liệu đến chính quyền phường, xã và đơn vị thu gom rác để xử phạt theo quy định.
Một tín hiệu vui là mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Đã có nhà đầu tư quan tâm đến việc “móc” toàn bộ rác thải chôn lấp tại bãi rác Sóc Sơn lên để đốt, rồi xây dựng thành công viên công cộng. “Việc này thành phố sẽ nghiên cứu và triển khai sớm”, ông Thanh khẳng định. Thông tin trên nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân Thủ đô, bởi khi bãi rác biến thành công viên sẽ là một sự thay đổi lớn không chỉ về mặt mĩ quan mà còn là không gian sống tốt cho sức khoẻ con người.
Tại Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 13 diễn ra ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bộ phim “Rác ơi về đâu” của đạo diễn người Áo Geyrhalter đã để lại trong lòng người xem những suy tư, quan ngại. Đó là vô vàn “núi rác” thải do con người tạo ra mọi lúc, mọi nơi. Để “chống lại rác” con người phải đấu tranh không ngừng nghỉ nhằm kiểm soát lượng rác thải khổng lồ thải ra mỗi ngày. Thu gom, phân loại, nghiền nhỏ, đốt, chôn lấp… việc làm không có hồi kết song chỉ giải quyết được phần ngọn, trong khi lượng rác toàn cầu vẫn đang gia tăng từng ngày.
Biến bãi rác thành công viên, nhưng đừng biến những mảnh đất, quả đồi, bãi biển, sông suối, ao hồ… thành bãi rác mới, để rồi phải “móc” lên, trả món “học phí” khổng lồ.