Cả nước có hơn 27 nghìn thôn, 2 nghìn xã không thu gom rác thải
Xã hội 11/03/2022 07:36
Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020. Đây là cuộc điều tra quy mô lớn, triển khai trên phạm vi toàn quốc, thu thập thông tin của 8.297 xã, 20.611 trang trại, 1,6 triệu hộ mẫu (10% hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản).
Theo Tổng cục Thống kê, Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt tại Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010, đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Qua 5 năm triển khai thực hiện quyết liệt, Chương trình đã đạt kết quả khá toàn diện. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết thúc năm 2020, cả nước có 62,0% số xã đạt Chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra là đạt 50% số xã; bình quân mỗi xã đạt 16,38 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Cả nước đã có 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; 268 xã đạt Chuẩn nông thôn mới nâng cao và 24 xã đạt Chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh những thành quả đạt được, sự phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản những năm vừa qua bộc lộ ngày càng rõ những yếu kém về bảo vệ môi trường sinh thái. Việc thu gom, xử lý chất thải của khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, dịch vụ và rác thải, nước thải sinh hoạt của dân cư trên địa bàn nông thôn còn nhiều bất cập.
Việc thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn còn nhiều bất cập. (ảnh minh họa) |
Theo kết quả điều tra, tại thời điểm 01/7/2020, cả nước hiện còn 2.095 xã và 27.648 thôn không tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, chiếm 25,25% tổng số xã và 41,76% 38 tổng số thôn. Trên địa bàn vùng cao có tới 61,33% số xã và 74,82% số thôn không thu gom rác thải sinh hoạt. Hai tỷ lệ của Trung du và miền núi phía Bắc là 55,25% và 71,67%; Tây Nguyên là 40,85% và 56,18%.
Nhiều địa phương tuy đã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt nhưng không tiến hành xử lý hoặc xử lý không đúng kỹ thuật, công nghệ không phù hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Năm 2020, trong tổng số 6.202 xã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt nhưng chỉ có 3.236 xã có bãi rác tập trung trên địa bàn xã, chiếm 52,18% tổng số xã có thu gom rác thải sinh hoạt và chiếm 39,00% tổng số xã trên địa bàn nông thôn.
Trong tổng số xã có bãi rác thải sinh hoạt tập trung, 56,21% số xã xử lý thủ công bằng hình thức đốt hoặc chôn lấp và 1,45% số xã không xử lý, còn lại chuyển đến nơi khác xử lý. Thu gom, xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn cũng có tình trạng tương tự.
Năm 2020, cả nước có 4.799 xã và 43.250 thôn không có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, chiếm 57,84% tổng số xã và 65,33% tổng số thôn khu vực nông thôn. Tỷ lệ số xã và số thôn không có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung chiếm trong tổng số xã và số thôn trên địa bàn các xã vùng núi là 65,53% và 70,71%; các xã vùng cao là 85,80% và 88,81%; các xã hải đảo là 69,12% và 74,05%; các xã thuộc vùng khác là 40,99% và 48,25%.
Đáng chú ý là, phần lớn lượng nước thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh và nước thải sinh hoạt của dân cư trên địa bàn nông thôn xử lý không triệt để, thậm chí không xử lý, đổ thẳng ra kênh mương, sông suối gây ô nhiễm trên địa bàn rộng lớn. Khu vực nông thôn còn có nhiều loại chất thải khác gây ô nhiễm môi trường như: Chất thải khí, chất thải rắn, chất thải y tế, gia súc và gia cầm chết, đặc biệt là tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Tình trạng thải bỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay tại ruộng, hồ ao, kênh mương, sông suối khá phổ biến.
Kết quả điều tra cho thấy, năm 2020, cả nước có 4.096 xã không có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chiếm 49,37% tổng số xã khu vực nông thôn. Tỷ lệ xã không có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật so với tổng số xã trên địa bàn của các xã vùng núi là 49,03%; các xã vùng cao 76,07%; các xã hải đảo 80,88%; các xã thuộc vùng khác 36,36%. Do sử dụng thuốc và thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định nên tỷ lệ đất nông nghiệp sản xuất hiệu quả và bền vững đánh giá theo tiêu chí sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất của hộ nông nghiệp năm 2020 chỉ có 32,34% đạt mức độ cao; 9,29% đạt mức độ trung bình và 57,74% không đạt.