Qua đò ngang xem ghềnh đá Bàn Than
Đời sống 15/08/2023 10:15
Xã đảo Tam Hải vào những ngày đầu tháng Sáu. Trưa, nắng lấp lánh trên bãi cát vàng óng, gió lao xao “lượn” trên những tán dừa bao quanh xã đảo. Đây là địa phương có vị trí địa lí rất đặc biệt khi bốn bề được bao bọc bởi sông và biển với những xóm làng hiền hòa ẩn trong rặng dừa xanh, cuộc sống quanh năm làm nghề chài lưới của người dân càng làm tăng thêm vẻ hấp dẫn cho du khách đến đây trải nghiệm sự dân dã, mộc mạc. Song, hòn đảo này đã được đưa vào khai thác du lịch từ khá sớm nhưng chưa hiệu quả, phần lớn là do giao thông còn “phà giang cách trở”.
Vẫn còn những chuyến đò ngang từ đất liền ra xã đảo. |
Buổi trưa, nhìn ra bãi biển nắng chang chang, nhưng vẫn mát bởi làn gió biển mơn man thổi rì rào trong rặng dừa xanh. Nhìn biển xanh xa thẳm tận cuối đường chân trời điểm xuyết vài cánh buồm đang no gió từ biển khơi vào bờ, khiến cảnh quan thêm phần sinh động, gợi lên nỗi niềm yêu mến “biển - đảo” quê hương. Bãi cát trắng phau, thoai thoải mịn màng như dải lụa bên biển lặng, nước trong xanh, sóng vỗ dạt dào. Vài chiếc thúng đang “úp, mở” trên bờ và nhấp nhô những thuyền thúng của ngư dân đang đánh bắt trở về.
Du khách đến xã Tam Hải chủ yếu tham quan, trải nghiệm ghềnh đá Bàn Than nằm sát chân núi phía bên trái đường biển với hình thù kì dị cứ thế lớp lang xếp gối lên nhau bám theo chân núi, kéo dài tới tận 500m. Cái tên “Bàn Than” được các bậc cao niên giải thích: “Bàn ở đây có nghĩa là mặt bàn, bằng phẳng; còn than để chỉ màu đen”. Khi triều cường rút, du khách sẽ thấy được ghềnh đá có màu đen, xám… lấn ra ngoài biển.
“Hòn non bộ” thiên nhiên ở ghềnh đá Bàn Than. |
Tham quan ghềnh đá Bàn Than với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ với nhiều hình dáng ẩn hiện dưới những cơn sóng bạc đầu. Trên bề mặt của những ghềnh đá đen, có nơi nổi lên những đường vân kì dị màu trắng hay những “hạt đá” màu trắng, vàng khảm trên nền đá đen rất độc đáo cùng với những “hoa văn họa tiết” khá huyền bí. Trời và biển nơi đây một màu xanh nhức mắt.
Đặc biệt nhất là hai tảng đá “Ông Đụn - Bà Che” từ lâu đã trở thành huyền thoại. Rất tiếc, tảng đá Bà Che hiện nay đã bị sập, mất đi cổng đá từng thu hút rất đông các bạn trẻ đến trải nghiệm, check-in những bức ảnh độc đáo dưới “cổng đá”. Nhiều chỗ có kết cấu sỏi kết tạo thành những triền đá như được “dát vàng, đính ngọc”. Du khách có cảm giác nơi đây giống như một công viên địa chất thu nhỏ.
Chiều buông, khi ánh mặt trời lặn, du khách sẽ ngẩn ngơ khi được ngắm nhìn thời khắc đẹp nhất trong ngày. Vì là một xã đảo nên Tam Hải là một trong số ít nơi trên đất liền có thể nhìn thấy mặt trời lặn gây hiệu ứng tím cả biển trời, tím cả xã đảo hoang sơ. Xã đảo được ví như nàng “tiên cá” giữa biển khơi bao la, ít người bắt gặp. Nhưng nếu đã gặp rồi, du khách nhất định muốn mục kích lần hai.
Bình yên xã đảo. |
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học trên lĩnh vực địa chất, khu vực các xã Tam Hải, Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), nhất là khu vực Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa có niên đại cách ngày nay khoảng 400 triệu năm, mang những đặc trưng tiêu biểu của quá trình tiến hóa vỏ trái đất, liên quan tới sự hình thành và tách giãn Biển Đông.
Năm 2017, cụm danh thắng “Ghềnh đá Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa” đã được xếp hạng Di tích danh thắng cấp tỉnh đã mở ra một hướng đi mới về công tác bảo tồn và phát huy giá trị, tiềm năng du lịch nơi đây… Huyện Núi Thành đang thực hiện một đề án xây dựng xã đảo Tam Hải thành khu du lịch biển đảo và vùng đệm sinh thái môi trường, tạo cơ hội để bảo tồn và phát huy các giá trị sinh thái, đa dạng hóa các tác phẩm, phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Được biết, năm 2020, trên kênh truyền hình National Geographic (Mỹ) đã điểm tên 5 bãi biển đẹp nhất phía Nam Việt Nam gồm Ghềnh Ráng (tỉnh Bình Định), Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) và Tam Hải (tỉnh Quảng Nam).