Nông thôn thời dịch bệnh Covid-19
Nghiên cứu - Trao đổi 13/08/2021 11:15
Thế rồi ông ấy kể nhiều người từ các khu đô thị ở Hà Nội về quê cách đây hàng chục ngày từ lúc dịch bệnh chưa căng lắm, ai cũng bảo lâu ngày mới về quê được sống trong cảnh thanh bình, môi trường sạch sẽ, thân thiện mà ở nhiều khu đô thị không thể có được… nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng “ai ở đâu ở yên đó”, Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo như vậy nên không về được rồi.
Quả thật, nhiều người dân thành thị cảm thấy buồn, ngột ngạt trong các căn hộ chung cư nên đã tạm chuyển về sống tại các vùng nông thôn. Có gia đình vẫn còn nhà ở quê; có người mua đất làm cái trang trại nho nhỏ để được hưởng không khí trong lành, môi trường thân thiện, có nhiều khoảng không… Lúc thư giãn chính là tham gia trồng rau, chăn nuôi gia cầm, tôm cá,.. để tự cung tự cấp. Trẻ em tha hồ vui chơi, tiếp cận với môi trường tự nhiên mà không phải lúc nào cũng có điều kiện thực hiện.
Từ ngày có dịch Covid-19, cuộc sống của người nông dân cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nơi làm việc của nông dân khoảng cách giữa người với người xa hơn nhiều lần chứ không phải 2 mét như khuyến cáo. Hằng ngày họ vẫn ra đồng chăm sóc lúa, chăn bò, trồng rau bình thường. Tuy vậy, họ cũng thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội, có hơi khó chịu vì người thôn quê hay chuyện trò, đi làm đồng hay đi trên đường, đi chợ gặp nhau thường dừng lại hỏi thăm nhau đôi câu, hay nhà nọ thường hay sang nhà kia chơi trao đổi dăm ba câu chuyện, uống với nhau chén nước… những thói quen ấm áp, thận thiện ấy giờ vì dịch bệnh mọi người đều có ý thức thay đổi. Đặc biệt, dù không có dịch nhưng già, trẻ, gái trai cứ ra khỏi nhà là đeo khẩu trang và đã trở thành thói quen.
Chốt kiểm dịch khu vực cách ly tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. |
Cách đây ít ngày, tôi về quê thấy mọi người đeo khẩu trang, tôi bảo ở quê mình phòng chống dịch nghiêm nhỉ, mấy cụ bảo không đeo khẩu trang nhỡ “dính” con virus thì nguy, hơn nữa mình già rồi sức khỏe hạn chế; có cụ bảo, ông về quê tận mắt chứng kiến chỉ có người lớn phải đi làm là ra đường, ai đi việc người đó, không tụ tập, không chuyện trò nhưng ở trên ti vi thấy ngoài phố nhiều cụ vẫn ra đường thể dục hay đi đâu không có lí do trong khi có lệnh cấm, lại không đeo khẩu trang, thế là thua cánh già nhà quê rồi…
Khó khăn nhất là giải quyết việc tập trung đông người ở các đám hiếu, đám hỉ nhưng nay cũng hạn chế rất nhiều. Ai cũng biết truyền thống của người Việt Nam đặc biệt ở các làng quê là nhà ai có việc buồn, “nghĩa tử là nghĩa tận” nên cả làng đến chia buồn, thăm viếng; khi có việc vui đến chia vui, chúc mừng hạnh phúc đôi lứa mà cũng gần như cả làng đến ăn cỗ, có khi đến mấy ngày. Nhưng bây giờ, thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các đám cưới đều hoãn tổ chức hoặc không làm cỗ linh đình như trước, chỉ có rất ít số người trong gia đình tham gia. Có thể nói, hầu hết người dân đã thay đổi thói quen để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống cộng đồng. Ý thức tự giác thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của người dân ở nông thôn đã góp phần tích cực vào việc ngăn chặn dịch bệnh, duy trì và phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống.
Qua chuyện của ông bạn và tận mắt chứng kiến cuộc sống thôn quê thời phòng, chống dịch cũng thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng trăm người từ thành phố Hồ Chí Minh ùn ùn về quê “trốn” dịch, có những người đi bộ ba, bốn trăm cây số; có những đoàn người đi xe máy hàng nghìn cây số,… tất cả đều quyết về quê dù gian nan, vất vả nhưng hi vọng thoát được lưỡi hái của tử thần nhưng đó lại là mối lo hiện hữu vì dễ mang dịch về quê.
Tôi cũng là “người nhà quê lên tỉnh” lâu ngày nhưng luôn gắn bó mật thiết với quê hương, họ hàng nên càng hiểu giá trị truyền thống của làng quê. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay nhiều người tiếp tục muốn về quê cũng phải lưu ý nếu không sẽ mang mầm bệnh về quê thì càng nguy hiểm cho cộng đồng. Tốt nhất nên ở tại chỗ như chỉ đạo của Thủ tướng, chính quyền địa phương đến khi dừng giãn cách xã hội.
Tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến quá phức tạp, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm làng… khu phố là một pháo đài chống dịch. Tất cả người dân ở mọi miền Tổ quốc hãy thực hiện nghiêm túc vì cuộc sống bình an. Người cao tuổi càng phải gương mẫu thực hiện cho con cháu noi theo.