Quy trình sản xuất thực phẩm chức năng “ngược”, nhân viên mạo danh bác sĩ, thu tiền tỷ từ người bệnh?
Pháp luật - Bạn đọc 15/04/2021 14:18
Quy trình sản xuất thực phẩm chức năng "ngược"
Với hàng loạt Công ty được mở ra để phục vụ kinh doanh thực phẩm chức năng như: Công ty Dược phẩm Locifa, Công ty Cổ phần Công nghệ GOB Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Medicom, Công ty Cổ phần Dược phẩm công nghệ Nhật Bản, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Medicova, Công ty Cổ phần Công nghệ COD Việt Nam… Các công ty này được lập ra để xin thủ tục sản xuất thực phẩm chức năng cho hợp lý, chứ không quan trọng là để sản xuất kinh doanh, nộp thuế theo quy định pháp luật.
Sản phẩm GenX được quảng cáo rầm rộ |
Bởi sẽ rất khó tìm được các công ty này, theo địa chỉ đăng ký trên giấy tờ thì đều không có thật. Mỗi một sản phẩm của nhà Nhung- Dương được cho ra lò, lại được xây dựng lên các fanpage, các trang mạng để chạy truyền thông cung ứng sản phẩm chủ yếu qua đường online, nên rất khó cho các nhà quản lý, đặc biệt là ngành thuế thì không biết đường nào mà lần.
Mỗi ngày doanh thu khoảng 300 triệu đồng, tương đương một tháng gần 10 tỷ, nhưng hầu như nguồn thu không được thể hiện, không có hóa đơn, và số tiền bán hàng được chuyển trực tiếp vào tài khoản của nhân viên, nên rất khó kiểm soát được doanh thu của vợ chồng Nhung - Dương.
Hiện nay, nhà Nhung - Dương đang điều hành phân phối gần 100 mã sản phẩm thực phẩm chức năng, nhưng chỉ 1 số loại là nổi nhất và kéo dài nhất như: GenX, Yakumi, Kvoimen (bổ thận), Đào Thi (nở ngực), GM Diet (giảm cân), Bình Vị An (dạ dày), Dakami (dưỡng da), Ích khớp đan (xương khớp), Hoàn Cốt Đan, Thân Tâm An…, đồng nghĩa với việc các trang fanpage, website... sẽ tồn tại lâu dài.
Còn lại các sản phẩm khác thì thực hiện đánh theo mùa vụ, nghĩa là chỉ làm 1 vụ hàng, mở ra bán họ sẽ làm truyền thông rầm rộ, bán hết hàng sẽ xóa luôn dấu tích, cho sập tất các các trang mạng trên. Đây là cách làm đánh nhanh rút gọn, sau đó là tiếp tục cho ra các sản phẩm mới với chiêu trò tương tự.
Đến khi dư luận phát hiện ra sản phẩm chất lượng kém, không tuân thủ các quy định về sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, thì việc đã "xong", ôm tiền và rút êm.
Đơn cử như sản phẩm Bình Vị An, được giới thiệu là sản phẩm hỗ trợ bệnh dạ dày. Để sản xuất ra sản phẩm này thì yêu cầu phải đi kiểm nghiệm, xin giấy phép và giấy công bố sản phẩm của các cơ quan quản lý, sau khi có đủ các thủ tục đó mới được sản xuất và đưa ra thị trường.
Thế nhưng, ở sản phẩm này lại có quy trình ngược lại, tức là sản xuất hàng ra trước, rồi mới hoàn thiện các thủ tục cho sản phẩm theo quy định.
Điều khiến giới sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng nể phục nhà Nhung - Dương chính là điểm này, sản phẩm nào ra theo kiểu "quy trình ngược" thì sau cùng vẫn có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định.
Thêm nữa, để tăng độ "độc" cho sản phẩm, họ thường đặt những cái tên hết sức hoành tráng, đánh vào tâm lý người dân, như sản phẩm cho nam giới thì dùng chữ Men…, nữ giới thì dùng Đào, còn về dạ dày thì dùng tên nước ngoài cho khác biệt và thu hút người bệnh hơn, như Yakami.
Tất cả các sản phẩm về sinh lý đều có công thức giống giống nhau, khi sản phẩm này bị báo chí phản ánh và phải khai tử để tránh dư luận, thì họ bê nguyên công thức của sản phẩm cũ, áp vào một cái tên mới, rồi đem đi công bố sản phẩm mới theo kiểu "bình mới rượu cũ".
Công đoạn tiếp theo là lập trang website, fanpage, zalo và thiết kế hình ảnh, nội dung quảng cáo có tác dụng như "thần dược", để lừa dối bệnh nhân. Khiến cho nhiều khách hàng đã dùng sản phẩm cũ thời gian dài lại tiếp tục mắc bẫy, và được đội ngũ "thần y" hướng dẫn dùng sản phẩm khác có tác dụng tốt hơn.
Ngoài ra, nhà Nhung - Dương còn dùng chiêu "Ve sầu thoát xác" cho sản phẩm. Ví dụ: Sản phẩm Đào hồng đơn nở ngực, trước kia có tên là Hoa đào, với công thức chế biến gồm 10 thành phần chất liệu, khi bán ra một thời gian họ sẽ làm truyền thông ra sản phẩm mới cao cấp hơn, được giới thiệu là chế biến từ 15 thành phần, và đương nhiên giá thành sẽ cao hơn rất nhiều so với sản phẩm cũ.
Nhưng cuối cùng thì sản phẩm bán ra thị trường vẫn là từ 10 chất liệu như cũ, đây là chiêu thức khá phổ biến trong mọi loại thực phẩm chức năng do cặp đôi này đang cung cấp ra thị trường.
"Mạo" danh bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân?
Mới đây trên mạng xã hội đang lan truyền một clip có dung lượng hơn 5 phút, ghi lại cảnh một thanh niên tự xưng mình là bác sĩ 38 tuổi đang tư vấn khám bệnh cho một bệnh nhân qua điện thoại. Không những thế, nam thanh niên này còn quảng cáo và bán thực phẩm chức năng.
Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), nhân vật tự xưng là bác sĩ, tên có tên gọi là Tùng, sinh năm 1998, không có chuyên môn về ngành y dược. Hiện nam thanh niên này đang làm việc tại Công ty CP công nghệ cao GOB Quốc tế (Go Big), có chi nhánh tại tầng 4 tòa nhà Hoàng Huy, 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Chi nhánh này chuyên phân phối loại thực phẩm chức năng hỗ trợ sinh lý nam tên là GEN X.
Nam thanh niên tên Tùng đang tư vấn cho người bệnh (ảnh cắt từ Clip) |
Ngoài người thanh niên tên Tùng, đơn vị này còn có hàng trăm nhân viên khác, có độ tuổi từ 22 đến 25 tuổi, cũng chuyên làm công việc mạo danh y bác sĩ, chuyên gia tư vấn cho bệnh nhân và bán thực phẩm chức năng. Điều đáng nói, khi tư vấn cho bệnh nhân, các "y, bác sĩ" này luôn mồm gọi thực phẩm chức năng GEN X là thuốc, và quảng cáo công dụng như thần dược, khiến nhiều bệnh nhân tin tưởng và bỏ tiền ra mua.
Theo nguồn tin được cung cấp, thì đơn vị phân phối thực phẩm chức năng này là do vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhung và ông Nguyễn Văn Dương làm chủ, ngoài Công ty Cổ phần Công nghệ GOB Việt Nam, thì vợ chồng bà Nhung còn mở hàng loạt Công ty để phục vụ kinh doanh thực phẩm chức năng. Cụ thể là Công ty Dược phẩm Locifa, Công ty TNHH Dược phẩm Medicom, Công ty Cổ phần Dược phẩm công nghệ Nhật Bản, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Medicova, Công ty Cổ phần Công nghệ COD Việt Nam, mỗi tháng có doanh số đến hàng chục tỷ đồng.
Để vận hành hệ thống phân phối thực phẩm chức năng khổng lồ, với gần 100 đơn vị sản phẩm, vợ chồng bà Nhung đã tuyển dụng hàng nghìn nhân viên tuổi đời còn rất trẻ để phát triển hệ thống phân phối trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, đơn vị này còn dùng "truyền thông bẩn" tổ chức thuê nhiều diễn viên nổi tiếng và một số bác sĩ đóng clip quảng cáo, nhằm "thổi" công dụng các loại thực phẩm chức năng này lên như "thần dược", để thu hút người bệnh tin tưởng và sập bẫy.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn chỉ đạo các cơ quan ban ngành khẩn trương vào cuộc kiểm tra xử lý nghiêm nạn mạo danh bác sĩ, lương y để quảng cáo sai sự thật, lừa dối người dân để trục lợi.
Câu hỏi đặt ra, những việc làm của bà Nguyễn Thị Nhung và ông Nguyễn Văn Dương có dấu hiệu vi phạm vào Khoản 4, Điều 70 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017 của Chính phủ, và điểm d, Khoản 1, Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 trong Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản?
Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên, giữ nghiêm kỷ cương phép nước và tránh cho người dân rơi vào những cái "bẫy" lừa đảo này.