Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với vai trò người đứng đầu
Nghiên cứu - Trao đổi 05/05/2022 10:37
Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; trên cơ sở báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 10 - KL/TW ngày 20/12/2016 của Bộ Chính trị Khóa XII “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về chống tham nhũng, lãng phí”. Bộ Chính trị đánh giá công tác PCTN, tiêu cực tạo bước tiến rõ nét, có tính đột phá. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về PCTN được nâng lên, từng bước hoàn thiện thể chế phòng ngừa; công tác phát hiện, xử lí được chỉ đạo quyết liệt, tham nhũng từng bước được ngăn chặn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch, củng cố lòng tin của Nhân dân.
Từ năm 2013, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và đặc biệt từ Đại hội XII của Đảng, cuộc đấu tranh PCTN đã có bước tiến mạnh, đạt kết quả toàn diện, tạo đà và hiệu ứng tích cực…
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra rất nghiêm trọng, tính chất phức tạp thể hiện có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều ngành, ở các cấp, các doanh nghiệp, cả trong các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, sự điều hành của cơ quan Nhà nước và gây tổn thất to lớn cho nền kinh tế vốn đang trong thời kì là quốc gia có thu nhập thấp so với thế giới và khu vực.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp Kỳ thứ 14 |
Tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, đã xử lí kỉ luật 131.000 đảng viên liên quan đến 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lí bị xử lí hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị; 7 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương; 4 Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân); kiến nghị thu hồi 700.000 tỉ đồng, 20.000 ha đất, chuyển cơ quan điều tra, xử lí 700 vụ việc. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 31%. Riêng giai đoạn 2016 - 2020 thi hành kỉ luật 87.000 đảng viên, 3.200 người liên quan tham nhũng.
PCTN, tiêu cực là công việc hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm nên cần được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, không thỏa mãn với kết quả đã đạt được; song cũng không được nôn nóng, chủ quan, đòi hỏi sự kiên trì, kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm, làm vụ nào chắc vụ ấy, xử lí nghiêm minh, kịp thời, không bao che, tiếp tay, không can thiệp, cản trở chống tham nhũng. Kết hợp đồng bộ phương châm “chống” để “xây” và “xây” để “chống”. Thực hiện phương châm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, trừng trị là quan trọng. Xây dựng cơ chế phòng ngừa bài bản, chặt chẽ để dần dần đi vào xu hướng xã hội “không có tham nhũng”, “không thể tham nhũng” và “không dám tham nhũng”.
Để đi tới xã hội lành mạnh đó, cần có rất nhiều giải pháp, biện pháp, từ đột phá về thể chế, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật đồng bộ về phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, kê khai tài sản, kê biên, thu hồi tài sản, khen thưởng công dân tố giác, từng bước mở rộng phạm vi PCTN, tiêu cực ra khu vực ngoài Nhà nước và hợp tác quốc tế về PCTN đến công tác cán bộ, cải cách hành chính, tăng cường thông tin, tuyên truyền…
Trong bài viết này, tác giả muốn đề cập đến một khía cạnh, một lĩnh vực, một đối tượng thường là trung tâm, thậm chí là cái gốc của tham nhũng. Đó là xuất phát điểm từ người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Người đứng đầu có vị trí, vị thế quyền lực, ban hành các chủ trương, quyết sách, định đoạt mọi việc nên khi xảy ra tham nhũng không chỉ chịu trách nhiệm mà thông thường người đứng đầu cũng trực tiếp vi phạm, thậm chí là người cầm đầu nên trở thành bị cáo. Điểm lại hàng nghìn vụ án tham nhũng, vụ việc tiêu cực hầu hết đều liên quan đến người đứng đầu.
Tại các cơ quan Trung ương: Các ông Đinh La Thăng (Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương); Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông); Hoàng Trung Hải (cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ); Vũ Văn Ninh (cựu Phó Thủ tướng Chính phủ). Liên quan đến vụ án Việt Á hiện nay có trách nhiệm của các ông Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế). Cũng liên quan vụ án này, 62 giám đốc CDC của 62 tỉnh, thành phố và nhiều giám đốc bệnh viện đa khoa Trung ương, địa phương vi phạm nghiêm trọng. Ở nhiều tỉnh, thành phố những người đứng đầu vi phạm thường kéo cả “thê đội” “dính” theo.
Tại TP Hồ Chí Minh: Các ông Lê Thanh Hải (cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy); Lê Hoàng Quân (Chủ tịch UBND thành phố), Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến… Tại TP Hà Nội, các ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch UBND thành phố); Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Mạnh Quyền … Tại Đà Nẵng: Các ông Nguyễn Xuân Anh (cựu Bí thư Thành ủy), Văn Hữu Chiến, Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND thành phố)… Tại Khánh Hòa: Các ông Nguyễn Chiến Thắng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh), Lê Thanh Quang, Lê Đức Vinh… Tại Bình Dương: Các ông Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy), Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh), Phạm Văn Cảnh, Nguyễn Thanh Trúc… Tại Đồng Nai: Các ông (bà) Nguyễn Tấn Long, Trương Thanh Giàu, Nguyễn Mộng Huyền…
Trong các lực lượng vũ trang Nhân dân, rất nhiều tướng lĩnh sai phạm đã bị xử lí kỉ luật hoặc hình sự. Tại Quân chủng Phòng không - Không quân: Thượng tướng Phương Minh Hòa, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh. Quân chủng Hải quân: Thượng tướng (Đô đốc) Nguyễn Văn Hiến, Trung tướng (Phó đô đốc) Nguyễn Văn Thạch, Thiếu tướng (chuẩn đô đốc), Lê Văn Đạo. Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển cả một dàn tướng lĩnh: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (Tư lệnh), Trung tướng Hoàng Văn Đồng (Chính ủy), các Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Bùi Trung Dũng, Doãn Bảo Quyết. Học viện Quân y: Trung tướng Nguyễn Viết Lượng (Chính ủy),Trung tướng Đỗ Quyết (Giám đốc), các Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ngô Anh Tuấn. Quân khu 9 có Thiếu tướng Trần Văn Tài…
Ngành Công an cũng có nhiều tướng lĩnh vi phạm nghiêm trọng bị xử lí kỉ luật hoặc hình sự: Thượng tướng Trần Việt Tân, Trung tướng Bùi Văn Thành (cựu Thứ trưởng Bộ Công an), Trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Công nghệ cao), Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh (cựu Giám dốc Công an tỉnh Đồng Nai)…