Giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Nghiên cứu - Trao đổi 17/08/2024 10:39
Giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám
Cách đây đúng 79 năm, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nhân dân Việt Nam đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm. Đất nước Việt Nam bước sang kỉ nguyên mới - kỉ nguyên tự do, độc lập.
Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 8/1945, Hội nghị Đại biểu toàn quốc họp ở Tân Trào đã nhấn mạnh: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”. Khi thời cơ đến, nhanh chóng chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”; “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kì được độc lập, tự do”, Người kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” (1).
Ảnh tư liệu |
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội giành chính quyền về tay Nhân dân. Với khí thế tiến công như sấm rung, chớp giật, cả dân tộc từ Bắc đến Nam, triệu người như một, nhất tề vùng lên đưa cuộc Tổng khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn, viết nên một chương mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng lớn để tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa long trời lở đất, có ý nghĩa lịch sử.
Chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14/8 đến 28/8/1945), 25 triệu đồng bào ta đã vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là biểu tượng rực rỡ của tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ và khát vọng tự do, hòa bình, ấm no, hạnh phúc, cường thịnh của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm; đồng thời, là thắng lợi của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Giá trị trường tồn
Sau Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc bước vào thời kì “kháng chiến kiến quốc”. Đất nước ta phải đương đầu với ba thứ giặc là giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; thù trong, giặc ngoài… Người nói, giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn.
Lịch sử đã chứng minh, Tổng khởi nghĩa không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn. Vận dụng yếu tố thời cơ giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Hồ Chí Minh đã đạt đến độ thiên tài.
Gắn liền với cuộc cách mạng long trời lở đất ấy là các thế hệ thanh niên Cách mạng Tháng Tám dưới sự dìu dắt của Bác Hồ, nét nổi bật là có tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết không can tâm làm nô lệ cho bọn thực dân đế quốc, với tinh thần “Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tinh thần đó đã được các thế hệ thanh niên chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc kế thừa và phát huy đến đỉnh cao với chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và cuộc Đại thắng mùa Xuân 1975 đi vào lịch sử toàn thế giới như một kì tích anh hùng.
Với những chiến công bất hủ ấy, dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX đã nổi bật trên trường quốc tế như một dân tộc bất khả chiến bại, một dân tộc đã từng đánh thắng mọi loại kẻ thù xâm lược. “Nước mất thì nhà tan”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, chân lí ấy thấm sâu vào tâm trí của mỗi thanh niên yêu nước Việt Nam và đã tôi luyện nên ý chí quật cường của cả dân tộc.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá, nhưng có lẽ bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước vẫn là bài học thiết thực, hiệu quả nhất.
Cách mạng Tháng Tám thành công nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ; nhờ sức mạnh đại đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quật cường của toàn dân tộc; hội tụ của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam; là thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo để “lựa tình thế, chọn thời cơ”, đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo ở tầm chiến lược, làm nên những sự kiện vĩ đại có tầm vóc và đi vào lịch sử của dân tộc và thế giới.
Không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của một dân tộc nhược tiểu đã tự đấu tranh giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân. Thắng lợi này đã cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, mở ra thời kì tan rã của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Có dịp mở những trang Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kì đều thấy, Đảng ta rất coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng ta đã dựa vào sức dân, huy động sức mạnh toàn dân tộc lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện rõ: trước hết phải khơi dậy được tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội để thực hiện công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, đưa Việt Nam nâng lên tầm cao mới. Đồng thời, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; đồng bào ta có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc như hằng mong ước của Bác Hồ.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr. 596.
(2) Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 2, tr. 2.